Xe buýt 'ế' khách
Lượng khách sử dụng xe buýt trên địa bàn Hà Nội đang có xu hướng sụt giảm theo thời gian. Giới chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần đánh giá tổng thể toàn mạng lưới để đưa ra định hướng phát triển mới cho loại hình vận tải hành khách công cộng chủ lực này.
Mất dần khách hàng
Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết, năm 2022, hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Hà Nội phải đối mặt với nhiều khó khăn. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vào đầu năm 2022, nhu cầu đi lại của người dân giảm nhiều. Dịch bệnh cũng làm cho hệ thống xe buýt chỉ được phép hoạt động 50% công suất từ ngày 1/1 đến 12/2/2022 và điều chỉnh giảm 15% công suất từ ngày 16/3/2022 đến nay.
Thống kê cho thấy, sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2022 đạt 340 triệu lượt hành khách (tăng 67,7% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó buýt trợ giá đạt 334 triệu lượt hành khách (tăng 72% so với cùng kỳ năm 2021). “Sản lượng đã có dấu hiệu phục hồi song còn chậm và chưa đạt được như kỳ vọng, dẫn đến chỉ tiêu tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng của năm 2022 chỉ đạt 18,5%, không đạt được so với kế hoạch đề ra là từ 21,5 đến 23%” - ông Phương nói.
Đáng chú ý trong năm 2022, đã có 393 cuộc gọi (9,7%) tới đường dây nóng của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố phản ánh về thái độ phục vụ của lái xe và nhân viên phục vụ.
Chị Nguyễn Thùy Linh (chung cư MHDI 60 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, chị đi làm ở phố Bà Triệu, ngay dưới tòa nhà có tuyến xe buýt số 38 lộ trình đi qua công ty. Vậy nhưng, năm thì mười họa chị mới lựa chọn xe buýt là phương tiện di chuyển. “Lý do là bởi: đi xe buýt mất hơn 35 phút, trong khi đi xe máy chỉ khoảng 20 phút. Đi xe buýt phải thật rảnh, có nhiều thời gian mới nên đi” – chị Linh nói.
Ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng thừa nhận, đại dịch Covid-19, một lượng lớn hành khách của xe buýt có xu hướng chuyển sang phương tiện cá nhân. Chất lượng dịch vụ xe buýt chưa được đảm bảo, chưa đủ hấp hẫn với số đông hành khách. Hoạt động của xe buýt vẫn thường xuyên chịu ảnh hưởng do tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt trong khung giờ cao điểm. Đáng chú ý, thái độ ứng xử của một bộ phận lái xe, nhân viên phục vụ còn chưa đúng mực gây phản cảm với hành khách, nhân dân.
Chất lượng là yếu tố quyết định
Chưa hết, vẫn còn những bất cập trong quản lý, điều hành ở nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ xe buýt... khiến người dân không còn muốn lựa chọn xe buýt. Mặt khác, Hà Nội hiện chưa có công cụ nào để đánh giá chất lượng của xe buýt, tất cả DN đều bị cào bằng, làm tốt cũng như không tốt, khiến DN chưa thực sự chú tâm vào hình ảnh và chất lượng dịch vụ.
Theo ông Nguyễn Thủy - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), hạ tầng xe buýt hiện không đáp ứng được nhu cầu, như các điểm dừng đỗ, nhà chờ bị lấn chiếm hoặc bố trí bất hợp lý.
Còn ông Lê Bảo Khánh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Xây dựng Bảo Yến nêu quan điểm, xe buýt đang “mất điểm”, kém hấp dẫn trong mắt hành khách là bởi thời gian và vận tốc di chuyển chậm. Theo đơn vị khảo sát, đối với các tuyến buýt từ ngoại thành như Sóc Sơn, Đông Anh, thời gian di chuyển của xe buýt chỉ tương đương với phương tiện cá nhân. Riêng với nội đô, do tắc đường nên thời gian di chuyển và luồng tuyến của xe buýt cũng chịu nhiều ảnh hưởng.
Giới chuyên gia cho rằng, hiện nay phương tiện xe buýt vẫn chưa kết nối liên tục giữa 2 điểm đầu chuyến đi. Chưa kể nhiều người dân ở trong ngõ ngách, phải đi bộ khá xa mới có điểm bắt xe. Do vậy, chỉ khi nào xe buýt kết nối được lộ trình đi và đến, đảm bảo thời gian di chuyển thì người dân mới sẵn sàng đi xe buýt.
Đã có trải nghiệm đối với xe buýt thường và xe buýt điện, anh Trần Hưng ( Khu Ngoại giao đoàn - Hà Nội) thẳng thắn nói: xe buýt điện đi rất êm, người dân đi xe buýt điện có cảm giác thoải mái vui vẻ và được coi trọng. Trong khi đi xe buýt thường mỗi lần bước lên xe khách hàng luôn cảm thấy căng thẳng. Nếu như hệ thống xe buýt thường (chạy bằng xăng, dầu – PV) cũng nâng cấp xe và thái độ phục vụ, người dân sẽ quay lại với phương tiện công cộng này.
Còn ông Phan Hoàng Phương - Trưởng phòng Giao thông đô thị và nông thôn (Viện Chiến lược giao thông vận tải) nói rằng, việc di chuyển, điều khiển phương tiện cá nhân trên đường vào giờ cao điểm rất căng thẳng nên chỉ cần thời gian di chuyển ngang nhau, thì dù có phải nối tuyến, người dân vẫn sẵn sàng sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng.
Tình hình ùn tắc giao thông phức tạp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác vận hành và chất lượng dịch vụ. Trong năm 2022 có tới 5.046 lượt xe phải bỏ bến do tắc đường (chiếm 0,08%); thời gian chuyến đi của hành khách chưa được bảo đảm do xe buýt không có làn đường riêng, phải vận hành trong dòng giao thông hỗn hợp.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xe-buyt-e-khach-5711467.html