Xe quá tải hoành hành đường HCM: Chỉ nỗ lực TTGT là không đủ
Dù Ban ATGT tỉnh Hòa Bình quyết tâm xử lý triệt để xe quá tải trên đường Hồ Chí Minh, lực lượng TTGT đã nỗ lực nhưng vẫn lực bất tòng tâm.
Vi phạm chở quá tải vẫn nóng
Trong hai ngày 25 và 26/7, có mặt trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua địa bàn các huyện Lương Sơn, Lạc Thủy và Yên Thủy (Hòa Bình), ghi nhận của PV Tạp chí GTVT là cảnh cả đoàn xe quá tải chở cát và xe công ben hoán cải chở đá... nườm nượp lưu thông trên đường.
Mỗi lần các xe này lao vun vút trên đường, người tham gia giao thông phải “dạt” sang hai bên lề để đảm bảo an toàn tính mạng.
Đó là chưa kể các loại xe này thường chở đất, đá, cát sỏi với sự che đậy sơ sài, mỗi lần như thế đá, cát sỏi bay tứ tung, vừa mất ATGT vừa làm ô nhiễm môi trường.
Một lái xe cho biết, các loại xe Hổ Vồ (Howo) 3 chân, thiết kế chỉ cho phép hơn 10 tấn nhưng hầu hết các xe đều cơi nới thành thùng, chở có "ngọn"...
Chưa kể, các xe "lai" giữa sơ mi rơ mooc và xe tải tự đổ (xe ben) được gia cố bằng những chiếc vỏ container từ 20 đến 40 feet ngày càng xuất hiện nhiều tại các mỏ đá dọc đường Hồ Chí Minh.
Một cán bộ quản lý đường Hồ Chí Minh nói, với cường độ tàn phá khủng khiếp của xe chở quá tải, quá khổ như hiện nay, không có loại đường nào chịu đựng nổi.
Đã làm hết sức, nhưng "lực bất tòng tâm"
Chánh thanh tra Sở GTVT Hòa Bình cho biết, bản thân ông rất bức xúc trước tình trạng xe quá tải hoạt động trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Khi có mặt lực lượng thanh tra giao thông thì các xe tìm mọi cách né kiểm tra thậm chí án binh bất động, nhưng vắng bóng lực lượng là xe quá tải lại chạy, trong khi đó, lực lượng thanh tra mỏng, không thể bố trí kiểm soát 24/24h.
“ Tỉnh Hòa Bình rộng, là "thủ phủ" của các mỏ vật liệu xây dựng, lực lượng TTGT của tỉnh tất tần tật chỉ có 29 người, trong khi đó phải bố trí 3 ca liên tục mất 10 người để duy trì trạm cân TC 38 đóng tại chợ Bến, huyện Lương Sơn. Do vậy gần như không có lực lượng TTKS lưu động, lợi dụng điểm yếu này, các xe quá tải thường lén lút hoạt động”, ông Điềm, Chánh TTGT Hòa Bình nói.
Ông Bùi Đức Hậu, Giám đốc Sở GTVT Hòa Bình cho biết, năm 2013 Bộ GTVT và Bộ Công an ký kết kế hoạch phối hợp 12593. Theo đó, lực lượng TTGT và CSGT phối hợp để xử lý vi phạm xe quá khổ, quá tải. Kết quả, có thời điểm giảm tới trên 90% xe quá tải.
Tuy nhiên đến cuối 2018, do sự phối hợp giữa 2 lực lượng không còn, nhất là từ khi lực lượng CSGT rút khỏi trạm cân xe nên xe quá tải bùng phát hoạt động trở lại.
“Việc không duy trì sự phối hợp giữa 2 lực lượng công an và giao thông đã dẫn tới việc giảm hiệu quả trong xử lý phương tiện chở quá tải”, ông Hậu nói.
Cũng theo ông Hậu, để xử lý xe quá tải trên đường Hồ Chí Minh, tỉnh đã chỉ đạo TTGT, CSGT trang bị cân xách tay tập trung xử lý tại các điểm mỏ, cũng như xử lý tại đầu nguồn bốc xếp. Đặc biệt, nhiều tháng nay, Sở giao TTGT duy trì trạm cân TC38 đóng tại phố Chợ Bến, xã Cao Thắng, huyện Lương Sơn, Hòa Bình hoạt động 24/24h".
“Tới đây Sở GTVT sẽ tiếp tục tuyên truyền và tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm xe quá tải ngay từ đầu nguồn bốc xếp, dù thời gian qua các lượng chức năng, chính quyền địa phương đã triển khai kế hoạch này”, ông Hậu nói.
Cũng liên quan đến việc xử lý xe quá tải hoành hoành trên đường HCM qua Hòa Bình, trao đổi qua điện thoại với PV, Đội trưởng Đội CSGT đường Hồ Chí Minh (Công an tỉnh Hòa Bình) thừa nhận nhiều chủ phương tiện và tài xế điều khiển xe tải có dấu hiệu quá khổ, cơi nới thành thùng và chở quá tải. “Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ Tạp chí GTVT, chúng tôi đã xử lý hàng chục trường hợp vi phạm”. Tuy nhiên, khi PV đề nghị cung cấp số liệu xử phạt xe chở quá tải thì vị này "khất" cung cấp sau.
Trước đó, Tạp chí GTVT đã có loạt bài phản ánh sâu vấn nạn xe quá tải, chở vật liệu xây dựng từ các mỏ đá thuộc hai huyện Lương Sơn và Lạc Thủy (Hòa Bình) tàn phá hạ tầng giao thông nhưng không bị xử lý. Ngay sau đó, Công an tỉnh và Sở GTVT Hòa Bình đã có văn bản yêu cầu CSGT và TTGT xử lý vấn đề trên.
Tạp chí GTVT sẽ tiếp tục thông tin./.