Xe buýt điện là giải pháp tối ưu cho các đô thị ở Việt Nam?
Tại Việt Nam, xe buýt điện dần trở thành phương tiện giao thông thân thiện môi trường, là giải pháp hữu ích giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia.
TP.HCM thí điểm 5 tuyến buýt điện nội đô vào đầu năm 2022
Từ đầu năm 2022, TP.HCM sẽ thí điểm chạy 5 tuyến buýt điện nội đô, khởi đi từ khu đô thị Vinhome Grand Park đến nhiều địa điểm trong thành phố. Thời gian thí điểm dự kiến trong khoảng 2 năm.
Đây là lần thứ hai việc mở các tuyến xe điện này được đề xuất, nhằm đa dạng loại hình vận tải hành khách công cộng, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và giảm ô nhiễm môi trường, phù hợp với mục tiêu phát triển vận tải công cộng, giảm ô nhiễm...
Theo đó, 5 tuyến buýt được đề xuất thí điểm gồm: VB01 (Vinhome Grand Park - Trung tâm thuơng mại Emart); VB02 (Vinhome Grand Park - sân bay Tân Sơn Nhất); VB03 (Vinhome Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn); VB04 (Vinhome Grand Park - Bến xe Miền Đông mới); VB05 (Vinhome Grand Park - Bến xe miền Đông mới - Khu đô thị Đại học Quốc gia).
Từ đầu năm 2022, TP.HCM sẽ thí điểm chạy 5 tuyến buýt điện nội đô. (Ảnh minh họa)
Khoảng 77 xe điện được đầu tư trong 5 tuyến xe buýt nói trên, mỗi xe 65 - 70 chỗ gồm cả đứng và ngồi, chạy bằng điện, hoạt động từ 5 h đến 21 giờ hàng ngày. Giá vé được đề xuất: 5.000 - 7.000/lượt, tùy tuyến. Đối với học sinh sinh viên, giá vé là 3.000 đồng/lượt.
Được biết, đề xuất của Sở Giao thông vận tải TP.HCM dựa trên kết quả nghiên cứu của Tập đoàn Vingroup. Lộ trình năm tuyến dừng đón khách tại các trạm dừng, nhà chờ hiện hữu. Chủ đầu tư sẽ bổ sung thêm chín điểm đón mới, xây dựng bến bãi có diện tích hơn 12.200 m2 tại khu dân cư Vinhome Grand Park và hệ thống trạm sạc tại các điểm đầu và cuối bến.
Sở Giao thông vận tải đề xuất hình thức đặt hàng đối với đơn vị cung cấp dịch vụ và áp dụng tạm thời đơn giá dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt dùng nhiên liệu sạch (CNG) ở thành phố để áp dụng cho loại hình xe buýt điện.
Cụ thể, chủ đầu tư đề xuất được trợ giá tương đương mức trợ giá cho dòng xe sử dụng khí thiên nhiên CNG. Đơn giá áp dụng cho xe buýt CNG tại TP.HCM từ 19.000 - 24.000 đồng/km, tùy khu vực. Sau thời gian thí điểm, việc này sẽ được đánh giá lại.
Dự kiến chủ đầu tư sẽ sử dụng vé điện tử và đầu tư trung tâm điều khiển, phần mềm quản lý trực tuyến, giám sát tài xế trên các tuyến.
Trước đó, TP.HCM đã thí điểm ba tuyến buýt điện loại 12 chỗ do doanh nghiệp là Công ty Cổ phần tập đoàn Mai Linh và Công ty TNHH quản lý và kinh doanh bất động sản Phố Cảnh khai thác, giá 12.000 đồng mỗi lượt, phục vụ khách tham quan, dân cư ở quận 1 và khu Phú Mỹ Hưng, quận 7.
Hiện nay, TP.HCM có 126 tuyến xe buýt, gồm 90 tuyến có trợ giá và 36 tuyến không trợ giá. Trong những năm qua, Thành phố đã trợ giá trung bình 1.000 tỉ đồng/năm cho xe buýt.
Giải pháp hữu hiệu cho giao thông và môi trường
Hiện nay tại các thành phố, thị trấn của nhiều quốc gia trên thế giới có khoảng 315 hệ thống xe buýt điện đang hoạt động. Dòng xe này được nhiều quốc gia coi là hệ thống ban đầu thích hợp, thậm chí khi nhu cầu đi lại tăng cao, xe buýt điện có thể nâng cấp thành đường sắt đô thị. Đây là một giải pháp hiệu quả, có chi phí phải chăng và thân thiện với môi trường.
