Xe buýt chèn ép, rượt đuổi nhau: Hơn, thua trên tính mạng hành khách

Các chuyên gia cho rằng, hành vi chèn ép, rượt đuổi nhau của tài xế xe buýt rất nghiêm trọng, đe dọa an toàn tính mạng của hàng chục hành khách trên xe và người đi đường.

Báo động vi phạm giao thông liên quan xe buýt

Sáng 8/7, trên quốc lộ 1, đoạn qua ngã tư An Lạc ở cửa ngõ phía Tây TP.HCM, người đi đường và hành khách hoảng hồn khi chứng kiến hai chiếc xe buýt màu xanh lưu thông cùng chiều, chèn ép, rượt đuổi nhau trên đường để tranh giành hành khách.

Hai xe buýt rượt đuổi, chèn ép nhau lao lên vỉa hè ở cửa ngõ phía Tây TP.HCM khiến nhiều hành khách và người đi đường hoảng loạn.

Hai xe buýt rượt đuổi, chèn ép nhau lao lên vỉa hè ở cửa ngõ phía Tây TP.HCM khiến nhiều hành khách và người đi đường hoảng loạn.

Đáng nói là, bất chấp nguy hiểm của hàng chục hành khách trên xe, tài xế xe buýt tuyến Chợ Lớn – Thanh Vĩnh Đông đã điều khiển xe va chạm vào hông xe buýt tuyến Long An - Chợ Lớn, ép xe này lao lên vỉa hè, vỡ kính ngay cạnh vị trí khách ngồi.

Trước đó, tại Nghệ An cũng xảy ra tình trạng hai tài xế của hãng xe Đông Bắc và Thạch Thành chèn ép xe nhau trên quốc lộ 1.

Theo ghi nhận của PV, không chỉ rượt đuổi nhau tranh giành hành khách, hình ảnh xe buýt chèn ép các phương tiện trên đường, đi ngược chiều cũng bị người dân phản ánh khá phổ biến thời gian qua.

Đơn cử như đầu tháng 6/2025, chiếc xe buýt số 10 (Đại học Quốc gia - Bến xe Miền Tây) khi đang chạy trên đại lộ Võ Nguyên Giáp, theo hướng từ trung tâm TP.HCM về TP Thủ Đức đã tạt đầu xe ô tô 9 chỗ đi cùng chiều. Tài xế xe buýt sau đó còn xuống đường la mắng, khiến nhiều hành khách lo lắng vì nguy hiểm.

Hay hồi tháng 3, tại Đồng Nai, tài xế Trần V.Q điều khiển xe buýt số 16 đi ngược chiều trên quốc lộ 1, đoạn trước Khu công nghiệp Bàu Xéo (tỉnh Đồng Nai) cũng khiến nhiều người bức xúc.

Hành vi nghiêm trọng, cần xử lý nghiêm

Các chuyên gia cho rằng, những sự việc trên không chỉ là hồi chuông cảnh báo về tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các xe buýt tuyến cố định, mà còn là sự cảnh tỉnh cho công tác quản lý vận tải hành khách công cộng.

Theo chuyên gia giao thông TS Phan Lê Bình, Trưởng đại diện văn phòng tư vấn OCG Nhật Bản, hành vi chèn ép, rượt đuổi nhau, đi ngược chiều của các tài xế xe buýt cực kỳ nghiêm trọng, đe dọa tính mạng và an toàn của hàng chục hành khách trên xe buýt cũng như người đi đường khác.

"Đây là hành vi đáng lên án và cần được xử lý nghiêm để tăng tính răn đe và để xây dựng hình ảnh dịch vụ vận tải hành khách công cộng thân thiện, văn minh, an toàn", TS Bình nói.

Theo ông, hai tài xế xe buýt chèn ép nhau ở TP.HCM đã bị tạm đình chỉ công việc 30 ngày, tuy nhiên cần xem xét xử lý nghiêm khắc hơn, thậm chí buộc thôi việc để cảnh tỉnh những lái xe khác.

Tài xế xe buýt ở Đồng Nai điều khiển xe đi ngược chiều trên quốc lộ 1 hồi tháng 3 khiến nhiều người bức xúc.

