Xe ô tô điện sẽ có giấy phép lái xe riêng từ năm 2025, ai cũng nên biết

Chương trình đào tạo xe ô tô điện khác với xe ô tô số sàn cho nên khi được cấp giấy phép lái xe ô điện thì cá nhân sẽ không được phép điều khiển xe số sàn.

Tại Thông tư 35/2024/TT-BGTVT (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025), Bộ Giao thông Vận tải đã có nội dung quy định về đào tạo và cấp giấy phép lái xe hạng B cho người lái xe số tự động, xe điện.

Cụ thể, giấy phép lái xe của xe ô tô điện sẽ ghi hạng B, kèm theo chú thích trên bằng lái là "Cấp cho người chỉ được điều khiển xe ô tô chuyển số tự động, bao gồm cả xe ô tô điện". Và bằng này có mã số là B.01.

Đồng thời chương trình đào tạo xe ô tô điện khác với xe ô tô số sàn cho nên khi được cấp giấy phép lái xe ô điện thì cá nhân sẽ không được phép điều khiển xe số sàn.

Lưu ý, trường hợp người đã có giấy phép lái xe hạng B1 số tự động cấp trước ngày 01/01/2025 sẽ được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng B, ghi là: "Cấp cho người chỉ được điều khiển xe ôtô chuyển số tự động (bao gồm cả xe ô tô điện)". Còn người đã có gấy phép lái xe hạng B1, B2 cấp trước ngày 01/01/2025 thì được đổi sang giấy phép lái xe hạng B hoặc hạng C1 và chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng cho người điều khiển máy kéo có trọng tải đến 3.500 kg

Theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực từ 1/1/2025), bằng B1 (cấp cho không hành nghề lái ôtô đến 9 chỗ ngồi; xe tải dưới 3,5 tấn) và bằng B2 (cấp cho người hành nghề lái xe điều khiển xe đến 9 chỗ ngồi; xe tải dưới 3,5 tấn) sẽ được gộp thành hạng B.

Xe ô tô điện sẽ có giấy phép lái xe riêng từ năm 2025, ai cũng nên biết (ảnh minh họa).

Xe ô tô điện sẽ có giấy phép lái xe riêng từ năm 2025, ai cũng nên biết (ảnh minh họa).

Chương trình đào tạo giấy phép lái xe dành cho ô tô điện

Cụ thể, chương trình đào tạo giấy phép lái xe dành cho ô tô điện từ ngày 1/1/2025 sẽ giống như chương trình đào tạo giấy phép lái xe hạng B của xe chuyển số tự động với những nội dung như sau:

Kiểm tra các môn học lý thuyết và học thực hành tại cơ sở đào tạo lái xe, để được xét hoàn thành khóa đào tạo, gồm:

- Kiểm tra khi kết thúc môn học lý thuyết theo bộ câu hỏi sát hạch lý thuyết, nội dung bộ câu hỏi gồm các môn học: pháp luật về giao thông đường bộ; cấu tạo và sửa chữa thông thường; đạo đức, văn hóa giao thông, phòng chống tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông, kỹ năng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; kỹ thuật lái xe; mô phỏng các tình huống giao thông.

- Kiểm tra khi kết thúc môn học thực hành lái xe với các bài thi liên hoàn, bài tiến lùi hình chữ chi và lái xe trên đường.

- Nội dung, hình thức kiểm tra khi kết thúc môn học do người đứng đầu cơ sở đào tạo lái xe quyết định. Người học lái xe được kiểm tra kết thúc môn học khi tham dự tối thiểu 70% thời gian học các môn lý thuyết; học đủ thời gian và tối thiểu 50% số km học thực hành lái xe trên sân tập lái; học đủ số km và tối thiểu 50% thời gian học thực hành lái xe trên đường.

- Điểm đánh giá kết quả học tập nội dung lý thuyết của học viên theo thang điểm 10 (từ 1 đến 10), có tính đến hàng thập phân 1 con số; đối với nội dung kiểm tra môn học thực hành lái xe với các bài thi liên hoàn được đánh giá theo Phụ lục XV ban hành kèm theo Thông tư 35/2024/TT-BGTVT.

- Xét hoàn thành khóa đào tạo: người học lái xe có 100% các bài kiểm tra khi kết thúc môn học trong chương trình đào tạo có điểm kiểm tra đạt mỗi môn học từ 5,0 điểm trở lên.

Lưu ý, quá thời hạn 1 năm kể từ ngày cơ sở đào tạo lái xe tổ chức xét hoàn thành khóa đào tạo lần đầu mà học viên không đủ điều kiện để được xét hoàn thành khóa đào tạo thì học viên phải được đào tạo lại theo khóa đào tạo mới.

Tuệ Minh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/xe-o-to-dien-se-co-giay-phep-lai-xe-rieng-tu-nam-2025-ai-cung-nen-biet-204241225164412406.htm