Xe buýt trong chiến lược phát triển giao thông công cộng

Ùn tắc và tai nạn giao thông đang là vấn đề 'nóng' của các đô thị lớn. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế, xã hội ở mỗi địa phương...

Từ năm 2005, Đồng Nai bắt đầu triển khai vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong tỉnh. Trong ảnh: Xe buýt tuyến số 10 (từ TP.Biên Hòa đi huyện Xuân Lộc) lưu thông trên quốc lộ 1. Ảnh: T. Hải

Từ năm 2005, Đồng Nai bắt đầu triển khai vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong tỉnh. Trong ảnh: Xe buýt tuyến số 10 (từ TP.Biên Hòa đi huyện Xuân Lộc) lưu thông trên quốc lộ 1. Ảnh: T. Hải

Trong chiến lược phát triển ngành giao thông của Đồng Nai, việc khuyến khích người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được ưu tiên đặt lên hàng đầu.

Bài 1: Sớm phủ kín mạng lưới xe buýt

Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành sớm triển khai hoạt động xe buýt từ năm 2005. Gần 15 năm qua, số tuyến và lượng xe buýt phục vụ người dân không ngừng tăng lên. Loại hình phương tiện giao thông công cộng này không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân mà còn là chủ trương mà Nhà nước đang hướng tới.

Dịch vụ vận tải bằng xe buýt được khuyến khích phát triển nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân với giá thành rẻ, góp phần giảm ùn tắc giao thông trong đô thị.

* Sớm “phủ sóng” xe buýt

Với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ kéo theo sự gia tăng dân số, phương tiện cá nhân, nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề thì xu hướng phát triển vận tải hành khách công cộng, trong đó chú trọng loại hình xe buýt là điều tất yếu. Từ năm 2005, Đồng Nai là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về phục vụ vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt.

Tại các con đường ở nội ô TP.Biên Hòa và khu vực lân cận, hiện có nhiều tuyến xe buýt đi qua. Tuyến số 2 xuất phát từ Bến xe Biên Hòa đi huyện Nhơn Trạch, tuyến số 3 từ Bến xe Hố Nai đi Trạm xe Hóa An, tuyến số 6 từ Bến xe Biên Hòa đi BigC (ngã tư Vũng Tàu)… đây đều là những tuyến chính và người dân được hỗ trợ giá.

Đi xe buýt giá rẻ

Theo Trung tâm quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng Đồng Nai, các tuyến xe buýt không trợ giá, mức giá tiền người dân bỏ ra sẽ thấp hơn nhiều so với việc đi lại bằng những phương tiện khác. Từ đó, thúc đẩy mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt phát triển cả về mặt chất và lượng.

Ở góc độ khách hàng khi lựa chọn xe buýt làm phương tiện chính để đi lại, nhiều người đều đánh giá sự tiện ích của loại hình này như: giá rẻ, lưu thông qua nhiều cung đường, các tuyến có sự giao thoa tạo điều kiện cho người dân di chuyển dễ dàng, có chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng (học sinh, sinh viên, công nhân, người cao tuổi, người khuyết tật…).

Hằng ngày, đi 2 lượt từ nhà đến nơi làm việc ở TP.Biên Hòa (và ngược lại) bằng xe buýt trên tuyến số 2, bà Dương Thị Ngọc Nhi (ngụ phường Phước Tân, TP.Biên Hòa) cho biết, thời gian di chuyển trên xe buýt cũng gần bằng với đi xe máy (20-25 phút) nhưng đi xe buýt vừa rẻ vừa an toàn.

“Các tuyến đường như: quốc lộ 51, đường Bùi Văn Hòa có nhiều xe container, xe tải nặng lại hay ngập nước nên chạy xe máy rất nguy hiểm. Buổi sáng tầm 7 giờ tôi lên xe buýt mà không lo mưa nắng, khói bụi dọc đường, khoảng 7 rưỡi là đến nơi làm. Đi xe buýt vừa an toàn vừa tiết kiệm được hơn 300 ngàn đồng/tháng” - bà Nhi cho biết.

Không chỉ khu vực nội ô TP.Biên Hòa mà đến nay, hệ thống xe buýt ở Đồng Nai còn “phủ sóng” rộng khắp các huyện, thành. Chưa kể, với 12 tuyến xe buýt liên tỉnh từ Đồng Nai đi TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương (và ngược lại) đã tạo điều kiện rất lớn cho người dân tiếp cận loại hình vận tải hành khách công cộng giá rẻ này.

Cụ thể, muốn đi TP.Biên Hòa, người dân các huyện Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất có thể đi các tuyến xe buýt số 16, 602; người dân ở huyện Long Thành, Nhơn Trạch có thể sử dụng tuyến xe buýt số 603 đi Bến xe miền Đông (TP.Hồ Chí Minh) hay hành khách ở TP.Biên Hòa có thể đi Vũng Tàu bằng xe buýt số 611… rất thuận lợi và dễ dàng.

