Xe điện cân bằng, scooter tràn xuống đường: Nguy hiểm và sẽ bị phạt

Theo quy định, người dân không được sử dụng xe điện cân bằng, scooter, vali điện… tham gia giao thông.

Vừa qua, Đội CSGT Bến Thành, thuộc Phòng CSGT (PC08), Công an TP.HCM đã lập biên bản vi phạm hành chính bà VTM (59 tuổi, ngụ quận 4) về hành vi điều khiển xe điện cân bằng trên cầu Khánh Hội.

Trước đó, PC08 cũng đã xử lý một số trường hợp tương tự như người sử dụng vali điện để di chuyển trên đường, hoặc tổ chức chơi thể thao trên phần đường xe chạy, gây nguy hiểm cho bản thân và các phương tiện khác.

Xe điện cân bằng, ván trượt điện, scooter… từ mục đích giải trí đã tràn xuống đường và đã trở thành mối nguy tiềm ẩn đối với trật tự an toàn giao thông khiến nhiều người dân bày tỏ sự lo ngại.

 Bà VTM bị phạt vì điều khiển xe điện cân bằng trên cầu Khánh Hội.

Bà VTM bị phạt vì điều khiển xe điện cân bằng trên cầu Khánh Hội.

Khi xe điện cân bằng, scooter điện “vượt rào” ra đường lớn

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Minh Trường (quận Tân Bình) cho biết anh từng trực tiếp chứng kiến một bạn trẻ đi xe điện cân bằng trên đường Cộng Hòa vào giờ tan tầm.

“Bạn ấy len lỏi giữa làn xe máy và ô tô với tốc độ khá nhanh, nhưng không hề có thiết bị bảo hộ hay tín hiệu gì. Xe sau phải thắng gấp mới tránh được va chạm. Thành thật mà nói, lúc đó tôi vừa bức xúc, vừa thấy sợ cho chính bạn đó. Một cú ngã thôi là có thể nguy hiểm đến tính mạng” – anh Trường nói.

Không chỉ lo lắng, anh Trường cho rằng việc sử dụng bàn trượt, scooter, vali điện… đang vượt ra khỏi mục đích ban đầu là phục vụ giải trí.

Cùng mối quan tâm, chị Lê Thị Thu Hà (nhân viên văn phòng, ngụ quận 1, TP.HCM) cho biết chị thường xuyên bắt gặp các trường hợp đi bàn trượt điện, ván trượt ngay tại trung tâm TP.

“Tôi thấy nhiều bạn trẻ, thậm chí cả người lớn tuổi, dùng xe trượt scooter di chuyển. Không có làn đường riêng, không có đèn tín hiệu, mà vẫn mạo hiểm len vào dòng xe lưu thông. Nhiều khi tôi đi xe máy cũng sợ vì chỉ cần một cú va nhẹ là nguy hiểm cho cả hai bên. Tôi nghĩ việc xử phạt là cần thiết, đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu rõ nguy cơ và trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông" - chị Hà nói.

Kiến nghị giải pháp, anh Trần Quốc Cường (ngụ quận 4, TP.HCM) nói: “Tôi hiểu rằng nhiều người sử dụng scooter, ván trượt, vali điện,... vì thấy tiện, gọn, dễ mang theo. Một phần cũng vì nhiều khu vực thiếu không gian vui chơi an toàn, đặc biệt ở nội thành. Do đó, tôi mong TP có thể quy hoạch một số tuyến đường nhỏ, công viên, khu vực công cộng có thể thử nghiệm làm nơi dành riêng cho các thiết bị di chuyển cá nhân hiện đại, vừa giúp giới trẻ có không gian sử dụng đúng chỗ, vừa đảm bảo an toàn giao thông chung”.

 CSGT xử phạt nhiều trường hợp sử dụng xe điện cân bằng, vali điện tham gia giao thông.

CSGT xử phạt nhiều trường hợp sử dụng xe điện cân bằng, vali điện tham gia giao thông.

Những hiểm họa khó lường

Trao đổi với PLO, Luật sư Trần Thị Thanh Thảo, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết theo Điều 34 và Điều 35 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, các phương tiện giao thông đường bộ phải đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật an toàn như hệ thống phanh, đèn chiếu sáng, tín hiệu báo rẽ, gương chiếu hậu.

Theo Luật sư Thảo, xe điện cân bằng, scooter điện vốn được thiết kế để sử dụng trong nội khu, công viên hoặc khuôn viên riêng, việc đưa chúng ra lưu thông trên đường, là hành vi tiềm ẩn nhiều rủi ro. Không ít trường hợp người sử dụng phóng nhanh, lạng lách giữa dòng xe máy, thậm chí len lỏi vào làn ô tô, gây nguy hiểm cho bản thân và người khác.

Trước đó, chính quyền Paris (Pháp) cũng quyết định dẹp bỏ xe scooter điện, sau khi số vụ tai nạn liên quan đến phương tiện này liên tục gia tăng. Theo thống kê, năm 2022, Paris đã ghi nhận 459 vụ tai nạn liên quan đến xe scooter điện và các phương tiện tương tự, trong đó có 3 trường hợp tử vong.

Tại Việt Nam, theo điểm b, khoản 2 Điều 12 Nghị định 168/2024, cá nhân sử dụng các thiết bị như xe điện cân bằng, scooter,… trên phần đường xe chạy sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đến 250.000 đồng (lỗi sử dụng bàn trượt, pa-tanh, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy). Nếu gây tai nạn nghiêm trọng, người sử dụng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Cần sử dụng xe cân bằng, scooter điện đúng chỗ

Hiện các loại thiết bị như vali điện, xe scooter (xe trượt điện), xe điện cân bằng, giày pa-tanh,… không phải là phương tiện được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, không được Luật TTATGT đường bộ công nhận là phương tiện giao thông đường bộ. Do đó không được phép sử dụng để tham gia giao thông trên đường.

Ngoài ra, các phương tiện này không có biển số, không đăng ký, không được kiểm định kỹ thuật, không có tín hiệu đèn hoặc gương chiếu hậu - những yếu tố bắt buộc để đảm bảo an toàn tối thiểu trên đường nên việc người dân điều khiển các thiết bị này tham gia giao thông trên đường tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn đến tai nạn giao thông.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn, khi sử dụng các thiết bị này người dân cần lưu ý: chỉ sử dụng trong không gian công viên, khu vui chơi giải trí hoặc những nơi đã được cho phép; không được sử dụng để tham gia giao thông trên vỉa hè, lòng đường gây mất an toàn giao thông.

Phòng Cảnh sát giao thông (PC08), Công an TP.HCM.

THẢO HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/xe-dien-can-bang-scooter-tran-xuong-duong-nguy-hiem-va-se-bi-phat-post844902.html