Xe bus nhanh BRT Hà Nội: Nội tình vụ liên danh hưởng lợi 42,4 tỷ đồng
Hợp phần I - Xe bus nhanh BRT đã bị phát hiện nhiều sai phạm về tài chính ở các gói thầu, tổng số tiền khoảng 43,57 tỷ đồng.
Hợp phần I – Xe bus nhanh BRT thuộc dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội (sau đây gọi tắt là dự án), gói thầu BRT CP04a: Xây dựng đường trạm xe bus từ Bộ Y tế đến đường Khuất Duy Tiến; Gói thầu BRT CP4b: Xây dựng đường trạm xe bus từ Khuất Duy Tiến – bến xe Yên Nghĩa: Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn khi lập bước thiết kế đường đã thay thế mặt đường bê tông nhựa bằng mặt đường bê tông xi măng.
Trong khi đó, theo hồ sơ báo cáo khảo sát nền mặt đường dự án, Hợp phần xe bus nhanh BRT1 do Công ty CP Tư vấn Việt Delta lập, kết quả đo mặt đường tại các tuyến đường này đều có kết quả đo cường độ mặt đường tốt. Vấn đề này đã gây lãng phí ngân sách nhà nước khoảng 15 tỷ đồng.
Ở gói thầu 04/BRT-TB (BRT CP08) – Đoàn xe BRT (thuộc hợp phần I của dự án), chủ đầu tư thực hiện một số thủ tục chưa tuân thủ theo mẫu hồ sơ mời thầu và hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới (như không lập dự toán nhóm A và B theo nhóm xe sản xuất, lắp ráp trong nước, lấy báo giá xe nhập khẩu nguyên chiếc để làm căn cứ mời thầu cho cả 3 nhóm A,B và C (nhóm xe nhập khẩu)). Vì vậy không có căn cứ để so sánh giữa các nhóm với nhau trong lựa chọn nhà thầu.
Tuy nhiên, tại "Thư không phản đối" của Ngân hàng Thế giới chỉ cảnh báo về việc kiểm tra xe và bảo hành. Phần bổ sung các thiết bị vào gói thầu CP08 có tổng giá trị khoảng 17,68 tỷ đồng nhưng chủ đầu tư không tổ chức đấu thầu mà ký hợp đồng bổ sung với nhà thầu; việc này vi phạm Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng.
Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, việc đầu tư Hợp phần I – Xe bus nhanh BRT chưa đồng bộ, chưa tạo ra các lợi ích nhằm khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện vận tải công cộng.
Báo cáo của Sở Giao thông vận tải Hà Nôịvề kết quả vận tải hành khách đối với tuyến xe bus nhanh BRT 6 tháng đầu năm 2017 cho thấy, lượng khách bình quân đạt 39,9 người/lượt, mới chỉ đạt 44,3% so với công suất thiết kế, lượng khách bình quân giờ cao điểm cũng chỉ đạt 75,4% công suất.
Như vậy, dù được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng dự án chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, chưa đạt mục tiêu đề ra để hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và từng bước nâng cao chất lượng môi trường của TP. Hà Nội.
Bên cạnh đó, hợp phần I nêu trên còn gặp sai phạm về tài chính ở các gói thầu kiểm tra. Tổng số tiền sai phạm được phát hiện là khoảng 43,57 tỷ đồng.
Cụ thể, gói thầu 04/BRT-TB (BRT CP08) bao gồm số tiền khoảng 42,4 tỷ đồng do Công ty CP Thiên Thành An xuất bán cho chủ đầu tư đối với 35 xe bus BRT, giá trị chênh lệch tăng nhưng không chứng minh được khối lượng công việc thực hiện. Cùng với đó là khoản tiền 206,8 triệu đồng đối với đơn giá dịch vụ kiểm tra xe (mục chi phí tiền ăn, thuê xe…) do chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu vượt so với hợp đồng đã ký, không đúng quy định.
Gói thầu 01d/BRT-XL (BRT CP4d), số tiền khoảng 626 triệu đồng, bao gồm: Dự toán được duyệt tại Quyết định 2224/QĐ-SGTVT ngày 29/10/2015 áp đơn giá vật liệu sai thời điểm, làm tăng giá trị khoảng 80 triệu đồng; thiếu sót trong lập, thẩm tra, phê duyệt dự toán điều chỉnh trạm biến áp phê duyệt tại Quyết định 1368/QĐ-SGTVT ngày 20/10/2014 làm tăng chi phí phần vỏ máy và vận chuyển máy phát điện không đúng 26,5 triệu đồng; 102,5 triệu đồng tiền đắp cát K95; khoảng 417 triệu đồng tiền không thực hiện bu lông, kích dầu.
Ngoài ra còn có khoản tiền sai phạm khoảng 332 triệu đồng (đối với khoản mục thi chi phí huy động, giải thể công trường trong dự toán 7 gói thầu xây lắp) do lập không đúng quy định.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và đầu tư kiểm tra, rà soát đối với gói thầu 04/BRT-TB (BRT CP08) – Hợp phần I xe bus nhanh BRT, trong công tác tổ chức đấu thầu (một số thủ tục không tuân thủ theo hiệp định, hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới…).
Việc các bên liên danh nhà thầu thực hiện không đúng khối lượng được phân chia theo hợp đồng đã ký giữa chủ đầu tư và liên danh nhà thầu, dẫn đến Công ty CP Thiên Thành An hưởng lợi số tiền khoảng 42,4 tỷ đồng nhưng không chứng minh được khối lượng công việc thực hiện.
Sau khi nghiên cứu các quy định về việc vay, sử dụng vốn ODA của Ngân hàng Thế giới, Thanh tra Chính phủ kiến nghị giao UBND TP. Hà Nội xin ý kiến của Bộ Kế hoạch và đầu tư và thống nhất với nhà tài trợ để thu hồi số tiền trên.
Nếu liên danh Công ty CP Thiên Thành An và Công ty CP ô tô Trường Hải không thực hiện thì UBND TP. Hà Nội chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.