Xẻ núi, băng rừng mở đường lên 'Đà Lạt thứ hai'
Chưa bao giờ việc giải phóng mặt bằng gian nan, khó khăn như dự án nâng cấp quốc lộ 24. Khó nhất là đoạn sát TP Kon Tum và ở ngay thị trấn Măng Đen, được coi như 'Đà Lạt thứ hai' của Tây Nguyên...
Khoảng 10 năm trước, việc đi từ TP Kon Tum hay Quảng Ngãi lên Măng Đen khiến nhiều người khiếp sợ bởi những cung đường đèo Vi Ô Lắc và đèo Măng Đen vô cùng hiểm trở. Nhưng nay mọi chuyện đã khác khi dự án nâng cấp quốc lộ 24 hoàn thành, chạy xuyên qua những cánh rừng.
Trầy trật giải phóng mặt bằng
Một ngày đầu tháng 12/2023, trên chuyến xe khách từ Kon Tum đi Quảng Ngãi, cụ Nguyễn Thị Ánh, 78 tuổi, quê Quảng Ngãi, định cư ở TP Kon Tum 35 năm chia sẻ: "Năm 2011, khi ấy tôi đã hơn 60 tuổi, tôi phải về quê để tang mẹ. Tôi đi xe khách, lên xe từ 12h trưa tại Kon Tum nhưng đến hơn 6h tối mới về đến TP Quảng Ngãi (khoảng 150km).
Con đường nhỏ bé, vừa xóc, vừa lắc, nên về đến bến xe tôi không thể đứng dậy được. Hôm nay, ngồi trên xe ngắm hàng thông bạt ngàn, dưới những đám mây trắng, đường đẹp, đi về đều khỏe".
Nhớ lại thời điểm khi làm con đường, ông Phan Mười, Giám đốc Sở GTVT Kon Tum thốt lên: "Chưa bao giờ tôi thấy công tác giải phóng đền bù gian nan, khó khăn như khi thực hiện dự án nâng cấp quốc lộ 24.
Khó nhất là đoạn nằm sát TP Kon Tum và ngay ở giữa thị trấn Măng Đen, được coi như "Đà Lạt thứ hai" của Tây Nguyên".
Theo ông Mười, khó khăn nhất là khi thực hiện đền bù gần xong thì Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực, ngành giao thông và chính quyền địa phương lại phải làm lại quy trình từ đầu.
Đơn cử, tại huyện Kon Rẫy, đầu năm 2014, mọi quy trình đền bù giải phóng mặt bằng đã xong. Chủ đầu tư bàn giao cho hội đồng bồi thường huyện hồ sơ và hướng tuyến để lên phương án theo đúng trình tự.
Tuy nhiên, đến ngày 1/7/2014, Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành. Ngày 19/9/2014, UBND tỉnh Kon Tum ban hành quyết định quy định cụ thể một số nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn.
Hội đồng bồi thường huyện phải thực hiện lại toàn bộ quy trình, dẫn tới công tác giải phóng mặt bằng chậm tiến độ.
Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy kể: "Khi công khai mức giá đền bù, người dân phản đối. Thậm chí, có người khiếu kiện lên tận tỉnh.
Sau đó, huyện chỉ đạo ban đền bù phối hợp các xã, tách những hộ dân phản đối để đến từng nhà vận động. Sau khi đả thông tư tưởng từng hộ mới họp dân để thống nhất".
Nhưng chưa hết, trong quá trình thi công, chính quyền địa phương gặp không ít khó khăn khi người dân tiếp tục khiếu kiện, cản trở thi công với những lý do "cười ra nước mắt".
Một cán bộ phường Trường Chinh, TP Kon Tum kể lại, năm 2014, gia đình chị Nguyễn Thị H (làng Kon Tu 2, phường Trường Chinh) khiếu nại về việc thi công cầu Chà Mòn làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của bốn người lớn và hai cháu nhỏ gia đình chị.
Bụi xi măng, đất, mùi hôi thối của các lỗ khoan bùn khiến nhà cửa, vườn tược bị bồi lấp, đàn vịt cả nghìn con chết mất khoảng 300 con… Tuy nhiên, thực tế thì hoàn toàn không phải vậy.
"Nhà thầu dùng xi măng tươi để thi công, xe trộn xi măng dọc đường, đến nơi bơm qua vùi đổ luôn, lấy đâu ra bụi. Nền đất khu vực này là đất đỏ bazan, đất đó làm gì có mùi hôi thối…", vị này lý giải.
