Xe đạp công cộng Hà Nội ế khách

Dự án xe đạp công cộng tại Hà Nội hoạt động được gần một năm vẫn chỉ mang tính thí điểm, chưa bao phủ được các quận huyện, chưa thực sự thuận tiện cho người đi học, đi làm.

Chỉ hợp để… đi chơi

Cuối tuần qua, có mặt ở trạm xe đạp công cộng dưới chân ga Cát Linh vào thời gian cao điểm, PV Báo Giao thông ghi nhận, có khoảng 40 - 50 chiếc xe đạp được xếp khá gọn gàng. Hàng trăm người qua lại sau khi xuống tàu điện, nhưng rất ít người chọn xe đạp để di chuyển tiếp.

Xe đạp công cộng vẫn chưa thu hút được nhiều người dân sử dụng đi học, đi làm.

"Giá thuê xe đạp khá rẻ nhưng tôi vẫn không lựa chọn bởi gần nơi làm việc ở Võ Chí Công chưa có trạm trả xe. Muốn trả phải qua điểm ở Hồ Tây, sau đó đi bộ hơn 1km về cơ quan", chị Vũ Thùy Linh (Hà Đông, Hà Nội) nói và cho rằng, nếu muốn tăng số người sử dụng, cần bao phủ các điểm trạm dày đặc hơn.

Trạm xe đạp trên đường Láng nằm ngay tuyến đường dành riêng cho xe đạp công cộng ven sông Tô Lịch cũng ế khách. Gần 30 phút có mặt tại đây, PV ghi nhận chỉ có một đôi bạn trẻ thuê để đi dạo cùng nhau. Còn lại đa phần các phương tiện đi trên tuyến đều là xe đạp cá nhân.

Anh Lê Xuân Quân, làm việc ở phố Nguyễn Công Hoan (Ba Đình) cho hay: "Người đi làm như tôi muốn đi xe đạp cũng phải xem cơ quan có gần trạm trả xe không. Muốn thu hút người đi học, đi làm, theo tôi, cần tăng tính kết nối, số lượng trạm cần bổ sung".

Khảo sát của PV ở các khu vực trường học, bến xe Mỹ Đình thuộc quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, là những nơi có nhiều cơ quan công sở, trường học, người lao động nhưng hiện tại chưa có trạm xe đạp công cộng.

"Em thấy xe đạp công cộng vẫn chủ yếu phục vụ khách du lịch, những người muốn tham quan, trải nghiệm. Hôm nào chúng em muốn đi chơi lại phải di chuyển xe buýt lên Hoàn Kiếm để thuê xe, sau đó trả xe ở các điểm kế cận luôn", em Nguyễn Xuân Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay.

Khảo sát trước khi nhân rộng

Trao đổi với PV, ông Đỗ Bá Quân, Chủ tịch Công ty Cổ phần Dịch vụ vận tải số Trí Nam (đơn vị vận hành dịch vụ xe đạp công cộng tại Hà Nội) chia sẻ, từ khi khai trương đến nay, đã có hơn 315.000 lượt thuê xe đạp, trung bình gần 1.150 chuyến/ngày.

Xe đạp công cộng ế khách trong những tháng gần đây.

Trong số này, lượng khách khách hàng thường xuyên, sử dụng vé tháng chiếm khoảng 33,02%. Khách thuê xe đạp chủ yếu trong khoảng thời gian từ 6 - 9h và 18 - 21h. Lượng khách thuê xe vào cuối tuần cao hơn 1,6 lần so với ngày thường. 80% người thuê xe có độ tuổi từ 18 - 40, trong đó 18 - 22 tuổi chiếm 31% và 22 - 40 tuổi chiếm 49%.

"Bộ phận chăm sóc khách hàng được phân công trực 24/7, đảm bảo giải đáp mọi thắc mắc kịp thời. Các điểm trạm đều được giữ gìn sạch sẽ, xe tại trạm không hỏng hóc, vì thế khách đi xe cơ bản hài lòng", ông Quân nói.

Liên quan đến tình trạng xe đạp công cộng ế khách, ông Quân thừa nhận: "Những tháng gần đây thời tiết mưa nắng thất thường, nhiều người vì thế đã chọn các phương tiện khách thay vì xe đạp".

Cũng theo ông Quân, nhiều hành khách phản hồi về công ty đề nghị mở thêm trạm tại các khu vực lân cận như Cầu Giấy, Hà Đông và các trường đại học trên địa bàn. Hiện doanh nghiệp đang tiếp tục khảo sát trước khi đề xuất cơ quan có thẩm quyền.

"Chúng tôi đang nghiên cứu mở rộng khoảng 2.000 xe ngay trong năm 2024. Các xe sẽ được bố trí chủ yếu tại khu vực các quận Hà Đông, Cầu Giấy, Thanh Xuân, nơi có mật độ dân số cao", ông Quân cho hay.

Theo chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình, ưu điểm của xe đạp là không phát thải, tốt cho môi trường lại lợi cho thể chất cho người dân, vì vậy cần được khuyến khích phát triển.

"Nếu có thể, cần thiết lập những làn đường ưu tiên, dành riêng cho xe đạp trên một số tuyến. Tại các đô thị lớn của Việt Nam, xe đạp vẫn là phương tiện yếu thế", ông Bình nói.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, sẽ sớm cùng với đơn vị vận hành đánh giá hiệu quả của xe đạp công cộng sau một năm hoạt động trước khi xem xét việc nhân rộng tới các khu vực khác.

Hà Nội đang thí điểm 500 xe đạp công cộng tại 80 điểm. Dự kiến thời gian tới sẽ nâng số xe lên 1.000 phương tiện.

Lê Tươi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/xe-dap-cong-cong-ha-noi-e-khach-192240610233302869.htm