Xảy ra động đất 4 độ richter ở Hà Nội

Động đất có độ lớn 4.0, độ sâu chấn tiêu khoảng 16km xảy ra tại khu vực huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.

Động đất xảy ra tại khu vực huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Ảnh: Viện Vật lý địa cầu

Động đất xảy ra tại khu vực huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Ảnh: Viện Vật lý địa cầu

Động đất xảy ra tại khu vực huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội

Thông tin từ Viện Vật lý địa cầu, vào hồi 1 giờ 5 phút 35 giây (giờ GMT) ngày 25/3/2024 tức 8 giờ 5 phút 35 giây (giờ Hà Nội) ngày 25/3/2024 một trận động đất có độ lớn 4.0 xảy ra tại vị trí có tọa độ (20.770 độ vĩ Bắc, 105.720 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 16km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Theo VGP, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh cho biết dù không nằm trong vành đai động đất Thái Bình Dương như Nhật Bản, Philippines nhưng trên lãnh thổ Việt Nam, nhiều khu vực có đứt gãy hoạt động mạnh. Đáng quan tâm nhất là Tây Bắc, nơi đây có nhiều đứt gãy hoạt động mạnh như đứt gãy Điện Biên - Mường Lay, đứt gãy Sông Mã - Tuần Giáo - Lai Châu.

Từng xảy ra các trận động đất mạnh 5,1-5,5 độ

Hà Nội và các khu vực lân cận nằm trong vùng đứt gãy sông Hồng - sông Chảy, là đới đứt gãy đang trong thời kỳ yên tĩnh với nguy cơ động đất không cao. Dù vậy, theo số liệu của Viện Vật lý địa cầu, trong đới này từng xảy ra các trận động đất mạnh 5,1-5,5 độ. Chu kỳ lặp lại động đất mạnh 5,4 độ ở Hà Nội là 1.100 năm.

Ông Nguyễn Xuân Anh cũng cho rằng, tới đây cần tiếp tục quan trắc cũng như có các nghiên cứu sâu hơn và cập nhật hơn về phân vùng rủi ro động đất cho các địa phương, nhằm cập nhật và bổ sung bản đồ kháng chấn trên cả nước. Từ đó, có khuyến cáo mới nhất cho các địa phương trong vấn đề xây dựng công trình.

Người dân cần bình tĩnh, tuân thủ theo đúng hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng; đồng thời chủ động gia cố nhà cửa, tự trang bị thêm những kiến thức về phòng, chống động đất. Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền về các cách phòng, tránh này; đồng thời thông tin rõ về cường độ, mức độ rủi ro của các trận động đất vừa qua cho người dân.

Động đất có thể gây ra biến dạng trên mặt đất, phá hủy nhà cửa, công trình, của cải và sinh mạng con người. Ảnh minh họa từ ITN

Động đất có thể gây ra biến dạng trên mặt đất, phá hủy nhà cửa, công trình, của cải và sinh mạng con người. Ảnh minh họa từ ITN

Động đất là gì?

Động đất là sự rung động mặt đất bởi sự giải phóng đột ngột năng lượng trong vỏ trái đất dưới dạng sóng địa chấn, có thể gây ra biến dạng trên mặt đất, phá hủy nhà cửa, công trình, của cải và sinh mạng con người.

Động đất xảy ra hằng ngày trên trái đất, nhưng hầu hết không đáng chú ý và không gây ra thiệt hại. Tuy nhiên, nếu động đất lớn, có thể gây thiệt hại trầm trọng và gây tử vong bằng nhiều cách.

Các nguyên nhân tạo ra động đất có nội sinh, ngoại sinh và nhân sinh.

Nguyên nhân nội sinh là do vận động của các mảng kiến tạo trong vỏ trái đất, dẫn đến các hoạt động đứt gãy hoặc phun trào núi lửa ở các đới hút chìm.

Nguyên nhân ngoại sinh là do thiên thạch va chạm vào trái đất, các vụ trượt lở đất đá với khối lượng lớn; do sụp lở các hang động ngầm dưới mặt đất và động đất do các vụ trượt lở đất đá tự nhiên với khối lượng lớn (loại động đất này thường chỉ làm rung chuyển một vùng hẹp và chiếm khoảng 3% tổng số trận động đất thế giới).

Nguyên nhân nhân sinh dẫn đến động đất là do hoạt động làm thay đổi ứng suất đá gần bề mặt, đặc biệt là các vụ thử hạt nhân, nổ nhân tạo dưới lòng đất hoặc tác động của áp suất cột nước của các hồ chứa nước, hồ thủy điện.

Tại Việt Nam, các tỉnh như Điện Biên, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Kon Tum hay Hà Nội… là những tỉnh thành đã từng đón nhận các trận động đất hay rung chấn nhỏ xảy ra trong thời gian qua.

Minh Châu

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/xay-ra-dong-dat-4-do-richter-o-ha-noi-179240325103830516.htm