Theo các chuyên gia, giao thông xanh là các phương tiện giao thông hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Giao thông xanh sử dụng sức người, năng lượng tái tạo, điện, khí thiên nhiên nén... Việc sử dụng xe đạp, xe máy, ô tô điện, xe chạy bằng khí nén CNG; xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió… chính là tham gia giao thông xanh.
Xe buýt điện là giải pháp hữu ích giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia.
Tại Việt Nam, xe buýt điện dần trở thành phương tiện giao thông tối ưu, là giải pháp hữu ích giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia.
Thứ nhất, xe buýt điện giúp tiết kiệm chi phí hiệu quả. Tỉ lệ công suất/trọng lượng của chiếc xe buýt điện gấp 2 lần so với xe buýt chạy dầu Diesel tương ứng. Bên cạnh đó, loại xe buýt này còn dùng công nghệ động cơ AC (tức là động cơ điện được điều khiển bằng dòng điện xoay chiều). Vì vậy, nó có độ tin cậy lớn cùng với tuổi thọ cao và ít phải bảo trì hơn so với động cơ cùng bộ truyền động Diesel.
PGS.TS Nguyễn Xuân Mai tại Đại học Bách khoa HCM cho rằng: “Nếu như so sánh với xe buýt nhanh BRT hay tàu điện ngầm thì chi phí đầu tư cho xe buýt chạy điện sẽ rẻ hơn rất nhiều. Cụ thể, chi phí đầu tư/km của xe buýt chạy điện chỉ khoảng từ 2,346 triệu USD/km. Mức phí này bằng 1/4 so với xe buýt nhanh BRT và nó bằng 2,93 – 4,26% mức đầu tư cho hệ thống tàu điện ngầm (khoảng 150 triệu USD/km).
Hơn nữa, cách thức để phát triển một hệ thống giao thông công cộng là đi từ xe buýt, xe buýt chạy điện, tàu điện rồi mới đến tàu điện ngầm. Vì thế thành phố nên ưu tiên phát triển những loại hình xanh và sạch, chẳng hạn đối với xe buýt thì nên ưu tiên xe chạy điện, chạy khí CNG.... Trong đó, khả năng ứng dụng xe buýt chạy điện là rất khả thi, nhất là cho hệ thống xe buýt nhanh”.
Thứ hai, xe buýt chạy điện giúp làm giảm ô nhiễm tiếng ồn, môi trường. Vận tốc và thời gian hành trình của xe buýt điện tốt hơn so với xe buýt Diesel. Cho nên thời gian chiếm chỗ trên đường của xe buýt điện cũng giảm xuống, điều này đã giúp làm giảm bớt được tình trạng ùn tắc giao thông. Không những vậy, do sử dụng năng lượng điện, vì thế tiếng ồn phát ra từ động cơ của xe buýt chạy điện gần như không có. Tức là xe buýt điện còn góp phần làm giảm được tình trạng ô nhiễm tiếng ồn.
Tiêu biểu như ở thành phố Thâm Quyến – Quảng Đông, Trung Quốc đã thành công điện hóa toàn bộ 1.359 chiếc xe buýt công cộng. Đây là một nỗ lực hạn chế ô nhiễm môi trường của Thâm Quyến. 510 trạm sạc điện cùng với 8.000 cột sạc đã được xây dựng trên toàn thành phố. Theo đó, những cột này có thể sạc đầy cho xe buýt điện chỉ sau 2 giờ và mỗi ngày chúng phục vụ khoảng 300 xe.
Với những ưu điểm trên, có thể thấy được nếu áp dụng trực tiếp và hệ thống giao thông công cộng, xe buýt điện sẽ thu hút được rất nhiều hành khách di chuyển. Đồng thời phù hợp với chính sách năng lượng của quốc gia cũng như khả năng chống gây ùn tắc trong giờ cao điểm.
Tuy nhiên, tình trạng ngập nước tại một số thành phố ở Việt Nam (như TP.HCM) sẽ gây khó khăn cho những hoạt động của xe buýt điện. Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng đang tiếp tục nghiên cứu thêm về hạ tầng giao thông, những loại hình xe buýt để chọn phương án phát triển phù hợp nhất. Trong thời gian tới, ngoài việc xây dựng những tuyến xe buýt nhanh BRT, thành phố còn gấp rút triển khai mạng lưới xe buýt thông minh làm cơ sở để phát triển giao thông công cộng, đảm bảo giảm tình trạng ùn tắc và ô nhiễm môi trường.