Xe chở quá tải vẫn hoành hành
Trong khi cơ quan chức năng khẳng định xe ben nâng thùng, chở quá tải giảm mạnh thì thực tế vẫn còn tràn lan ở Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế và tỉnh Quảng Bình, nhiều xe tải trọng lớn chở đất, đá và vật liệu xây dựng hiện tung hoành từ thành thị đến nông thôn, phá nát từ đường làng đến quốc lộ, khiến người dân rất bức xúc.
Một tháng chỉ phát hiện 17 xe vi phạm
Báo cáo của đoàn kiểm tra xử lý vi phạm tự ý thay đổi kích thước thùng hàng ôtô tự đỗ (xe ben) - do Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Thừa Thiên - Huế và Cục Quản lý đường bộ II thành lập - cho thấy trong thời gian ra quân từ ngày 15-5 đến 15-6, đoàn đã kiểm tra 318 lượt xe nhưng chỉ phát hiện 17 chiếc vi phạm. Cụ thể: 6 xe cơi nới thùng, 1 xe quá tải và 10 xe chở hàng rơi vãi dọc đường.
Ông Võ Hoài Nam, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định tình trạng xe ben tự cơi nới thùng hàng, xe chở quá tải ở địa phương này chỉ còn rất ít. Số xe này chỉ có thể hoạt động ở những vùng xa, nơi lực lượng chức năng không thường xuyên kiểm tra.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng xe cơi nới thùng hàng dẫn đến nguy cơ chở quá tải tại địa phương này còn khá phổ biến ở các doanh nghiệp vận tải, như: Xuân Anh, Long Nhung, Tuấn Phát, Tuyết Liêm... Để qua mắt lực lượng kiểm định, những xe này khi đến ngày đăng kiểm thì chủ xe tháo phần cơi nới, đưa kích thước thùng trở về nguyên trạng. Kiểm định xong, các xe này lập tức được đưa đến hãng sửa chữa ôtô lắp lại phần cơi nới.
Chỉ trong khoảng 30 phút sáng 16-7, đứng ở vị trí các mỏ đá Khe Phèn, Ga Lôi ở phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, phóng viên ghi nhận số lượng xe có dấu hiệu cơi nới thùng rõ rệt nhiều hơn so với số xe mà lực lượng Thanh tra giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế lập biên bản xử phạt trong 6 tháng qua. Trong đó, hầu như những xe dưới 16 tấn đều dùng thanh sắt hoặc ván gỗ cao 10-20 cm để chắn phía trên thùng.
Trong khi đó, rất nhiều xe ben từ 3 trục trở lên (tổng trọng lượng trên 30 tấn) cơi nới thùng lên gần gấp đôi so với nguyên mẫu. Cụ thể, xe mang BKS 75C-098... (nhà xe Xuân Anh) thùng chỉ được cao 1,02 m nhưng đã nâng lên gấp đôi; xe BKS 75C-081... (Công ty TNHH Xây dựng vận tải Việt Thắng) thùng cao 0,65 m nhưng đã nới thêm 0,5-0,6 m. Các xe mang BKS 75C-059..., 75C-061.48... từ độ cao thành thùng chỉ 0,915 m đều được nâng vượt quá 1,2 m.
Tại điểm giao cắt giữa Tỉnh lộ 7 (đường Dạ Lê) với Quốc lộ (QL) 1 đoạn tránh TP Huế ở phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, phóng viên cũng dễ dàng ghi nhận những xe ben mang BKS 75C-072..., 75C-073..., 75C-064... cơi nới thùng rõ rệt so với hình ảnh được lưu trữ tại các trung tâm đăng kiểm.
Tại cảng Thuận An sáng 19-7, các xe tải trọng lớn mang BKS 75C-082..., 75C-091... (DNTN Long Nhung) và 75C-058..., 75C-059..., 75C-057... đến bốc hàng với chiều cao kích thước thùng được nâng lên 0,3-0,5 m và còn chở hàng tràn be, một số che chắn sơ sài. Sau khi bốc hàng ở bến, xe BKS 75C-057... lên bàn cân số 2 ở khu vực cảng. Lúc này, bảng điện tử hiện con số xấp xỉ 28 tấn. Theo hồ sơ đăng kiểm, thùng hàng xe này chỉ cao 0,915 m nhưng đã cơi nới thêm chừng 0,4 m. Khối lượng xe này nặng 11,3 tấn, tải trọng hàng được phép chở là 13,3 tấn. Như vậy, đối chiếu với con số hiển thị tại bảng cân, xe này chở hàng nặng chừng 16,7 tấn - quá tải khoảng 25%.
Clip: Xe cơi nới, quá tải chạy như bay ở Huế (ảnh Quang Nhật)
Kiểm tra rồi... bình thường
Ở Quảng Bình, điểm "nóng" mà phóng viên ghi nhận được về tình trạng xe quá tải hoành hành chủ yếu tập trung tại TP Đồng Hới, QL12A và QL9B - nơi có những công trình san lấp mặt bằng, những mỏ đất, đá đang hoạt động.
Tại TP Đồng Hới, theo phản ánh của người dân xã Đức Ninh, từ cuối năm 2018 đến nay, hằng ngày cầu Đức Nghĩa già cỗi phải "cõng" từng đoàn xe tải trọng 15-40 tấn chở đất, cát... đi san lấp mặt bằng công trình. Đáng nói, 2 bên đầu cầu có cắm biển tải trọng cho phép tối đa qua cầu là 13 tấn nhưng xe hàng chục tấn cơi nới thùng vẫn qua lại. Không những vậy, nhiều chiếc còn phóng nhanh, vượt ẩu khiến người đi đường bất an. Cũng theo người dân, tình trạng này diễn ra trong thời gian dài, thi thoảng có lực lượng chức năng cho dừng xe kiểm tra nhưng sau đó sự việc vẫn diễn ra bình thường!
QL12A từ hướng thị xã Ba Đồn lên cửa khẩu quốc tế Cha Lo cho phép xe trọng tải đến 40 tấn lưu thông nhưng vẫn thường xuyên chịu tải trọng cao hơn từ các loại xe siêu trọng. Đoạn gánh chịu nhiều nhất là từ xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa về QL1 ở thị xã Ba Đồn, với chiều dài khoảng 30 km. Ở đây, ngày đêm có hàng trăm lượt xe lớn chở đá, cát, xi-măng từ các mỏ khai thác về Nhà máy Xi-măng Sông Gianh.
Ông Hoàng Ngọc Dũng, Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Quảng Bình, cho biết các chủ hàng, chủ phương tiện và tài xế thường tìm cách trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Theo ông Dũng, thời gian tới, Thanh tra Sở GTVT tỉnh Quảng Bình sẽ tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về tải trọng xe, kích thước thùng chở hàng... tới tài xế, chủ xe và doanh nghiệp vận tải.
Không kiểm soát hết
"Khi lực lượng chức năng thực hiện công tác khác hoặc ngoài giờ hành chính là tài xế cho xe hoạt động để tránh bị xử lý. Bên cạnh đó, do địa bàn rộng, nhiều tuyến đường và số lượng các mỏ vật liệu, nhà máy, đầu mối bốc xếp hàng hóa nhiều, phân tán rải rác, trong khi lực lượng thanh tra lại rất mỏng và cùng lúc phải triển khai thực hiện nhiều việc khác nên không kiểm soát hết trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Bình" - ông Hoàng Ngọc Dũng giải thích.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/xe-cho-qua-tai-van-hoanh-hanh-20190730211336624.htm