Xây tường, rào kẽm gai chắn đường xuống biển tại bán đảo Sơn Trà!
Khu vực nhà hàng trước đó bị UBND quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) cưỡng chế vì xây dựng trái phép, nay bỗng dưng bị rào lại với biển báo Khu vực dự án không phận sự cấm vào khiến nhiều người bất ngờ.
Đầu tháng 8-2023, Báo Người Lao Động nhận phản ánh về việc một doanh nghiệp xây dựng tường gạch, dây kẽm gai kiên cố để ngăn lối xuống biển tại khu vực bãi Nam của bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng).
Tại hiện trường, phóng viên ghi nhận dãy tường gạch còn mới, cao gần 2m, kéo dài hơn 100m, bên trên lắp dây kẽm gai chằng chịt nhằm chống người lạ xâm nhập.
Tại đây, đơn vị thi công lắp đặt bảng cấm vào với nội dung "Khu vực dự án không phận sự cấm vào". Cách đó không xa, một bốt bảo vệ được dựng lên, thường xuyên có nhân viên túc trực canh giữ.
Người dân địa phương cho hay khu vực trên từng là dãy nhà hàng xây dựng trái phép. Gần 2 tháng trước, các cơ sở này bị UBND quận Sơn Trà cưỡng chế tháo dỡ theo kết luận thanh tra.
Tuy nhiên, ngay khi dãy hàng quán bị cưỡng chế để trả lại đất rừng thì doanh nghiệp đã xây nên bờ tường mới, khớp nối vào phần tường cũ nhằm chắn hoàn toàn lối xuống biển tại bãi Nam, Sơn Trà.
Khi được hỏi, một bảo vệ tại bốt gác khẳng định toàn bộ khu vực đã được rào chắn, muốn xuống biển phải đi vòng qua bãi Obama (cách đó hơn 500m – PV). "Khu này resort thuê đất rồi, xây thêm bờ tường. Vì chưa hoạt động nên chưa cho xuống" - người này cho biết.
Chứng kiến cảnh trên, chị Ngọc Trúc (người dân địa phương) cho rằng dãy tường gạch kẽm gai khá phản cảm. Bởi từ trước, nơi đây có con đường đi xuống biển để người dân và du khách đến tắm và ngắm cảnh. Đặc biệt, khách nước ngoài rất thích khi trải nghiệm cảm giác hoang sơ của biển bãi Nam.
"Ngoài ra, hàng rào thép gai tạo thành mối nguy hiểm cho động vật hoang dã khi leo qua đây, còn những loài không leo trèo được hoàn toàn bị tách biệt. Sơn Trà vốn là khu bảo tồn nhưng nay động vật hoang dã lại bị ngăn cách trong chính "ngôi nhà" của nó" - chị Trúc bức xúc.
Ngày 2-8, trao đổi với Phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hoàng Sơn Trà, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà đã tiếp nhận thông tin phản ánh và cho lực lượng chức năng đi kiểm tra, sau đó sẽ có thông tin cung cấp cho người dân được rõ.
Theo kết luận của Thanh tra TP Đà Nẵng ban hành từ năm 2016, có 68 công trình xây dựng trái phép ở bán đảo Sơn Trà (từ năm 1997 đến 2010) buộc phải tháo dỡ, hoàn trả hiện trạng ban đầu. Việc Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (cũ) giao khoán đất rừng đặc dụng có rừng tự nhiên cho các hộ gia đình để thực hiện trồng rừng và phát triển kinh tế vườn là trái quy định của Chính phủ.
Để thực hiện dứt điểm nhiệm vụ được giao, tháng 10-2022, UBND quận Sơn Trà đã lập tổ công tác xử lý các trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích, tự ý xây dựng công trình, kinh doanh trái phép trên bán đảo Sơn Trà, đề ra lộ trình đến năm 2025 sẽ xử lý dứt điểm toàn bộ các công trình trên.