Xe máy 'bất lực' bị ô tô chèn ép trên làn đường hỗn hợp

Không chỉ chiếm trọn 3-4 làn riêng, ô tô còn 'cậy to khỏe' giành chỗ ở 2 làn hỗn hợp, khiến những chiếc xe máy bị chèn ép bất lực nhích từng chút một.

18h, tôi cố lách mình vào trong làn hỗn hợp trên đường Võ Chí Công, Hà Nội. Khói từ ống xả xe ô tô phía trước làm tôi nghẹt thở, chảy nước mắt dù đeo khẩu trang dày dặn và kính râm. Hơi nóng từ chiếc xe buýt ngay bên cạnh cũng khiến thời tiết chiều 38℃ càng thêm khó chịu. Chiếc xe ô tô đằng sau thì bấm còi một cách cáu kỉnh khiến tôi cuống quýt, muốn tiến lên hoặc tránh đi nhường chỗ nhưng làm gì có chỗ nào mà len khi mấy phía đều là ô tô?

Từ đầu tháng 7, các tuyến đường rộng, nhiều làn, có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn ở Hà Nội như đường Võ Chí Công, đường Phạm Văn Đồng thí điểm phân làn cứng. Các con đường này có 5-6 làn mỗi chiều, từ nay sẽ chia thành 3-4 làn chuyên cho ô tô và 2 làn hỗn hợp.

Trên tuyến đường Võ Chí Công, ô tô dàn 5-6 hàng chiếm trọn lòng đường. (Ảnh: Viên Minh)

Trên tuyến đường Võ Chí Công, ô tô dàn 5-6 hàng chiếm trọn lòng đường. (Ảnh: Viên Minh)

Làn hỗn hợp là làn đường cho phép nhiều loại phương tiện cùng lưu thông, bao gồm xe máy, ô tô con, xe tải, xe buýt và đủ loại phương tiện khác. Thực tế, ô tô vẫn là phương tiện chiếm phần lớn diện tích của làn này. Ở các tuyến đường Võ Chí Công, đường Phạm Văn Đồng, cảnh ô tô dàn 4 - 5 hàng ngang chiếm trọn lòng đường rất thường gặp.

Nhiều tài xế ô tô còn đi giữa hai làn đường, chen lấn, tạt đầu mà không quan tâm đến dòng xe máy bên cạnh. Vì thế, vào giờ cao điểm, những người đi xe máy luôn phải tìm cách tạt ngang, tạt dọc để có thể thể luồn lách giữa những chiếc ô tô trong làn hỗn hợp, ai không "cứng tay" thì bị cả ô tô lẫn xe máy khác chèn, mất rất nhiều thời gian cho quãng đường ngắn.

Xe to lấn lướt xe bé. Ô tô lấn xe máy, cố gắng len lỏi, bấm còi để phi lên trước nhưng lại gặp phải xe buýt đang đón trả khách nên dồn lại, đường càng ùn tắc. Vì hết chỗ, nhiều người đi xe máy bất chấp pháp luật, luồn lách sang làn ô tô hoặc phóng lên vỉa hè.

Ô tô có quyền đi vào làn đường hỗn hợp, nên cũng khó trách các tài xế xe hơi khi mà ai cũng muốn chạy nhanh hơn. Điều tôi và nhiều người khác muốn kiến nghị là nên có làn đường riêng cho xe máy, để phương tiện này không còn là đối tượng yếu thế bị bắt nạt trên đường, chỉ có thể nhận chút diện tích "rơi vãi" còn lại.

Hiện nay, khi các giải pháp hạn chế xe máy chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả, đây vẫn là phương tiện chiếm tỷ lệ lớn nhất, phục vụ nhiều người nhất. Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tính đến đầu năm 2024, toàn thành phố Hà Nội có hơn 1,1 triệu ô tô và gần 7 triệu xe máy.

Sẽ là bất hợp lý khi số người di chuyển bằng xe máy chiếm khoảng 85% nhưng không có làn riêng, còn ô tô chỉ chiếm 15% nhưng lại được ưu ái chiếm tới 3 - 4 làn riêng và có thể đi vào 2 làn còn lại, gần như lúc nào cũng chiếm đến 80% mặt đường, thậm chí gần như bịt kín đường.

Tôi tin rằng trong những năm tới, số lượng xe cá nhân - bao gồm cả xe máy và ô tô - sẽ giảm và giao thông công cộng trở thành lựa chọn của số đông người dân đô thị, đặc biệt là nội thành Hà Nội, TP.HCM. Đây là xu hướng tất yếu để lập lại trật tự giao thông, gia tăng hiệu quả giao thông, tiết kiệm về kinh tế và hạn chế tác hại môi trường.

Tuy nhiên, một khi được phép lưu thông, các phương tiện nên được đối xử công bằng và người đi xe máy nên được dành làn đường riêng. Đây không phải là chuyện so bì tị nạnh, mà xét về tác dụng tổng thể, việc xe máy có làn đường riêng sẽ giúp giao thông thông suốt hơn, tránh tình trạng hỗn loạn, ùn tắc, cũng sẽ xóa bỏ cơ hội vi phạm của những tài xế coi thường pháp luật, viện cớ ô tô chiếm hết chỗ đi để leo lên vỉa hè.

Hoàng Hà

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/xe-may-bat-luc-bi-o-to-chen-ep-tren-lan-duong-hon-hop-ar952770.html