Theo trang tin Sohu, xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 Abrams do Mỹ sản xuất thực tế rất “mỏng manh”, khi đã bị Quân đội Nga tiêu diệt ngay trong lần đầu tiên tham chiến đấu vào ngày 26/2 ở mặt trận Avdiivka thuộc tỉnh Donetsk, miền Đông Ukraine.
Đây cũng là chiếc xe tăng M1A1 SA Abrams đầu tiên của Ukraine, bị Quân đội Nga tiêu diệt trên chiến trường. Quân đội Nga trước đó đã treo thưởng 5 triệu rúp cho binh sĩ nào của họ tiêu diệt hoặc bắt giữ xe tăng Leopard 2A6 hoặc M1A1 SA Abrams của Ukraine.
Theo hãng tin Nga Sputnik ngày 26/2 cho biết, chiếc xe tăng M1A1 bị tiêu diệt trên thuộc Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 47 của Ukraine, chiến đấu ở mặt trận Avdiivka. Xe tăng M1A1 của Ukraine tham gia chiến đấu trong trạng thái “rất tự tin”, không có mái che, lớp giáp bổ sung hay các biện pháp phòng thủ khác chống lại UAV.
Theo nguồn tin từ các phóng viên chiến trường Nga, khi xuất hiện trên chiến trường, chiếc M1A1 của Ukraine chủ yếu là “chạy” và đã bắn được ba viên đạn pháo, nhưng đã bị UAV của Lữ đoàn bộ binh cơ giới độc lập số 15 của Nga phát hiện, sau đó bị tấn công bởi một UAV tự sát FPV và không thể chống trả, cuối cùng bị tiêu diệt.
Theo một số thông tin, để tránh bị Nga tấn công từ trên không, xe tăng M1A1 đều được cất giấu trong hầm. Tuy nhiên khi vừa tham chiến ở phía tây bắc thành phố Avdiivka, nó đã bị UAV trinh sát của Lữ đoàn 15 phát hiện và sử dụng UAV tự sát 4 trục Eagle-10, mang đạn chống tăng tấn công phá hủy.
UAV tự sát 4 trục Eagle-10, được trang bị đạn xuyên giáp RPG-7 làm vũ khí tấn công, đã bắn trúng lớp giáp yếu nhất của xe tăng M1A1 của Ukraine. Luồng xuyên phản lực của đầu đạn PRG-7 chỉ bằng ngón tay, nhưng có thể dễ dàng xuyên thủng lớp giáp xe tăng chiến đấu chủ lực.
Với nhiệt độ lên tới hàng nghìn độ C và áp suất tới hàng nghìn atmosphere, sau khi xuyên thủng vỏ giáp xe tăng, luồng tia kim loại và các mảnh vụn của đầu đạn quét ngang bên trong tháp pháo, đốt cháy hệ thống điện tử, bộ phận ngắm và hệ thống điều khiển hỏa lực, khiến xe tăng không còn khả năng chiến đấu.
Sau khi chiếc M1A1 “nằm im bất động” sau đòn đánh đầu tiên của UAV tự sát, quân Nga sau đó tiếp tục đưa tên lửa chống tăng Kornet, bồi thêm khiến chiếc tăng tiên tiến của Ukraine bị tiêu diệt hoàn toàn. Khi bị tiêu diệt, chiếc xe tăng M1A1 chỉ cách vị trí của Nga 1,5 km.
Quân đội Ukraine cho biết, xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 SA Abrams đã được họ sử dụng tại mặt trận Avdiivka hơn một tháng và có tổng cộng 4 xe tăng loại này đã xuất hiện tại đây; nhưng không rõ kết quả chiến đấu, hay nó chỉ bí mật nằm trong hầm.
Trước đó, một chiếc xe tăng M1A1 SA Abrams khác cũng bị nghi ngờ bị hỏng, khi vào ngày 25/2, chiếc xe tăng này thấy đậu bất thường bên đường; nhưng có vết thương trên thân xe và xích xe, dường như đang chờ sửa chữa.
Xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams là vũ khí đại diện cho sức mạnh đột kích của Quân đội Mỹ. Trong chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 ở Iraq, đã tạo lên danh tiếng mạnh nhất thế giới của loại xe tăng này khi tiêu diệt nhiều xe tăng T-72 của Iraq.
Ngay cả bây giờ, hiệu suất chiến đấu toàn diện của xe tăng dòng M1A2 cải tiến vẫn ở đẳng cấp thế giới và Mỹ thậm chí còn không vội phát triển thế hệ xe tăng chiến đấu chủ lực mới. Tuy nhiên, xe tăng M1A1 SA Abrams mà Mỹ viện trợ cho Ukraine không phải là loại tốt nhất.
Phiên bản M1A1 SA là cải tiến quy mô lớn đầu tiên của xe tăng chiến đấu chủ lực M1 và tính năng của nó tương tự như xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 hiện nay đang phục vụ trong Quân đội Mỹ. Tuy nhiên xe chỉ sử dụng lớp giáp composite thông thường, không có lớp giáp hạng nặng từ uranium làm nghèo.
Khi viện trợ cho Ukraine, xe tăng M1A1 SA bị tháo hết hệ thống quan sát ngoại vi của xạ thủ; do vậy về khả năng quan sát chiến trường, hệ thống quan sát của M1A1 SA mà Ukraine nhận thậm chí còn yếu hơn xe chiến đấu bộ binh M2A2 Bradley.
Còn ưu điểm của UAV tự sát FPV là người điều khiển có thể chọn vị trí xe tăng để tấn công, thường là đánh vào phần trên hoặc phần sau của xe tăng. Giáp nóc của xe tăng thường rất mỏng, chỉ từ 20 đến 30 mm, thậm chí có thể bị súng máy cỡ nhỏ xuyên thủng và đây luôn là điểm bảo vệ yếu nhất của xe tăng.
Lớp giáp trên của xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 SA Abrams thậm chí còn yếu hơn, chỉ dày 25 mm, nên có thể dễ dàng bị xuyên thủng khi bị UAV cảm tử FPV tấn công.
Có thể sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, hệ thống phòng thủ chủ động toàn diện (từ bán cầu trên đến đỉnh tháp pháo), cũng như mái che của xe tăng, sẽ trở thành tiêu chuẩn, để bảo vệ trước các đòn đánh của UAV tự sát và tên lửa tấn công “đột nóc” như Javelin.
Kinh nghiệm thực chiến 2 năm trên chiến trường Ukraine đã chứng minh rằng, bất kỳ loại xe tăng hạng nặng nào của phương Tây trước đây được khen là “đứng đầu thế giới”, như Challenger 2, Leopard 2A6, Abrams đều bị UAV tự sát phá hủy và đều không có ngoại lệ.
Và tất cả xe tăng chiến đấu chủ lực của phương Tây được viện trợ cho Quân đội Ukraine đều không thể xuyên thủng tuyến phòng thủ chặt chẽ của Quân đội Nga, mà thay vào đó phải chịu tổn thất nặng nề.
Trong một chiến trường tràn ngập các loại vũ khí tấn công thông minh và UAV tự sát bay khắp bầu trời, các hoạt động tấn công của xe tăng và xe bọc thép trở nên rất nguy hiểm và khó khăn. Vì vậy sẽ không còn loại xe tăng nào còn được coi là có khả năng “siêu bảo vệ”.
Cùng với đó là thời đại cạnh tranh về các hệ thống điện tử, khả năng điều khiển hỏa lực phức tạp và đắt tiền, sức mạnh vượt trội, khả năng xuyên giáp tối thượng của đạn pháo và lớp giáp dày của xe tăng đã qua; các nhà quân sự thế giới cần phát triển một loại vũ khí đột kích mới cho tương lai (Nguồn ảnh: Topwar, Sputnik, CNN).
Tiến Minh (Theo Sohu)