Xe tải vi phạm quy định an toàn giao thông đường sắt: Xử nghiêm và công khai
Thời gian gần đây, hàng loạt vụ việc phương tiện cơ giới (chủ yếu là xe tải) vi phạm hành lang an toàn đường sắt, làm hư hỏng thiết bị ngành đường sắt... Đáng nói, không ít trường hợp làm ảnh hưởng đến quá trình vận hành của tàu hỏa, làm chậm trễ chuyến. Thực trạng trên đặt ra 'bài toán' cho cơ quan chức năng làm gì để giải quyết dứt điểm thực trạng này.

Xe tải biển số 50H-164.14 băng qua đường sắt trên đường ngang dân sinh tại khoảng lý trình Km1623+970 (thuộc xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) rồi “chết máy” và nằm chắn ngang đường sắt vào chiều 16-4. Ảnh: Đ.Tùng
Nhiều vi phạm nguy hiểm
Trong tháng 4-2025, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã ghi nhận, xử lý nhiều hành vi vi phạm về an toàn giao thông (ATGT) đường sắt của các tài xế xe tải. Mặc dù chưa xuất hiện thiệt hại về người nhưng các vụ việc này đã làm hư hỏng tài sản ngành đường sắt, làm chậm các chuyến tàu đang lưu thông và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT).
Gần nhất, chiều 16-4, tài xế V.T.Q. điều khiển xe tải biển số 50H-164.14 di chuyển trên đường ngang dân sinh băng qua đường sắt tại khoảng lý trình Km1623+970 (đoạn thuộc xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) thì bất ngờ xe “chết máy” và nằm chắn ngang đường sắt trong hơn 1 giờ. Việc này làm ảnh hưởng thời gian di chuyển của 2 chuyến tàu SE7 và tàu HH51.
Thậm chí, tại vị trí đường ngang hợp pháp (có cần chắn tự động, có cảnh báo tự động) tại lý trình Km1684+780 (thuộc xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom), trong các ngày 9-4 và 12-4 đã xảy ra sự cố xe tải vượt qua đường sắt rồi va vào cần chắn tự động khiến cần chắn hư hỏng. Đáng nói, khi đó các đoàn tàu SE3 sắp đi qua, chuông cảnh báo đã reo, cần chắn tự động đang hạ nhưng các xe tải trên không dừng lại, mà cố băng qua dẫn tới sự cố.
Các sự việc được camera của ngành đường sắt hoặc của người dân ghi lại rồi báo cho lực lượng chức năng. Ngay trong ngày xảy ra những sự cố trên, các tài xế đều được Phòng Cảnh sát giao thông mời đến làm việc và lập biên bản vi phạm hành chính. Đặc biệt, 2 vụ việc tại lý trình Km1684+780 (xã Hố Nai 3) đã được Phòng Cảnh sát giao thông đề nghị Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh xác minh làm rõ hành vi nguy hiểm nêu trên.
Ngoài ra, theo ghi nhận của lực lượng chức năng, trong 4 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh xảy ra 2 vụ TNGT đường sắt làm 2 người chết tại huyện Xuân Lộc (ngày 11-2) và thành phố Long Khánh (ngày 13-3). Cả 2 vụ TNGT đều xảy ra giữa tàu hỏa đang di chuyển và người đi bộ tại các vị trí không có đường ngang hợp pháp lẫn đường ngang dân sinh.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền quy định về ATGT đường sắt như: phòng tránh tai nạn tại nơi giao cắt đường bộ và đường sắt; dừng lại quan sát trước khi sang đường ngang băng qua đường sắt.
Đã rà soát và có phương án đảm bảo an toàn
Trên thực tế, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã rà soát những vị trí tiềm ẩn nguy cơ TNGT đường sắt trên toàn tỉnh. Ngay giữa tháng 3-2025, Sở Xây dựng, Công an tỉnh, Công ty CP Đường sắt Sài Gòn cùng đơn vị liên quan đã kiểm tra trực tiếp tại 70 vị trí tiềm ẩn nguy cơ TNGT trên tuyến đường sắt qua Đồng Nai. Các vị trí chủ yếu tại huyện Trảng Bom (19 vị trí), thành phố Biên Hòa (18 vị trí), huyện Xuân Lộc (15 vị trí), thành phố Long Khánh (13 vị trí) và huyện Thống Nhất (5 vị trí). Trong đó gồm 57 vị trí có người gác hoặc cần chắn tự động và 13 vị trí là lối đi tự mở (có cả 2 vị trí xảy ra các sự cố vừa nêu trên).
Ngay sau khi sự việc xe tải “chết máy” xảy ra tại đường ngang dân sinh băng qua đường sắt tại khoảng lý trình Km1623+970 (xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc), vào ngày 23-4, đại diện các đơn vị gồm: Đội Cảnh sát giao thông đường sắt số 2 (Phòng 6, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an), Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, Công ty CP Đường sắt Sài Gòn và UBND xã Xuân Trường đã phối hợp tiến hành khảo sát, lắp đặt rào chắn bằng trụ bê tông để ngăn các phương tiện đường bộ qua lại đường ngang này. Đồng thời, UBND xã Xuân Trường cũng tiếp tục kiểm tra, rà soát, ngăn ngừa đường ngang dân sinh này được “tái lập”.
Ngoài ra, ngày 15-3, các cơ quan chức năng cũng rào đóng, xóa bỏ lối đi tự mở băng qua đường sắt tại lý trình Km1692+600 (đoạn hẻm 104 thuộc tổ 7, khu phố 3 băng qua tổ 9, khu phố 1, phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa) để đảm bảo an toàn khi có tàu hỏa chạy qua.
Phó giám đốc Công ty CP Đường sắt Sài Gòn Nguyễn Đình Đảng cho biết, đơn vị sẽ đảm bảo an toàn chạy tàu, công tác phòng vệ, cảnh giới, hỗ trợ công tác đảm bảo an toàn lao động trong thời gian phối hợp với các địa phương trực tiếp tham gia các hoạt động trên. Cùng với đó là phối hợp chặt chẽ với địa phương và các cơ quan chức năng Đồng Nai tổ chức tuyên truyền, giáo dục các em học sinh và người dân chấp hành tốt các quy định về đảm bảo ATGT đường sắt, giữ gìn vệ sinh môi trường dọc tuyến đường sắt qua địa phương.
Cuối tháng 4-2025, để đảm bảo ATGT dịp nghỉ Lễ 30-4, 1-5, UBND tỉnh cũng đề nghị Chi nhánh Khai thác đường sắt Sài Gòn (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) phối hợp với địa phương thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tại điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Cùng với đó, các đơn vị đường sắt sẽ phối hợp giải tỏa vi phạm hành lang an toàn đường sắt; kiểm tra, bổ sung, sửa chữa ngay các thiết bị còn thiếu hoặc hư hỏng, bảo đảm các thiết bị cảnh báo đường sắt hoạt động bình thường.
Cùng với đó, Công an tỉnh đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các phương tiện đường bộ vi phạm quy định ATGT đường sắt. Nhất là tại các vị trí đường ngang dân sinh hoặc những vị trí được cảnh giới bằng cần chắn tự động (không có người gác).