Xe điện Trung Quốc tham vọng 'đánh nhanh, thắng nhanh' tại thị trường Nhật Bản
Với thế mạnh điện hóa và giá rẻ, ô tô Trung Quốc hạ quyết tâm thực hiện một 'nhiệm vụ bất khả thi' mà nhiều hãng xe Mỹ, Hàn Quốc những thập kỷ qua chưa làm nổi, đó là chinh phục thị trường Nhật Bản.
Lâu nay, Nhật Bản - sân nhà của nhiều đại gia ô tô hàng đầu và là nơi của những người tiêu dùng có tiêu chí khắt khe và tinh thần dân tộc nhất thế giới - vẫn được xem là khu vực “bất khả xâm phạm” với các thương hiệu nước ngoài. Khó khăn kinh tế vài năm qua cũng khiến nhiều thương hiệu lớn từ bỏ cuộc chơi tại Nhật Bản.
Thực trạng này được phản ánh rõ nét tại Triển lãm Di động Nhật Bản (JMS) 2023 đang diễn ra tại Tokyo, khi không gian trưng bày hoàn toàn vắng bóng các sản phẩm Hàn Quốc và Mỹ. Thậm chí, hai nhà sản xuất hạng sang nước Đức hiện diện chỉ có Mercedes-Benz và BMW, với không gian trình diễn vô cùng khiêm tốn.
Trong khi đó, BYD - hãng xe điện hóa có doanh số cao nhất thế giới trong năm 2022 - mạnh dạn “chào sân” với 5 mẫu xe điện và trưng bày hàng loạt công nghệ có liên quan. Đây cũng là nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đầu tiên dám mang sản phẩm tới trưng bày ở triển lãm ô tô lâu đời và quan trọng nhất của Nhật Bản.
Trong số xe được BYD trưng bày lần này có BYD SEAL - chiếc sedan thể thao chạy điện với lịch ra mắt tại Nhật Bản vào đầu năm 2024. Ngoài ra, crossover điện chạy pin BYD ATTO 3 và hatchback điện chạy pin BYD Dolphin cũng góp mặt. Đây là hai mẫu xe cũng song song bán ra tại Nhật Bản, trong đó, ATTO 3 đã có mặt tại một số quốc gia Đông Nam Á và dự kiến sẽ về Việt Nam trong tương lai gần.
Cùng với việc hiện diện tại JMS 2023, BYD cũng thúc đẩy nhiều hoạt động kinh doanh tại đảo quốc mặt trời mọc, với một số đại lý ở Tokyo, Osaka, Yokohama, Nagoya….
Tuy nhiên, quyết tâm của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc không gây bất ngờ cho giới chuyên môn, bởi chính nhờ trào lưu xe năng lượng mới, nền công nghiệp ô tô Trung Quốc thời gian gần đây mới có thể đột phá, thậm chí đã trở thành nhà xuất khẩu ô tô hàng đầu thế giới trong năm 2023.
Trong khi đó, dù Nhật Bản đang theo đuổi mục tiêu xanh hóa hạ tầng giao thông và các nhà sản xuất ô tô hàng đầu nước này đều là tiên phong về điện hóa, nhưng tiến trình thương mại hóa xe điện chạy pin chậm chạp khiến giới phân tích nhận định, ít nhất phải tới 2025, các hãng xe Nhật Bản mới có những sản phẩm đại chúng “ra đường”.
Khoảng trống thị trường tuy hẹp nhưng là cơ hội "ngàn năm một thuở" để các nhà sản xuất Trung Quốc tìm chỗ đứng tại thị trường Nhật Bản. Dĩ nhiên, khung thời gian quý báu là không dài và có thể bị thu hẹp bất cứ lúc nào trước sức mạnh của các ông lớn ô tô chủ nhà.
Ngay tại JMS năm nay, Giám đốc điều hành Koji Sato của Toyota cho biết, công ty sẽ tung ra 10 mẫu xe điện mới và bắt đầu bán 1,5 triệu xe điện chạy pin mỗi năm.
Trong khi đó, Nissan, Honda, Suzuki, Subaru, Mazda… đều chỉ trưng bày xe điện tại triển lãm lần này nhằm thể hiện quyết tâm cao độ trong việc nhanh chóng bắt kịp nhịp độ cuộc chơi mới.
Trao đổi với các chuyên gia kỹ thuật Nhật Bản, được biết thế mạnh của xe BYD tại đảo quốc mặt trời mọc chính là giá bán và chất lượng hoàn thiện tương đối tốt trong tầm chi phí mà người dùng bỏ ra. Đơn cử, BYD ATTO 3 có giá chỉ bằng khoảng 1/3 so với chiếc xe điện Made in Japan tương đương. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng bày tỏ tin tưởng các hãng xe đất nước mặt trời mọc sẽ không mất nhiều thời gian để lấy lại phong độ trên sân chơi mới.
Một số quan điểm cho rằng, thách thức lớn nhất trước mắt của BYD nói riêng cũng như các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc nói chung là làm thế nào thuyết phục người tiêu dùng Nhật Bản vượt định kiến để thử trải nghiệm xe mới. Ngoài ra, tận dụng nhóm khách hàng Trung Quốc - cộng đồng dân cư nước ngoài đông nhất tại Nhật Bản - cũng được đánh giá là một hướng đi khả quan.
“Chỉ cần khách hàng (Nhật Bản) tin tưởng dùng thử BYD, chúng tôi sẽ có cơ hội thành công cao” - Chủ tịch BYD Nhật Bản Atsuki Tofukuji cho biết.