Xe hơi điện: không dễ

Những chiếc xe hơi sang trọng, bóng loáng của Tesla sản xuất bao nhiêu bán hết bấy nhiêu làm ai nấy đều tưởng thời hoàng kim của xe hơi điện chạy bằng pin đã đến. Thế nhưng sự đời không đơn giản. Hai câu chuyện ở hai nước có số lượng xe hơi điện lưu hành thuộc loại cao nhất thế giới cho thấy điều đó.

Dân Trung Quốc hối hận vì mua xe điện

 Hozon Auto U - ô tô điện mới ra mắt của Trung Quốc .

Hozon Auto U - ô tô điện mới ra mắt của Trung Quốc .

Nằm trong chiến lược phát triển công nghiệp “Made in China 2025” chính quyền Trung Quốc có nhiều chính sách ưu đãi sản xuất và tiêu thụ xe hơi điện như trợ cấp cho các hãng xe và hãng sản xuất pin, cấp tiền nghiên cứu phát triển, ép các hãng xe liên doanh chuyển giao công nghệ... Để tăng cầu, nhiều thành phố hạn chế cấp biển số mới cho các loại xe hơi chạy xăng, dầu; ví dụ ở Bắc Kinh trong 2,8 triệu đơn xin mua xe hơi truyền thống chỉ hơn 6.300 đơn được chấp nhận qua hình thức xổ số. Ngược lại, xe hơi điện được miễn thuế trị giá gia tăng, rồi được trợ giá nên giá xe hơi điện ở Trung Quốc vào loại thấp nhất thế giới. Kết quả, năm ngoái lượng xe hơi điện bán ra ở Trung Quốc đạt hơn 1,2 triệu chiếc, tăng 62% so với năm 2017. Hiện nay lượng xe hơi điện tiêu thụ ở Trung Quốc chiếm một nửa lượng xe bán ra toàn cầu.

Thế nhưng chất lượng xe là vấn đề đang gây đau đầu cho cả người tiêu thụ lẫn các nhà làm chính sách. Theo Bloomberg, năm ngoái các hãng xe phải triệu hồi 135.700 xe hơi điện; năm nay chỉ mới mấy tháng mà đã có 23.458 xe hơi điện bị triệu hồi. Pin là điểm yếu, gây nhiều sự cố nhất. Nhiều xe mau hết pin đến độ không ngờ, nhiều xe khác khi chạy pin nóng bất thường; năm 2018 có hơn 40 vụ xe hơi điện bốc cháy tại Trung Quốc. Các sự cố khác liên quan đến động cơ dễ hỏng, đồng hồ tốc độ không chính xác, xe có mùi khó chịu.

Một trong những nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp nhảy vào ngành này hầu tận dụng các ưu đãi của chính phủ; có đến 500 nhà sản xuất xe hơi điện ra đời mặc dù nhiều công ty không có chút kinh nghiệm gì trong chế tạo xe. Cuộc cạnh tranh không phải dựa trên chất lượng mà dựa vào số lượng như thế là cuộc đua xuống đáy vì các nhà sản xuất chỉ còn cách cắt giảm chi phí, bỏ qua chất lượng để giảm giá xe mới mong bán được cho khách hàng.

Dân Na Uy đổ xô mua xe hơi điện đã qua sử dụng

Chính phủ Na Uy, cũng như nhiều nước khác, có nhiều chính sách khuyến khích người dân chuyển qua sử dụng xe hơi điện như miễn thuế xe, miễn hay giảm phí cầu đường, cho ưu tiên chạy vào làn xe buýt... Cộng với chính sách hỗ trợ người mua xe hơi điện ở nước khác, bỗng dưng nảy sinh một hiện tượng: xe hơi điện đã qua sử dụng đang được ồ ạt nhập vào Na Uy. Chẳng hạn ở California Mỹ, người mua xe hơi điện và sử dụng ít nhất 30 tháng sẽ nhận khoản trợ giá đến 4.500 đô la. Thế là nhiều người mua xe hơi điện có trợ giá, chạy 30 tháng rồi bán lại với giá khá cao so với giá xe hơi cũ truyền thống. Nhiều hãng xe bán xe theo dạng cho thuê dài hạn để sau đó bán lại xe cũ cho Na Uy.

Theo Reuters, một chiếc Fiat 500e còn mới (chỉ mới chạy 24.000 ki lô mét) được rao bán với giá 15.000 đô la ở Oslo. Xe mới, chưa trợ giá, được rao thấp nhất là 33.000 đô la. Như vậy dân Na Uy đang tận dụng chính sách trợ giá bằng tiền đóng thuế của dân nước khác để mua xe giá hời.

Na Uy không chỉ nhập xe đã qua sử dụng từ Mỹ, họ còn mua xe “cũ” từ các nước châu Âu. Ví dụ một đại lý xe ở Na Uy năm ngoái mua 250 xe Kia Soul chạy điện mới từ Đức. Họ đăng ký lấy biển số xe ở Đức nhằm giúp nhà sản xuất đạt mức hạn ngạch sản xuất xe xanh sạch, để vài ngày rồi sau đó xuất khẩu về Na Uy bán như xe đã qua sử dụng. Xe vẫn còn mới toanh, ghế ngồi vẫn còn bọc nylon nhưng nhờ đồng ý cho nhà sản xuất đăng ký bán ra ở châu Âu, họ sẽ được giảm giá đáng kể. Tuy nhiên xe mua kiểu này không được Chính phủ Đức trợ giá vì không đạt yêu cầu sử dụng xe ít nhất một số tháng nào đó.

Tuy nhiên các nước cũng dần hiểu ra chính sách trợ giá xe hơi điện của họ đang bị lợi dụng nên đang thay đổi chính sách. Chẳng hạn, Thụy Điển năm ngoái siết lại quy định trợ giá sau khi phát hiện 10% các loại xe điện được xuất khẩu trong vòng dưới 5 năm. Đến 80% lượng xe hơi này được xuất khẩu qua Na Uy. Quy định mới yêu cầu chủ xe phải sử dụng xe sáu tháng thì mới được nhận trợ giá (khoảng 6.400 đô la). Trước đây mua xe là họ nhận ngay trợ giá chừng 5.000 đô la.

Thư Kỳ

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/290614/xe-hoi-dien-khong-de-.html