Tài xế xe buýt ở Đồng Nai điều khiển xe đi ngược chiều trên quốc lộ 1 hồi tháng 3 khiến nhiều người bức xúc.

Ông Nguyễn Công Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, tài xế xe vận tải khi tham gia giao thông trên đường chịu nhiều áp lực, có thể dẫn đến những hành động bộc phát. Tuy nhiên, không thể lấy lý do này để biện minh cho hành vi vi phạm tiềm ẩn rủi ro nguy hiểm cho tính mạng hành khách.

Hiện nay, Nghị định 100/2019 và Nghị định 168/2024 đã quy định rõ chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi này, thậm chí theo hướng tăng nặng. Do đó, cần xử lý nghiêm, kết hợp tuyên truyền để tạo tính răn đe, nâng cao ý thức trách nhiệm của người lái xe.

Siết trách nhiệm doanh nghiệp, ngăn rủi ro tai nạn

Theo ông Hùng, bên cạnh hành vi vi phạm trực tiếp của tài xế xe buýt, trách nhiệm còn thuộc về các đơn vị vận tải. Hiện nay, theo quy định, doanh nghiệp và các đơn vị kinh doanh vận tải phải có trách nhiệm quản lý, giám sát tài xế và phương tiện thông qua thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát người lái xe.

Ngoài ra, các đơn vị này bắt buộc phải thành lập bộ phận an toàn giao thông để thực hiện nhiệm vụ giám sát, kiểm tra nội bộ. Do đó, việc xử lý chỉ dừng lại ở tài xế là chưa đủ; cơ quan quản lý cần xem xét và xử lý cả trách nhiệm của doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả giám sát, siết chặt kỷ luật trong quản lý vận tải.

Ông Hùng cũng bày tỏ lo ngại khi hiện nay, cả hộ kinh doanh cá thể cũng được phép tham gia kinh doanh vận tải hành khách như các hợp tác xã và doanh nghiệp. Tuy nhiên, với quy mô nhỏ, hoạt động manh mún, nhiều hộ kinh doanh chưa thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về bộ phận an toàn giao thông, giám sát hành trình, cũng như công tác tập huấn, cấp chứng chỉ cho lái xe. Việc này tiềm ẩn nguy cơ vi phạm cao, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và an toàn giao thông.

Từ thực trạng trên, ông đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, siết chặt điều kiện kinh doanh đối với mọi tổ chức, cá nhân tham gia vận tải hành khách, bảo đảm sự công bằng trong môi trường cạnh tranh, đồng thời nâng cao an toàn cho hành khách.

Đồng quan điểm, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhận định: Khác với xe buýt đô thị được trợ giá và hoạt động ổn định theo tuyến cố định, các tuyến buýt kế cận, buýt đường dài hiện nay vận hành tương tự xe khách liên tỉnh, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong việc đón trả khách.

Ông đề xuất cần xây dựng hệ thống điểm đón/trả khách cố định dọc các tuyến buýt kế cận, tương tự các trạm xe buýt đô thị, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin để hành khách dễ dàng theo dõi lộ trình, đặt chỗ và chủ động sắp xếp thời gian ra điểm đón. Việc này sẽ hạn chế tình trạng xe dừng đón khách tùy tiện, gây mất trật tự và nguy cơ tai nạn.

Ở góc độ đơn vị vận tải, TS Phan Lê Bình cho rằng cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn pháp luật giao thông cho lái xe, đồng thời áp dụng các quy chế thưởng - phạt rõ ràng nhằm hình thành ý thức tuân thủ pháp luật, nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp.

Để bảo đảm việc triển khai thực chất, ông đề nghị bổ sung quy định bắt buộc các doanh nghiệp vận tải phải tổ chức các lớp tập huấn định kỳ theo quý hoặc năm, có ghi nhận bằng biên bản, hình ảnh, video và báo cáo gửi cơ quan quản lý. Đây sẽ là cơ sở để giám sát trách nhiệm của doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả phổ biến pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Yến Chi

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/xe-buyt-chen-ep-ruot-duoi-nhau-hon-thua-tren-tinh-mang-hanh-khach-192250716143407871.htm