Đưa vụ sữa giả HIUP vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đưa 6 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo, trong đó có vụ sữa giả HIUP.
Tại phiên họp thứ 28 diễn ra ngày 7/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) thảo luận, cho ý kiến về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm cùng một số nội dung quan trọng khác.

Quang cảnh phiên họp thứ 28 của Ban Chỉ đạo.
Tại phiên họp này, Ban Chỉ đạo thống nhất kết thúc chỉ đạo xử lý đối với 10 vụ án, 6 vụ việc do đã kết thúc việc giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Ban Chỉ đạo cũng thống nhất đưa 4 vụ án và 2 vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, gồm: Vụ án "Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt Trung và các đơn vị có liên quan; Vụ án "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Đưa hối lộ; Môi giới hối lộ" xảy ra tại Công ty Cổ phần khoa học TSL và các cơ quan, tổ chức liên quan.
Vụ án "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" xảy ra tại Công ty ZHolding; Vụ án "Tàng trữ trái phép chất ma túy; Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương và một số đơn vị, địa phương liên quan.
Vụ việc có dấu hiệu làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và đưa hối lộ xảy ra tại Công ty Khoa học và công nghệ Avatek; Vụ việc có dấu hiệu phạm tội đưa hối lộ, nhận hối lộ xảy ra tại Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.
Trong những tháng cuối năm 2025 và thời gian tới, Ban Chỉ đạo yêu cầu công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, tập trung chỉ đạo hoàn thành các nhiệm vụ theo chương trình công tác năm 2025 và các kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo, trong đó tập trung vào 7 nhiệm vụ chủ yếu.
Một là, tập trung chỉ đạo hoàn thành việc rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, quan điểm về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được ban hành từ đầu nhiệm kỳ XIII của Đảng đến nay.
Trong đó, Ban Chỉ đạo lưu ý tập trung hoàn thành việc sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Phòng, chống tham nhũng và các luật có liên quan; sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, khả thi.
Hai là, khẩn trương hoàn thành việc rà soát, làm rõ nguyên nhân, có phương án xử lý cụ thể đối với từng dự án, công trình chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, hiệu quả thấp, nguy cơ gây thất thoát, lãng phí, chỉ đạo xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc đối với 2 dự án 2 Bệnh viện Trung ương; các dự án năng lượng tái tạo; dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM.
Ba là, tập trung điều tra, phấn đấu xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đảm bảo đến hết nhiệm kỳ XIII cơ bản không còn tồn đọng những vụ việc cũ.
Trong đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Thuận An, Tổng Công ty xi măng Việt Nam, dự án sân bay Nha Trang, 2 dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức...
Bốn là, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các sai phạm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực liên quan đến công tác bố trí, sắp xếp cán bộ và quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công trong và sau sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Năm là, khẩn trương kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh và các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở các địa phương sau hợp nhất, sáp nhập; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong tổ chức và hoạt động ở cấp cơ sở, kiên quyết không để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; chấn chỉnh tư tưởng trông chờ, ỷ lại cấp trên, đùn đẩy, trì hoãn giải quyết công việc, gây ách tắc, lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc của Nhà nước, của người dân, doanh nghiệp.
Sáu là, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính, hạn chế tiếp xúc trực tiếp để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động công vụ; khẩn trương xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia, tích hợp các dữ liệu của bộ, ngành, địa phương, bảo đảm đồng bộ, liên thông, dễ khai thác, sử dụng để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán trên dữ liệu nhằm phát hiện, cảnh báo sớm, ngăn chặn kịp thời vi phạm.
Bảy là, chỉ đạo tổng kết toàn diện từ chi bộ, cơ sở đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nhiệm kỳ Đại hội XIII, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trước thềm Đại hội XIV của Đảng.
Từ đó bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, định hướng lớn về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.