Xây thêm cầu để sông Hồng thực sự là trục trung tâm

Quy hoạch Thủ đô xác định sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm sẽ là tiền đề quan trọng để Hà Nội khai thác tiềm năng và thế mạnh. Thành phố đang có kế hoạch xây dựng nhiều cây cầu kết nối hai bờ, mở ra những không gian phát triển mới.

Đầu tiên là cầu Thượng Cát vừa được UBND thành phố phê duyệt phương án tuyến, vị trí và đường hai đầu cầu, tỷ lệ 1/500. Công trình có vị trí điểm đầu tại nút giao với đường Kỳ Vũ thuộc phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm; điểm cuối tại nút giao với đường 23B thuộc xã Đại Mạch, huyện Đông Anh. Cầu Thượng Cát có tổng mức đầu tư 8.300 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Chiều dài tuyến khoảng 5,2km, với 6 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp song hành bảo đảm tính đồng bộ, thông suốt, nối thông toàn tuyến đường Vành đai 3,5 từ phía Nam lên phía Bắc sông Hồng.

Một dự án khác đang trong quá trình triển khai, dự kiến sẽ được trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư vào đầu năm 2025 là cầu Tứ Liên nằm gần ngã ba sông - nơi thượng nguồn của sông Cầu được tách ra từ một phần của sông Hồng chảy qua địa phận Hà Nội. Hiện nay, đường vòng cung chính kết nối cầu Nhật Tân, Long Biên và Chương Dương cùng với bờ phía Tây trên cầu Tứ Liên đang chịu áp lực khi có lưu lượng giao thông lớn. Do đó, cầu Tứ Liên được dự đoán là sẽ trở thành "át chủ bài" quan trọng để kết nối khu vực Đông Anh thẳng tới Tây Hồ.

Ông Nguyễn Quang, chuyên gia quy hoạch đô thị cho biết: "Theo lý thuyết phát triển, đây là một vị trí rất tốt. Trước đây đi từ Đông Anh về đến trung tâm Hà Nội, không có cầu thì mất 30 phút, nhưng nếu có cầu chỉ mất 15 phút thôi. Như vậy, cây cầu này có vai trò giảm mật độ giao thông của cầu Chương Dương, cầu Đông Trù, xa hơn nữa là cầu Nhật Tân. Vị trí đấy sẽ giúp kết nối hai khu vực trung tâm lớn về mặt tương lai của Thủ đô".

Xã Đông Hội, huyện Đông Anh, là điểm cuối của chân cầu Tứ Liên. Công trình cầu Tứ Liên hoàn thành sẽ kết nối trung tâm thành phố với huyện Đông Anh - địa phương đang được quy hoạch lên quận và các tỉnh phía Bắc, giảm tải áp lực giao thông cho các cây cầu còn lại, thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển bất động sản tại khu vực.

Hai bờ sông Hồng sẽ được kết nối với khoảng 10 cây cầu lần lượt được triển khai trong giai đoạn sắp tới. Đó là cầu Trần Hưng Đạo nối các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng với Long Biên. Cầu Ngọc Hồi nối Hà Nội với tỉnh Hưng Yên; cầu Hồng Hà, Mễ Sở, Thăng Long Mới, Phú Xuyên...

Có thêm nhiều nhịp cầu, sông Hồng trở thành trục xanh, trục cảnh quan trung tâm, cũng chính là không gian văn hóa di sản, du lịch và dịch vụ, kết nối vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng. Đô thị phát triển hai bên bờ sông sẽ đánh thức tiềm năng của thị trường bất động sản phía Đông và phía Bắc Thủ đô.

Bùi Trinh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/xay-them-cau-de-song-hong-thuc-su-la-truc-trung-tam-288351.htm