Ông Lê Văn Quang (ngụ thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú) bộc bạch, gia đình ông thường chọn xe buýt để đi TP.Biên Hòa khám, chữa bệnh hoặc thăm bà con. Với quãng đường gần 100km, ông chỉ tốn 30 ngàn đồng, rẻ hơn rất nhiều so với đặt xe dịch vụ. Hơn nữa thời gian hoạt động của xe buýt dày chuyến nên không phải chờ đợi quá lâu.

* Huy động doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia

Theo Sở Giao thông - vận tải, Đồng Nai hiện có 6 tuyến xe buýt trợ giá từ ngân sách nhà nước góp phần trực tiếp vào việc giảm ùn tắc giao thông trong khu vực nội ô TP.Biên Hòa. Ngoài ra, hoạt động của các tuyến xe buýt có trợ giá đã góp phần khuyến khích người dân lựa chọn phương tiện này để đi lại, qua đó thúc đẩy các tuyến xe buýt phát triển.

Khi nhu cầu đi xe buýt tăng nhanh kéo theo đó là sự gia tăng cả về số lượng xe lẫn số tuyến xe buýt mới trong tỉnh. Nếu năm 2005, lúc mới bắt đầu triển khai UBND tỉnh mở 7 tuyến xe buýt thì 1 năm sau đã tăng lên 14 tuyến với 198 xe. Đến năm 2009, Đồng Nai tăng lên 23 tuyến với 365 xe hoạt động và hiện tại đạt 24 tuyến với 442 xe.

Phó giám đốc Trung tâm quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng Đồng Nai (thuộc Sở Giao thông - vận tải) Đỗ Thị Hải Phương cho biết, ở TP.Hồ Chí Minh, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có sự đầu tư lớn và được Nhà nước “bao cấp” hoàn toàn. Riêng Đồng Nai, ngân sách tỉnh chỉ trợ giá cho xe buýt. Mỗi năm ngân sách tỉnh chi trên 30 tỷ đồng để trợ giá cho xe buýt. Vài năm gần đây, tỉnh cũng bổ sung thêm kinh phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng phục vụ cho vận tải buýt.

Đồ họa thể hiện sự phát triển của xe buýt Đồng Nai trong giai đoạn từ năm 2005 đến nay (Thông tin: Thanh Hải - đồ họa: Dương Ngọc)

Đồ họa thể hiện sự phát triển của xe buýt Đồng Nai trong giai đoạn từ năm 2005 đến nay (Thông tin: Thanh Hải - đồ họa: Dương Ngọc)

“Ngoài ra, Đồng Nai còn có nhiều hỗ trợ về chính sách, vốn… để doanh nghiệp mạnh dạn tham gia. Việc huy động các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân cùng tham gia vào hoạt động xe buýt là lợi thế và thành công của Đồng Nai. Các doanh nghiệp, chủ xe phải tự cân đối, tự chủ tài chính, nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ các quy định của pháp luật” - bà Phương nhấn mạnh.

Năm 2005, dịch vụ vận tải xe buýt của Đồng Nai chỉ có 5 đơn vị tham gia kinh doanh với tổng đầu xe là 150 chiếc, lượng hành khách đạt trên 4 triệu lượt người/năm. Đến năm 2019, đã có 20 đơn vị hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải tham gia với tổng số đầu xe đạt 442 chiếc, hoạt động trên 24 tuyến buýt. Tổng lượng hành khách đạt trên 18,5 triệu lượt người/năm, mỗi ngày gần 52 ngàn lượt khách đi lại, tăng gần gấp 4-5 lần so với các năm trước đó.

Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ - vận tải Thống Nhất (huyện Trảng Bom) Nguyễn Xuân Thiện cho rằng, là một trong những đơn vị tham gia vào hoạt động xe buýt trên địa bàn từ đầu, đến nay các tuyến xe buýt của Hợp tác xã dịch vụ - vận tải Thống Nhất vẫn hoạt động ổn định với lượng khách bình quân đạt hơn 70 người/chuyến. Hiệu quả kinh tế mang lại, ông Thiện đã vận động các chủ xe mạnh dạn đầu tư để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của khách.

“Mạng lưới xe buýt trong tỉnh cũng như hệ thống kết nối giữa Đồng Nai với địa phương xung quanh thời gian qua đã góp phần không nhỏ trong việc vận chuyển hành khách, đem lại nhiều tiện ích cho người dân. Từ quy mô dịch vụ nhỏ, chỉ một số thành phần người dân tham gia, hiện xe buýt đã thành phương tiện vận tải phổ biến cho công nhân, học sinh, sinh viên, công chức…” - ông Thiện nhấn mạnh.

Thanh Hải

Bài 2: Vì sao người dân "ngại" đi xe buýt?

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/201909/xe-buyt-trong-chien-luoc-phat-trien-giao-thong-cong-cong-2964221/