Xe không sang tên đổi chủ: Khó kiểm soát, xử phạt

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 1,37 triệu phương tiện được quản lý, đăng ký, trong đó có hơn 115,6 nghìn ô tô và gần 1,256 triệu mô tô, xe máy. Tuy nhiên, trên thực tế, số phương tiện đang hoạt động có thể lớn hơn vì nhiều xe được mua đi, bán lại từ các tỉnh, TP khác, xe cho tặng, thanh lý... mà không sang tên, đổi biển, điều này gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý vi phạm.

Tại các điểm lưu giữ phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc xe máy, ô tô bị người điều khiển bỏ lại thời gian dài, đã hoen gỉ. Theo các cán bộ cảnh sát giao thông (CSGT), nhiều phương tiện trong số này bị mua bán, qua tay nhiều người, cũ nát, khó xác định được chủ xe. Khi mắc lỗi vi phạm, người điều khiển sẵn sàng bỏ phương tiện, lực lượng chức năng sau đó phải tiến hành thanh lý, tổ chức đấu giá.

 Tại bãi giữ phương tiện vi phạm của Phòng Cảnh sát giao thông có nhiều xe không chính chủ, bị người điều khiển bỏ lại thời gian dài.

Tại bãi giữ phương tiện vi phạm của Phòng Cảnh sát giao thông có nhiều xe không chính chủ, bị người điều khiển bỏ lại thời gian dài.

Anh L.V.H ở phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) mua lại chiếc ô tô của anh trai đã hai năm nay nhưng chưa sang tên, anh nói: “Vì biển số đẹp và mua của người nhà nên tôi vẫn để nguyên biển. Mọi thủ tục đăng kiểm, chi phí duy trì hoạt động của xe vẫn mang tên anh trai tôi”.

Một trường hợp khác là anh N.Đ.B ở phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) được chị họ ở Hà Nội bán cho chiếc xe máy. Anh B thường xuyên sử dụng chiếc xe mang biển số Hà Nội để đi lại hằng ngày và cũng không có ý định sang tên vì như anh nói “chiếc xe giá trị chẳng bao nhiêu, việc sang tên đổi biển mất thêm một khoản chi phí nên cứ để nguyên như vậy mà sử dụng”.

Trong quá trình tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhiều lần gặp chiếc ô tô tải cũ nát, biển số mờ hết, gần như không còn đọc được chữ, số; phía đầu xe ghi thông tin thuộc một đơn vị nhà nước. Tuy vậy, qua tra cứu, đơn vị này đã được cổ phần hóa và chiếc xe cũng không còn là tài sản của đơn vị. Thế nhưng người mua lại chiếc xe tải đó vẫn để nguyên biển số, tham gia chở hàng hóa, vật liệu xây dựng… Nếu chỉ nhìn biển số và thông tin được in trên đầu xe, nhiều người vẫn nghĩ chiếc xe đó là của cơ quan nhà nước.

 Người dân đến làm thủ tục cấp biển số xe tại Phòng Cảnh sát giao thông.

Người dân đến làm thủ tục cấp biển số xe tại Phòng Cảnh sát giao thông.

Tình trạng này diễn ra ở tất cả các địa phương, gây khó khăn cho việc quản lý phương tiện, xử lý vi phạm hoặc khi xảy ra tai nạn, va chạm giao thông. Theo Thiếu tá Lục Xuân Hùng, Đội trưởng Đội CSGT - trật tự, Công an huyện Lục Ngạn, có không ít trường hợp cho thấy phương tiện đã qua nhiều đời chủ, lực lượng công an đi xác minh mất nhiều công sức, thời gian; có trường hợp người chủ ban đầu của phương tiện đã chết hoặc ra nước ngoài lao động, sinh sống… Không những vậy, có trường hợp khi bị xử lý vi phạm lại lấy lý do xe đi mượn của bạn bè, được người thân cho tặng càng khiến việc xác định gặp nhiều khó khăn.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh tiếp nhận, giải quyết hơn 29 nghìn trường hợp đăng ký xe (hơn 12 nghìn xe ô tô và hơn 17 nghìn xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện). Lực lượng CSGT làm thủ tục thu hồi 1.695 biển số các loại và sang tên, đổi biển cho 1.039 trường hợp.

Theo các cơ quan quản lý phương tiện, có thể hiểu xe không chính chủ là xe khi mua, cho, tặng, phân bổ, điều chuyển, thanh lý, thừa kế không được làm thủ tục đăng ký sang tên (để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên chủ mới). Những hành vi này sẽ bị phạt lỗi không chính chủ khi được phát hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông hoặc đăng ký xe.

Được biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh tiếp nhận, giải quyết hơn 29 nghìn trường hợp đăng ký xe (hơn 12 nghìn xe ô tô và hơn 17 nghìn xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện). Lực lượng CSGT làm thủ tục thu hồi 1.695 biển số các loại và sang tên, đổi biển cho 1.039 trường hợp. Trao đổi với Trung tá Hà Đức Nhàn, Đội trưởng Đội Đăng ký quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Phòng CSGT, Công an tỉnh được biết, hiện quy định pháp luật về xử lý lỗi xe không chính chủ rất rõ ràng.

Cụ thể, đối với xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô: Phạt tiền từ 400 nghìn đến 600 nghìn đồng nếu chủ xe là cá nhân; từ 800 nghìn đến 1,2 triệu đồng nếu chủ xe là tổ chức. Đối với xe ô tô: Phạt tiền từ 2 triệu đến 4 triệu đồng nếu chủ xe là cá nhân; từ 4 triệu đến 8 triệu đồng nếu chủ xe là tổ chức. Do vậy, để khắc phục tình trạng xe không chính chủ, thời gian tới, lực lượng công an tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật để nhân dân, nhất là các chủ xe, lái xe nắm được, chấp hành nghiêm túc.

Vận động người dân thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 58/2020/TT-BCA, ngày 16/6/2020 của Bộ Công an: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe thì tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng, được phân bổ, thừa kế xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục cấp đăng ký, biển số”. Nếu vi phạm quy định trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Khi tham gia giao thông bằng phương tiện không phải của mình, xe đi mượn, chưa chính chủ, người dân cần mang theo đầy đủ các loại giấy tờ như căn cước công dân của người đang điều khiển phương tiện, giấy đăng ký xe của phương tiện đang sử dụng, giấy phép lái xe, bảo hiểm xe bắt buộc, giấy chứng nhận đăng kiểm đối với ô tô… để cơ quan chức năng xác minh thuận lợi, nhanh chóng.

Bài, ảnh: Quốc Phương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/xe-khong-sang-ten-doi-chu-kho-kiem-soat-xu-phat-091401.bbg