Xe quá khổ, quá tải ngang nhiên 'lộng hành'
Nhiều năm nay, dọc tuyến đường gần 10 km từ cầu Trà Lý (xã Tây Lương, huyện Tiền Hải, Thái Bình) đến khu công nghiệp huyện xuất hiện hàng chục chiếc xe chở vật liệu xây dựng cơi nới thùng xe, chở quá tải, ồ ạt hoạt động giữa 'thanh thiên bạch nhật', nhưng chính quyền địa phương và cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý không triệt để.
Chuyện không có gì mới đối với người dân các xã Tây Lương, thị trấn Tiền Hải, Tây Giang… khi chúng tôi đề cập đến những chiếc xe chở vật liệu xây dựng chở quá tải trọng thiết kế đang hằng ngày, hằng giờ băm nát tuyến giao thông huyết mạch của huyện. Ngoài đường hỏng, xuống cấp nghiêm trọng do chở quá tải, ngoài chuyện khói bụi khi trời nắng và lầy lội khi trời mưa, thì điều khiến bà con sinh sống dọc tuyến đường vô cùng bức xúc chính là nguy cơ rình rập do tai nạn giao thông.
Những hình ảnh, video được bà con ghi lại cho thấy, những chiếc xe có tải trọng thiết kế chuyên chở hơn 10 tấn, nhưng đã được các chủ bến bãi khu vực cầu Trà Lý cơi nới thành, thùng mỗi bên hơn nửa mét rồi chất tải vuốt cao tới đỉnh lên khoảng 30-35 tấn, lặc lè bò trên cung đường đông đúc dân cư, bỏ lại phía sau mụt mù khói bụi. Tuyến đường cánh lái xe hoạt động chạy cắt qua trước cửa UBND huyện Tiền Hải và cận kề trụ sở Công an huyện, nhưng lạ thay không bị “tuýt còi”, không bị xử lý, mặc dù hoạt động công khai giữa ban ngày, vào giờ hành chính!
Dân bức xúc vì kiến nghị nhiều nhưng không thấy chuyển biến, chỉ đến khi nguyện vọng của bà con được gửi đến Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Diên trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 14-6 vừa qua thì các bên liên quan bao gồm: Sở Giao thông vận tải, UBND huyện, Công an huyện, chính quyền các xã và khối doanh nghiệp vận tải mới tổ chức họp để triển khai tinh thần chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy.
Tại cuộc họp diễn ra sáng 2-7, có 10/12 doanh nghiệp có xe chở vật liệu xây dựng dự họp, nhưng chỉ có một ý kiến phát biểu của Công ty Hoàng Nguyên. Điều đáng nói, đây chính là Công ty chấp hành nghiêm quy định trong vận tải vật liệu xây dựng trên địa bàn khi không cơi nới thành, thùng và khá minh bạch trong hoạt động kinh doanh. Đại diện chủ doanh nghiệp này cho rằng, đã có sự không công bằng trong xử lý vi phạm xe chở quá tải thời gian dài vừa qua. Có những thời điểm, cơ quan chức năng kiểm soát, xử phạt không rốt ráo, nể nang, ưu ái xe của đơn vị này, đơn vị khác.
Cũng tại cuộc họp, phía Công an huyện giải thích cho việc không xử lý triệt để xe quá tải là do chưa được trang bị hệ thống cân tải trọng xe, rồi sự phối hợp với các đơn vị của Sở Giao thông vận tải chưa hiệu quả. Còn đại diện Sở Giao thông vận tải lại cho rằng, thời gian qua đã bố trí trạm cân tải trọng xe tại khu vực này, nhưng các xe quá tải lại né trạm, đi trên đê hoặc vào trong ngõ. Liên quan đến việc phối hợp Công an huyện Tiền Hải, phía Sở cho rằng cần phải có cuộc họp để đi đến thống nhất đơn vị nào chủ trì việc kiểm tra, xử lý xe quá tải.
Như vậy, đang có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các bên trong việc dẹp bỏ xe quá khổ, quá tải “lộng hành” ở Tiền Hải. Người dân thì cho rằng, việc xử lý những chiếc “quan tài bay” không hề khó vì hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều công khai hoạt động vào ban ngày nên rất dễ phát hiện. Tại sao không xây dựng tuyến đường riêng để chở vật liệu xây dựng ra khu công nghiệp Tiền Hải? Tại sao không xử lý vi phạm ngay tại điểm xuất phát của các doanh nghiệp? Tại sao không cưỡng chế hạ tải, cắt thùng xe? Có sự bao che, dung túng cho vi phạm của các xe chở quá tải hay không?
Rất nhiều câu hỏi băn khoăn của nhân dân gửi đến các cơ quan thực thi pháp luật của tỉnh Thái Bình và huyện Tiền Hải trong thời điểm hiện tại và cần có câu trả lời dứt khoát, thỏa đáng. Liên quan đến lộ trình xử lý xe quá tải, trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Nghiêm, Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải cho biết: “Địa phương đã thông báo thời hạn trước ngày 15-7, các chủ xe phải tự giác cắt bỏ thành thùng cơi nới, hoạt động theo đúng quy định, bảo đảm an toàn giao thông. Sau thời gian này, huyện thành lập Tổ công tác để kiểm tra, xử lý nghiêm, không có vùng cấm”.