Xe không có đèn soi biển số có bị phạt không? Phạt bao nhiêu?
Xin cho tôi biết đèn soi biển số là loại đèn gì? Xe không có đèn soi biển số có bị phạt không? Nếu có thì phạt bao? - Độc giả Hải Long
Đèn soi biển số là gì?
Đèn soi biển số là thiết bị được gắn phía sau xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô hoặc phía sau xe xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy.
Đèn soi biển số có tác dụng giúp những người xung quanh có thể nhìn thấy biển số của xe khi di chuyển.
Xe không có đèn soi biển số có bị phạt không? Phạt bao nhiêu?
Theo Nghị định 100/2021/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP), lỗi điều khiển xe không có đèn soi biển số là một lỗi vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông. Tùy vào loại xe thì mức phạt xử phạt lỗi không có đèn soi biển số sẽ khác nhau.
Cụ thể:
- Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô.
(Điểm a khoản 2 Điều 16 Nghị định 100/2021/NĐ-CP, sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP)
Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển xe buộc phải lắp đèn soi biển số đúng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật theo quy định; (Điểm a khoản 9 Điều 16 Nghị định 100/2021/NĐ-CP, sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP)
- Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy.
(Điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định 100/2021/NĐ-CP, sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP)
Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ
Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được quy định như sau:
- Các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được quy định tại các Điều 75, 76 và 77 Nghị định 100/2021/NĐ-CP;
- Công chức, viên chức được giao nhiệm vụ tuần kiểm có quyền lập biên bản đối với các hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; lấn chiếm, sử dụng trái phép đất của đường bộ và hành lang an toàn giao thông đường bộ;
- Công an viên có thẩm quyền lập biên bản đối với các hành vi vi phạm xảy ra trong phạm vi quản lý của địa phương;
- Công chức thuộc Thanh tra Sở Giao thông vận tải đang thi hành công vụ, nhiệm vụ có thẩm quyền lập biên bản đối với các hành vi vi phạm xảy ra trong phạm vi địa bàn quản lý của Thanh tra Sở Giao thông vận tải;
- Công chức, viên chức thuộc Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ đường thủy nội địa đang thi hành công vụ, nhiệm vụ có thẩm quyền lập biên bản đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 3, khoản 5 Điều 28 Nghị định 100/2021/NĐ-CP khi xảy ra trong phạm vi địa bàn quản lý của cảng vụ.
(Khoản 1 Điều 79 Nghị định 100/2021/NĐ-CP, sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP)
Được biết, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của những chức danh được quy định trên là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân tương ứng với từng lĩnh vực.
Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thực hiện theo quy định tại Điều 52 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.