Xe nhập khẩu tràn về, vị thế của Trường Hải, Hyundai bị đe dọa
Nếu như các tháng trước, xe lắp ráp gần như chiếm trọn thị trường thì bức tranh đang dần thay đổi trong những tháng cuối năm này.
Trong 10 tháng đầu năm 2018, Trường Hải bán ra 79.320 xe, trong đó 53.093 xe du lịch, gồm ba thương hiệu Kia đạt 23.310 xe, Mazda có doanh số 26.165 xe và 3.618 xe Peugeot.
Chỉ tính xe du lịch, Trường Hải ghi nhận tăng trưởng đáng kể so với con số 39.316 xe bán ra trong 10 tháng đầu năm 2017.
Những kẻ dẫn đầu cuộc chơi xe lắp ráp
Hyundai Thành Công bán ra 51.046 xe trong 10 tháng đầu năm 2018, trong đó có 44.224 chiếc là xe du lịch. Chỉ tính xe du lịch doanh số của 10 tháng đầu năm 2018 của Hyundai Thành Công đã vượt qua kết quả mà hãng này đạt được trong suốt cả năm 2017, với con số 30.800 xe.
Với kết quả trên, Trường Hải chiếm 27,7% thị phần xe du lịch trong 10 tháng đầu năm (đã tính cả Hyundai, đạt con số 191.646 xe), trong khi Hyundai Thành Công chiếm 23%. Toyota Việt Nam đạt doanh số 49.434 xe, chiếm 25,7% thị phần xe du lịch.
Tính trong 10 tháng đầu năm 2018, những mẫu xe chiến lược giúp Trường Hải tăng tốc trong năm 2018 là Kia Morning với 9.120 xe, Kia Cerato với 9.643 xe, Mazda3 với 10.762 xe và Mazda CX-5 với 9.846 xe. Trong khi đó, Hyundai Thành Công tiếp tục duy trì mẫu xe chiến lược Grand i10 với doanh số lên tới 19.283 xe, chỉ chịu thua duy nhất Toyota Vios trong danh sách những mẫu xe bán chạy nhất Việt Nam trong 10 tháng đầu năm.
Hyundai Thành Công còn ra mắt thêm 2 mẫu xe lắp ráp trong nước, và lập tức tạo được ấn tượng về mặt doanh số. Cụ thể, Hyundai Accent ra mắt vào tháng 4/2018, tới hết tháng 10 đạt con số 8.855 xe. Hyundai Kona ra mắt vào cuối tháng 8/2018, cũng có doanh số 1.065 xe.
Tương lai không dễ dàng
Thành công trong giai đoạn đầu năm của Hyundai Thành Công và Trường Hải có sự hỗ trợ rất lớn từ Nghị định 116, khi không có các mẫu xe nhập khẩu cạnh tranh, và toàn thị trường gần như là cuộc đua của xe lắp ráp trong nước. Trong thời gian tới, mọi chuyện dự kiến sẽ không hề dễ dàng với hai ông lớn lắp ráp xe trong nước này.
Các mẫu xe nhập khẩu đang trở lại mạnh mẽ thị trường Việt Nam sau khi đã gỡ bỏ phần nào rào cản Nghị định 116, và ngay lập tức gây ấn tượng. Tháng 10 năm 2018, theo số liệu của VAMA, doanh số toàn thị trường xe hơi Việt Nam đạt con số 28.899 xe, tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng 21% so với tháng 9/2018. Đáng chú ý, xe nhập khẩu đạt doanh số 11.300 xe, tăng trưởng "phi mã" lên tới 46%.
Ở phân khúc xe hạng A, mẫu xe nhập khẩu Toyota Wigo vượt mặt Hyundai Grand i10 và Kia Morning lắp ráp trong nước, đạt doanh số 1.529 xe, nằm trong top 3 xe bán chạy nhất thị trường trong tháng 10 vừa qua.
Hàng loạt mẫu xe nhập khẩu khác cũng sẵn sàng bùng nổ và gây sức ép lên xe lắp ráp trong nước, cụ thể là Hyundai Thành Công và Trường Hải. Cuộc cạnh tranh khốc liệt của xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu, đáng ra đã diễn ra từ đầu năm 2018, giờ đây mới thực sự bắt đầu.