Làm ngày chưa đủ, làm bù ban đêm
Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên quốc lộ 24 từ Quảng Ngãi đến Kon Tum, gồm hai dự án thành phần được thực hiện từ năm 2020. Trong đó, dự án thành phần 1 dài hơn 10km qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi đã hoàn thành vào tháng 8/2021 (vốn đầu tư 150 tỷ đồng).
Dự án thành phần 2 (vốn đầu tư 850 tỷ đồng, do Sở GTVT Kon Tum làm chủ đầu tư) có chiều dài 31,3km qua Kon Tum, tiến độ yêu cầu hoàn thành tháng 12/2021. Tuy nhiên, đến giữa năm 2022, dự án vẫn chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng bị vướng.
Bộ GTVT tiếp tục chấp thuận gia hạn lần 2 đến tháng 7/2022, đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan bổ sung dây chuyền, thiết bị, tăng ca tăng kíp để đưa dự án về đích theo đúng tiến độ điều chỉnh.
Ông Bùi Hữu Trình, Phó giám đốc Công ty CP Trường Long Kon Tum cho biết, tình hình khi ấy "căng như dây đàn".
Sở GTVT Kon Tum yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu cần có giải pháp huy động bổ sung dây chuyền thảm bê tông nhựa, bổ sung trạm trộn sẵn có trên địa bàn, tận dụng tối đa thời tiết thuận lợi, tăng ca, tăng kíp. Trong khi đó, thời tiết tại Kon Tum đầu tháng 4 đã bắt đầu vào mùa mưa.
Không cách nào khác, nhà thầu phải tăng thêm mũi thi công, thêm người điều tiết giao thông vào ban đêm. Đây là tuyến đường huyết mạch nối Kon Tum với Quảng Ngãi, dự án vừa thi công vừa khai thác nên việc điều tiết, bảo đảm an toàn giao thông vô cùng quan trọng.
"Ban ngày chỉ cần các biển báo theo quy định, nhưng ban đêm mỗi mũi thi công phải bố trí thêm 2 người có đèn tín hiệu. Vì là dự án cải tạo, sửa chữa, nên có rất nhiều mũi thi công nhỏ lẻ và cách xa nhau.
Bởi vậy, chúng tôi phải tăng lên gấp 2 lần số phương tiện, máy móc. Có đêm phải điều thêm 10 công nhân chuyên làm công tác điều tiết giao thông. Rồi tranh thủ những ngày không mưa thảm bê tông nhựa, làm cả đêm…
Rất may đến cuối tháng 6/2022, chúng tôi đã hoàn thành dự án và thông tuyến vào tháng 7/2022 ngay trước mùa mưa", ông Trình kể.
Trong khi đó, đoạn đường tránh đèo Măng Đen dài 13km, dù thi công mới hoàn toàn, không có phương tiện lưu thông nhưng lại phải xẻ núi xuyên rừng già nên cũng nhiều gian nan.
Anh Nguyễn Công Anh, công nhân nhà thầu Tiên Dung kể: "Đường xẻ qua nhiều ngọn đồi, nên phải thi công cuốn chiếu, đường mở đến đâu, lán trại dựng đến đó. Có những khúc cua rất khó, công nhân phải dùng sức người để vác từng bao xi măng leo đường mòn ngược dốc.
Có những đoạn thảm bê tông xi măng nhưng lại khan hiếm nguồn nước. Nhà thầu phải đi mua chăn cũ, bao tải sợi gai để khi thảm bê tông xong xuống suối ngâm chăn, bao tải cho no nước rồi phủ lên mặt đường bể bảo quản độ ẩm".
Đến tháng 8/2023, toàn tuyến quốc lộ 24 từ Kon Tum xuống Quảng Ngãi đã hoàn thành, đẹp như dải lụa vắt qua đại ngàn rừng xanh.
Ngày 29/11/2023, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1492 phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đến năm 2045.
Theo đó, Khu du lịch Măng Đen vốn được ví như "Đà Lạt thứ 2" của Tây Nguyên sẽ được quy hoạch có diện tích hơn 90.152ha, bao gồm tổng diện tích tự nhiên của thị trấn Măng Đen và 5 xã Măng Bút, Đắk Tăng, Măng Cảnh, Hiếu và Pờ Ê, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Quốc lộ 24 đi xuyên qua trung tâm huyện, kết nối giữa Kon Tum và Quảng Ngãi, nên mục tiêu quy hoạch là phát triển Khu du lịch Măng Đen thành điểm đến hấp dẫn của vùng Tây Nguyên với các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa truyền thống.