Xây trụ bê tông, dựng barie để ngăn ô tô lại chặn luôn đường xe cứu hỏa
Tại nhiều đường làng, ngõ xóm hay khu dân cư được người dân đặt trụ bê tông hoặc barie nhằm ngăn ô tô đi vào. Tuy nhiên, các chướng ngại vật này cũng chắn luôn xe cứu hỏa.
XEM CLIP:
Hơn 20h ngày 14/3, Trung tâm Chỉ huy Công an TP Hà Nội nhận được tin báo cháy tại biệt thự liền kề trong KĐT Đại Kim (Đại Kim, Hoàng Mai).
Căn nhà xảy ra vụ việc có 4 tầng, diện tích khoảng 80m2. Ngọn lửa xuất phát từ phòng chứa vải tầng 1 sau đó bùng lên nhanh khiến lượng lớn khói tỏa lên các khu vực tầng trên. Thời điểm xảy ra vụ việc có 5 người ở trong nhà. Các nạn nhân chạy lên ban công sân thượng chờ lực lượng chức năng giải cứu.
Nhận tin báo, 3 xe chữa cháy của Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hoàng Mai và Thanh Xuân đã đến hiện trường để triển khai dập lửa và cứu nạn cứu hộ.
Điều đáng nói, khi tiếp cận hiện trường, hai xe chữa cháy của Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Hoàng Mai đã bị “ngăn lại” bởi barie tại đầu đường Kim Giang.
Anh Mai Huy Mạnh (trú tại Hoàng Mai, Hà Nội), người ghi lại clip các chiến sĩ PCCC&CNCH phải vất vả phá khóa tại barie cho biết, anh đã rất sốt ruột khi thấy xe cứu hỏa bị chặn lại trong tình huống nguy cấp.
“Các chiến sĩ Cảnh sát PCCC phải xuống xe tìm mọi cách để phá bỏ khóa ở barie. Trong tình huống nguy cấp, đến hiện trường sớm một phút cũng có thể cứu được mạng sống nạn nhân”, anh Mai Huy Mạnh kể lại.
Sau hơn 1 phút phá khóa tại barie, hai xe chữa cháy đến tiếp cận hiện trường. Kết quả 5 người mắc kẹt trong đám cháy đã được hướng dẫn ra ngoài an toàn.
Thực tế, đã có những vụ việc xe cứu hỏa bị chặn bởi trụ bê tông, barie khiến nhiều tài sản bị thiêu rụi.
Tại Nghệ An, một đám cháy rừng trên địa bàn xã Diễn Lộc (huyện Diễn Châu) kéo dài từ trưa ngày 10/7/2020 đến 22h30 tối cùng ngày, mới cơ bản được khống chế. Vụ cháy được cho là một trong những vụ việc có thời gian cứu hỏa lâu nhất trên địa bàn, nguyên nhân do xe cứu hỏa bị chặn lại bởi các trụ bê tông ở đường.
Thời điểm đó, 5 xe cứu hỏa của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Nghệ An liên tục bị chặn lại bởi các trụ bê tông. Lực lượng Cảnh sát PCCC phải mất nhiều thời gian để phá trụ bê tông cản đường khiến thời gian chữa cháy bị kéo dài, đám cháy lan rộng.
Trước đó, vào sáng ngày 14/4/2020, tại nhà ông Trần Xuân Lý (thôn Mỹ Sơn, xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) đã xảy ra hỏa hoạn. Xe chữa cháy của Công an huyện Hương Sơn trong quá trình di chuyển đến hiện trường đã bị mắc kẹt bởi trụ bê tông chắn đường. Lực lượng cứu hỏa phải xuống xe phá bỏ khối trụ bê tông để tiếp cận vụ cháy dẫn đến công tác chữa cháy bị chậm trễ. Căn nhà gỗ 3 gian cùng nhiều đồ đạc trong nhà đã bị thiêu rụi.
Hay như vụ cháy xảy ra vào ngày 5/1/2019, tại thôn Minh Hiệp 1, xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Xe của lực lượng Cảnh sát PCCC đã bị chặn lại bởi 2 cọc bê tông ngăn ô tô trên đường vào thôn. Phải mất 10 phút, cán bộ chiến sĩ Cảnh sát PCCC mới đập tan chiếc cọc cản đường cho xe tiếp cận hiện trường, tổ chức chữa cháy.
Theo đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an), nếu đợi phá các vật cản cho xe chữa cháy vượt qua sẽ mất nhiều thời gian. Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH phải huy động tất cả bình chữa cháy mang theo, cùng người dân sử dụng xô, chậu… múc nước cứu chữa. Đối với những đám cháy lớn, việc xe chữa cháy tiếp cận điểm cháy chậm sẽ khiến cho việc cứu chữa giảm hiệu quả, ngọn lửa lan nhanh gây thiệt hại lớn.
Đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH khuyến cáo, đường giao thông chữa cháy tuyệt đối không được xây dựng trụ bê tông, barie... gây cản trở xe di chuyển. Theo tiêu chuẩn Việt Nam, đường giao thông chữa cháy phải đạt chiều rộng 3,5m và cao thông thủy 4,5m cho xe chữa cháy có thể đi qua.
Tại điểm a, khoản 4, Điều 11, Nghị định 171/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì người tự ý xây bệ, bục trái phép tạo chướng ngại vật sẽ bị xử phạt từ 2 đến 4 triệu đồng với cá nhân và từ 4 đến 8 triệu đồng với tổ chức.