Xe có ADAS vì sao không tự phanh, vẫn đâm vào 2 lái xe cãi nhau trên cao tốc?
Hệ thống hỗ trợ lái xe an toàn nâng cao ADAS có thể giúp xe phanh tự động khi phát hiện xe cắt ngang phía trước. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ADAS không phải là 'bùa hộ mệnh' và người lái không nên lạm dụng tính năng hỗ trợ này.
Vụ tai nạn giao thông liên hoàn gây hậu quả nghiêm trọng giữa 3 ô tô xảy ra vào sáng 11/7 trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khiến không ít người "rùng mình" về tình huống nguy hiểm.
Từ một va chạm ban đầu không quá nặng, tài xế xe khách 16 chỗ và hai người trên xe bán tải sẵn sàng xuống đường, đứng giữa làn tốc độ cao nhất (120km/h), không có một vật cảnh báo... để cãi nhau phân định đúng sai, mà quên luôn rằng, hành động này là quá cẩu thả, không khác nào "tự tử". Chỉ phút chốc, có hai người phải trả giá bằng tính mạng của mình khi chiếc xe SUV 7 chỗ lao nhanh đến đâm vào.
Sơ bộ có thể thấy, nguyên nhân khởi phát dẫn tới tai nạn thảm khốc trên là các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, là sự bất cẩn, chủ quan và nóng tính của hai tài xế xe bán tải và xe khách, là sự thiếu quan sát và giữ khoảng cách an toàn của tài xế xe SUV 7 chỗ.
Tuy nhiên, nhiều người dùng xe cũng đặt dấu hỏi vì sao, công nghệ hỗ trợ lái xe an toàn nâng cao - ADAS có trên chiếc xe SUV này lại không thể ngăn chặn được vụ đâm xe xảy ra?
Theo giới thiệu của nhà sản xuất, hệ thống ADAS trên chiếc SUV 7 chỗ có tới 25 tính năng, trong đó, có tính năng cảnh báo va chạm phía trước và phanh tự động khẩn cấp nâng cao. Tuy nhiên, hình ảnh từ video tình huống tai nạn cho thấy, chiếc xe vẫn lao đi rất nhanh và đâm cực mạnh vào xe khách 16 chỗ, nghĩa là xe không kích hoạt phanh khẩn cấp tự động...
Vậy, ADAS có phải là "bùa hộ mệnh" cho tài xế tránh được mọi va chạm hay không?
PGS.TS Nguyễn Thành Công, Phó trưởng Bộ môn Ô tô (Khoa Cơ khí - Đại học Giao thông vận tải) cho biết, ADAS (viết tắt của Advanced Driver Assistance Systems) gồm một loạt tính năng hỗ trợ người lái được các hãng trang bị trên xe như: cảnh báo đi chệch làn đường, cảnh báo điểm mù, phanh khẩn cấp tự động,... nhằm tránh va chạm xảy ra.
Các tính năng này chủ yếu dựa trên nguyên lý phát hiện các chướng ngại vật, đo khoảng cách của xe và bối cảnh xung quanh qua cảm biến mắt thần của camera, qua sóng radar/lidar và siêu thanh (ultrasound). Trên cơ sở tín hiệu thu về, hệ thống máy tính trên xe có những tính toán và đưa ra cảnh báo, can thiệp phù hợp.
Tuy vậy, theo PGS.TS Nguyễn Thành Công, bản chất các hệ thống điều khiển ở đây là cơ - điện tử, bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố nên vẫn luôn có dung sai nhất định và không phải lúc nào cũng hoạt động một cách chính xác như lý thuyết đưa ra.
"Hệ thống ADAS làm việc để hỗ trợ thêm cho người lái nhằm nâng cao tính an toàn cũng như tăng tính tiện nghi giúp người lái thoải mái hơn. Do đó, ADAS chưa thể thay thế việc điều khiển xe của con người. Người lái vẫn phải chủ động xử lý khi phát sinh các tình huống trên đường", PGS.TS Nguyễn Thành Công nói.
Còn với góc nhìn từ một chuyên gia lái xe an toàn, anh Nguyễn Hồng Vinh - Chủ tịch Câu lạc bộ đua xe Redline Racing cho biết, trước tiên, vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng xảy ra có nguyên nhân chính từ kỹ năng lái xe của tài xế chiếc xe SUV 7 chỗ.
Cũng không loại trừ tâm lý của nhiều tài xế khi lái một chiếc xe hiện đại có hệ thống hỗ trợ lái an toàn ADAS, người lái có thể có chủ quan, tin tưởng và phụ thuộc công nghệ.
"Hệ thống ADAS viết đầy đủ theo tiếng Anh, có chữ "Assistance", nghĩa là hỗ trợ, mà đã hỗ trợ tức là không thể thay thế con người. Chưa biết tài xế lúc đó có tắt tính năng này hay không, nhưng đã điều khiển xe là phải quan sát và lường trước tình huống nguy hiểm chứ không thể "đặt cược" tính mạng vào một tính năng hỗ trợ được", anh Vinh nói.
Kể thêm về kinh nghiệm của mình với ADAS, anh Nguyễn Hồng Vinh cho biết, cách đây vài năm, bản thân anh khi lái xe cũng từng va chạm với một chiếc xe tải phía trước do quá tin vào ADAS. Khi đó, chiếc xe không tự phanh (khi phát hiện xe phía trước) như anh nghĩ mà vẫn lao đi. Khi khoảng cách với chiếc xe tải đã quá gần, anh đạp phanh gấp nhưng va chạm vẫn xảy ra. May mắn, túi khí trên xe bung giúp anh và những người trong xe an toàn.
"Sau khi phản hồi với hãng xe, bộ phận kỹ thuật đã họp và giải thích với tôi rằng, hệ thống hỗ trợ người lái ADAS của xe có thể chỉ thấy một phần của đuôi xe nên không nhận dạng được phía trước là xe tải, vì vậy, phanh tự động khẩn cấp đã không được kích hoạt dù các tính năng khác trên xe đang hoạt động bình thường", anh Vinh chia sẻ.
Theo chuyên gia về lái xe an toàn này, các tài xế không nên lạm dụng ADAS, tuyệt đối không được chủ quan khi lái xe có chức năng ADAS mà luôn phải kiểm soát hoàn toàn, kể cả về tốc độ và tay lái. Bởi chúng ta không thể nào biết được khi nào chức năng này hoạt động hoàn hảo và khi nào thì không. Nói cách khác, ADAS không phải "bùa hộ mệnh" cho tài xế và không thể thay thế hoàn toàn con người trong các tình huống khẩn cấp, bất ngờ.