Xe cứu hỏa cũ, nhà cao tầng cháy là thua
Xe cứu hỏa cũ kỹ, doanh nghiệp bán nhà không lo phòng cháy, chữa cháy, lực lượng cứu hỏa tại chỗ kém... là những mối lo dễ xảy ra cháy và cháy to ở nhiều nơi.
Sáng 16-8, tại buổi giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014-2018”, nhiều ý kiến lo lắng trước thực trạng nhà cao tầng ở các đô thị trên cả nước không được đảm bảo về PCCC trong khi trang thiết bị PCCC thì thiếu hụt, cũ kỹ…
“Cụ” cứu hỏa “chết” giữa đường
Trình bày báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho hay hiện trên cả nước số lượng phương tiện PCCC chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. “Tỉ lệ xe chữa cháy đã cũ, sử dụng kém hiệu quả chiếm tới hơn 50%; việc trang bị xe thang, xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, nhất là nhà cao tầng, cao ốc ở các đô thị còn hết sức hạn chế” - ông Việt nói.
Đồng tình với nhận định này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga dẫn chứng: “Thực tế đi giám sát tại Hải Phòng, Quảng Ninh…, đoàn giám sát phát hiện có những xe chữa cháy phải gọi là “cụ” vì được sản xuất từ những năm 1970. Có xe đang chạy nửa đường thì chết máy”. Bà Nga cho rằng nếu sử dụng những trang thiết bị lạc hậu này để PCCC thì không đáp ứng được yêu cầu. Cần phải đầu tư cho công tác PCCC vì không thể dùng tay không bắt giặc lửa.
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lo lắng: Với 50% thiết bị chữa cháy lạc hậu thì không thể đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân khi xảy ra cháy. “Nhiều nhà cao tầng, trung tâm thương mại cao trên 75 m mà xe thang không đến được thì rất nguy hiểm” - ông Thanh nói và đề xuất phải có phương án dùng trực thăng để chữa cháy.
Xử doanh nghiệp bán nhà không lo PCCC
Báo cáo giám sát cũng chỉ ra những số liệu kinh hoàng, bộc lộ những yếu kém trong công tác thực thi pháp luật về PCCC. Cụ thể, giai đoạn 2014-2018 có tới 2.662 công trình chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định về công tác PCCC vẫn được đưa vào sử dụng. Đặc biệt, đến tháng 7-2018 còn 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC; khoảng 34.000 cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc chưa thực hiện quy định (chiếm 40%)…
Trước thực trạng này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đặt câu hỏi: “Trách nhiệm Nhà nước như thế nào trong vấn đề này? Các tòa nhà xây dựng xong mà không đảm bảo an toàn về PCCC, vậy trách nhiệm thuộc về ai trong khi đây là vấn đề liên quan đến an toàn, sinh mạng của người dân?”.
Đồng tình, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng nghị quyết của Quốc hội sau giám sát phải gắn được trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương trong công tác PCCC. Ông nói: “Ở đây có sự yếu kém, buông lỏng của quản lý nhà nước trong phê duyệt, thẩm định về công tác PCCC. Thanh tra, kiểm tra sao lại để xảy ra như thế?”. Ông Lưu cho rằng đây là lỗi của quản lý nhà nước, chính quyền chứ không phải lỗi của dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cần phải công khai các doanh nghiệp bán nhà không đảm bảo an toàn về PCCC để người dân biết. Từ đó khiến doanh nghiệp phải làm ăn có trách nhiệm trong xây nhà, nếu không đảm bảo thì người dân sẽ tẩy chay không mua nữa.
3.287 vụ cháy xảy ra mỗi năm, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỉ đồng và 1.615,5 ha rừng.
Trung bình mỗi ngày xảy ra chín vụ cháy, làm chết hoặc bị thương một người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỉ đồng và 5,3 ha rừng.
Nhà cao, ý thức càng phải cao
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng hiệu quả PCCC của lực lượng tại chỗ còn chưa cao, số vụ cháy do lực lượng tại chỗ dập tắt chỉ chiếm tới 26%. Do đó, ông Chiến đề nghị cần đánh giá thêm nguyên nhân vì sao, có giải pháp khắc phục để nâng cao vai trò của lực lượng chữa cháy tại chỗ. Bên cạnh đó, việc tạo các họng nước, bể nước và đường băng cản lửa cũng là vấn đề cần quan tâm nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để có giải pháp cải tạo, đảm bảo sử dụng hiệu quả các phương tiện PCCC.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị cần nhận thức vấn đề PCCC là vấn đề hết sức quan trọng trong thực tế đô thị hóa ngày càng cao, nhà cao tầng, chung cư, đô thị ngày càng nhiều. Do đó, trong kiến nghị giải pháp của báo cáo cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp, các ngành, nhìn nhận PCCC với cách nhìn rộng hơn đó là sự an toàn về môi trường sống; hình thành văn hóa sống, kỹ năng sống an toàn.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết trong các nguyên nhân gây ra cháy nổ, phần lớn là do chập cháy điện. Do đó các thiết bị điện, các công trình điện dân dụng cần được quản lý nghiêm ngặt. Bên cạnh đó cần tuyên truyền để mỗi người dân, mỗi tổ chức tự nhận thức được vấn đề PCCC; thực hiện tốt khâu xử lý tại chỗ; mở rộng xã hội hóa về PCCC.
Trực thăng thả nước, nước bốc hơi
Thông tin thêm về sử dụng trực thăng chữa cháy, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho hay khi cần, quân đội sẵn sàng huy động. Tuy nhiên, thực tế việc sử dụng chữa cháy tại vụ cháy rừng Hoàng Liên Sơn (Sa Pa, Lào Cai) năm 2010 đã tỏ ra không hiệu quả. “Khi đó Bộ Quốc phòng đã thử huy động trực thăng tham gia chữa cháy. Trực thăng xuống hồ ở Sa Pa múc nước, lên đến nơi nếu bay thấp thì cháy cả máy bay, buộc phải bay cao nhưng khi buông gầu xuống, nước rơi chưa đến một nửa chừng thì đã bốc hơi sạch, không dập được lửa” - ông Tỵ cho hay. Từ đó ông Tỵ đề nghị Bộ Xây dựng phải nghiên cứu trong quá trình xây dựng, thiết kế các nhà cao tầng, cao ốc nhất thiết phải có tầng dành riêng để chống cháy. Bên cạnh đó, phương án sử dụng trực thăng chữa cháy phải nghiên cứu sử dụng chữa cháy bằng hóa chất chuyên dụng mới hiệu quả.
Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/xe-cuu-hoa-cu-nha-cao-tang-chay-la-thua-852645.html