Xe buýt Thủ đô tìm giải pháp phát triển
Với vai trò chủ lực trong dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thủ đô, xe buýt hướng tới mục tiêu đảm nhận vận chuyển hành khách đạt 16 - 18% vào năm 2025.
Để đạt được mục tiêu trên, phát triển xe buýt là một yêu cầu tất yếu, đòi hỏi các doanh nghiệp hoạt động xe buýt phải nỗ lực tìm giải pháp, chấp nhận “rời cuộc chơi” hay “bơi ngược dòng” để bứt phá.
Vừa qua, Công ty TNHH Bắc Hà – doanh nghiệp tư nhân đầu tiên thực hiện xã hội hóa dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo chủ trương của Hội đồng nhân dân và UBND thành phố Hà Nội đã xin dừng hoạt động 5 tuyến buýt do không có khả năng trả nợ.
Việc Công ty TNHH Bắc Hà dừng hoạt động kinh doanh vận tải ở tỉnh Bắc Giang và 5 tuyến buýt ở Hà Nội đã khiến 200 nhân viên rơi vào cảnh thất nghiệp, việc đi lại của người dân trên các tuyến buýt này cũng bỗng nhiên bị gián đoạn.
Theo ông Nguyễn Kim Cương, Giám đốc Công ty TNHH Bắc Hà thì công ty buộc phải dừng hoạt động 5 tuyến buýt do hoạt động kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến doanh thu bị sụt giảm bất chấp những nỗ lực trong quản lý, điều hành. Dịch COVID – 19 kéo dài khiến hầu hết các lĩnh vực kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là lĩnh vực vận tải.
Mặc dù không có doanh thu nhưng công ty vẫn phải duy trì hoạt động làm cạn kiệt vốn lưu động, hạn mức vay sử dụng hết dẫn đến việc mất khả năng thanh toán các chi phí thiết yếu như lương, nhiên liệu, sửa chữa, bến bãi cũng như các khoản nợ đến hạn của ngân hàng.
Trong số gần 150 tuyến buýt đang vận hành trên địa bàn Hà Nội hiện nay có 126 tuyến buýt được trợ giá, chỉ có hơn 20 tuyến không được trợ giá.
Tuy nhiên, thời gian qua, do dịch bệnh kéo dài đã làm ảnh hưởng trầm trọng đến hoạt động vận tải nói chung và dịch vụ xe buýt nói riêng. Mặc dù là 5 tuyến buýt có trợ giá nhưng Công ty TNHH Bắc Hà vẫn phải dừng hoạt động, nguyên nhân không xuất phát từ nội tại 5 tuyến buýt mà là do hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không hiệu quả.
Tổng công ty Vận tải Hà Nội, đơn vị chiếm đến 80% thị phần hoạt động trong lĩnh vực hoạt động buýt cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.
Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Nam, môi trường hoạt động xe buýt có nhiều thay đổi so với trước khi đấu thầu như san sẻ hành khách với tuyến mới mở, xe buýt tiếp tục cắt giảm chuyến lượt so với hợp đồng đấu thầu; ùn tắc giao thông giờ cao điểm diễn biến phức tạp làm xe buýt bị chậm giờ, dịch bệnh khiến thói quen, nhu cầu đi lại của người dân thay đổi… dẫn đến sản lượng, doanh thu bán vé sụt giảm trên 40%.
Hiện nay, thành phố Hà Nội đã cho hoạt động trở lại 100% công suất của xe buýt, đặc biệt Vinbus vừa đưa vào hoạt động 9 tuyến buýt được dự luận người dân đồng tình. Khi người dân đã cơ bản thích ứng được với dịch bệnh COVID -19, mọi hoạt động đã trở lại trạng thái bình thường, vậy làm thế nào để xe buýt ngày càng thu hút hành khách.
“Chất lượng xe buýt không tốt xuất phát từ hai lý do chính, trước tiên từ bản thân doanh nghiệp vận tải thiếu sự đầu tư, đổi mới, thiếu chuyên nghiệp khiến xe buýt càng ngày càng đi xuống. Bên cạnh đó, ở một số tỉnh thành phố, các giải pháp nâng cao chất lượng xe buýt chưa được đồng bộ, chưa đi vào thực tiễn đời sống”, ông Đào Viết Ánh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần xe khách Phương Trang nhìn nhận.
Theo ông Đào Viết Ánh, các địa phương cần nghiên cứu đề án xe buýt của riêng mình và tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp đầu tư. Phải nghiên cứu nhu cầu đi lại của người dân để tổ chức đấu thầu nhằm kêu gọi các doanh nghiệp vận tải tham gia. Những tuyến kém phải yêu cầu doanh nghiệp đổi mới và cải thiện dịch vụ, nếu hết thời hạn không thực hiện thì thu hồi để các doanh nghiệp uy tín tham gia.
“Cần áp dụng cơ chế thị trường để chọn được những doanh nghiệp có năng lực nhất cung cấp dịch vụ này. Đây là một dịch vụ công, nói về thuận lợi anh có thương quyền rất lớn. Những doanh nghiệp xứng đáng cả về văn hóa phục vụ cả về chất lượng phục vụ thì phải được lựa chọn”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bày tỏ quan điểm.
Bên cạnh những doanh nghiệp buýt hoạt động khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp phải dừng hoạt động buýt như Công ty TNHH Bắc Hà thì lĩnh vực hoạt động này vẫn có những doanh nghiệp có được kết quả tích cực, thậm chí hoạt động không cần trợ giá. Đặc biệt, 9 tuyến xe buýt điện của Vinbus mới đi vào hoạt động đã thu hút khá đông hành khách nhờ sự đổi mới phương tiện thân thiện với môi trường, không có khí thải, tiếng ồn, thái độ phục vụ văn minh, lịch sự…
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Hoàng Trung cho biết, từ nay đến cuối năm, Tổng công ty triển khai công tác chuẩn bị để sẵn sàng phát triển xe buýt khi được thành phố giao, nhất là có giải pháp hiệu quả về tuyển dụng, đào tạo để đảm bảo nguồn lao động đáp ứng kế hoạch sản xuất kinh doanh và phát triển các tuyến buýt mới.
Đi đôi với phát triển xe buýt là các giải pháp hiệu quả nâng cao hơn nữa về chất lượng dịch vụ và bảo đảm chất lượng phương tiện; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm chất lượng phục vụ kết hợp với đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng về ý thức trách nhiệm, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, chăm sóc khách hàng cho đội ngũ lao động, trực tiếp là lái xe, nhân viên phục vụ và nhân viên nghiệp vụ trên tuyến.
Mới đây, nhằm phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về "0" vào năm 2050, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành giao thông vận tải; trong đó, đối với giao thông đô thị, từ năm 2025, 100% xe buýt được thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đạt 45%-50%.
Tuy nhiên, cùng với các giải pháp vĩ mô tạo thuận lợi để xe buýt phát triển rất cần những thay đổi từ nội tại từ bản thân các doanh nghiệp hoạt động buýt.
Bên cạnh đó, cũng cần áp dụng cơ chế thị trường để thay thế doanh nghiệp yếu kém, lựa chọn doanh nghiệp thực sự có uy tín, tạo hình ảnh mới cho xe buýt Thủ đô bởi văn hóa và chất lượng phục vụ để thay đổi thói quen đi lại của người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng, góp phần giảm ùn tắc giao thông./..
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xe-buyt-thu-do-tim-giai-phap-phat-trien/252750.html