"Toàn bộ 227 xe tăng Challenger 2 già cỗi của Anh có thể bị loại bỏ trong quá trình đánh giá về chính sách đối ngoại và quốc phòng đang được chính phủ tiến hành", tờ Times ngày 25-8 dẫn nguồn tin chính phủ Anh cho hay.
Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh Anh được cho là đang muốn từ bỏ các đơn vị thiết giáp hạng nặng để chuyển sang đầu tư cho tác chiến trên không và không gian mạng.
Một số chuyên gia cho rằng các trận chiến của thế kỷ 21 dự kiến diễn ra tại khu vực đô thị, nơi vai trò của công nghệ cùng tác chiến trên không gian và chiến tranh thông tin được tăng cường.
"Chúng ta biết phải thực hiện một số quyết định táo bạo để bảo vệ hợp lý an ninh của Anh và tái cân bằng lợi ích quốc phòng để đối phó với các mối đe dọa mới", nguồn tin chính phủ Anh cho biết.
Năm 2019, Penny Mordaunt, khi đó là bộ trưởng quốc phòng Anh, tuyên bố xe tăng chiến đấu chủ lực Anh "đã lỗi thời" trong chiến tranh thời đại mới.
"Challenger 2 được biên chế mà không trải qua lần nâng cấp lớn nào kể từ năm 1998. Trong khi đó, Mỹ, Đức và Đan Mạch triển khai hai đợt nâng cấp lớn, Nga cho ra mắt 5 biến thể mới và mẫu thứ 6 đang chờ ra mắt", ông Mordaunt nói.
Anh sở hữu chỉ hơn 200 chiếc xe tăng trong khi Nga, Mỹ và Trung Quốc là ba quốc gia sở hữu nhiều xe tăng nhất với số lượng lần lượt là 12.950, 6.333 và 5.800 chiếc.
Challenger 2 là xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) thế hệ ba của Anh, được công ty Vickers Defense Systems (nay là BAE Systems Land & Armaments) phát triển vào năm 1986, dựa trên nguyên mẫu Challenger 1 bằng thiết kế đột phá với phần lớn các bộ phận được cải tiến, chỉ khoảng 3% linh kiện có thể hoán đổi cho nhau.
Được sản xuất hàng loạt từ năm 1993, chính thức có trong biên chế quân đội Anh từ năm 1998 (hơn 400 chiếc), và Oman (38 chiếc - biến thể xuất khẩu Challenger 2E được sa mạc hóa), CR2 từng tham chiến tại Bosnia, Kosovo, Iraq và Afghanistan.
Challenger 2 dùng pháo 120mm L30A1 rãnh xoắn, tuy có ưu điểm cho sơ tốc đầu nòng cao, bắn chính xác nhưng dễ bị mài mòn, khó chế tạo hơn pháo nòng trơn.
Tháp pháo có khả năng quay 360 độ trong 9 giây; pháo chính L30A1 được trang bị nhiều loại đạn, như đạn xuyên ổn định bằng cánh đuôi có ốp giữ tự hủy (APFSDS L23); đạn dùng thanh xuyên uranium nghèo (APFSDS L26); và đạn nổ nén (HESH) để tấn công công sự và các xe thiết giáp, tầm bắn đến 8km, đã chứng minh hiệu quả trong các nhiệm vụ chống xung đột, chống khủng bố và gìn giữ hòa bình.
Hỏa lực phụ gồm súng máy đồng trục L94A1 cỡ 7,62mm bên trái tháp pháo với tốc độ bắn 520-550 viên/phút, súng máy L37A2 7.62mm (hoặc cỡ 12,7mm) xe bên trên tháp pháo, có thể điều khiển từ bên trong xe.
Ngoài việc được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến được số hóa trong gói Ứng dụng hệ thống thông tin chiến trường (PBISA) do Công ty Computing Devices của Canada cung cấp, gồm màn hình cho chỉ huy, hệ thống dẫn đường quán tính, CR2 còn được tích hợp hàng loạt hệ thống điện tử hỗ trợ tác chiến, cho phép kíp xe hoạt động hiệu quả hơn.
Challenger 2 có chiều dài 8,3m không tính nòng pháo, rộng 3,5m, cao 2,49m, có trọng lượng khoảng 69 tấn khi sẵn sàng chiến đấu, sử dụng động cơ diesel Perkins CV12 TCA Condor công suất 1.216 mã lực cùng hộp số 8 cấp và hệ thống treo khí nén cho phép đạt tốc độ 60km/h trên đường bằng phẳng, nhiên liệu dự trữ 1.592 lít cho hành trình 550 km, kíp lái 4 người.
Xe tăng của Anh nổi tiếng với độ tin cậy cơ học, được mệnh danh là một trong những loại xe tăng chủ lực hiện đại nhất thế giới hiện nay và giữ danh hiệu xe tăng có giáp bảo vệ tốt nhất hành tinh.
Trong chiến tranh Iraq năm 2003, không một chiếc Challenger 2 nào bị phá hủy hoàn toàn, trong khi một số xe tăng M1 Abram của Mỹ đã bị hỏa lực Iraq bắn cháy. Một chiếc Challenger 2 đã hứng chịu 14 phát RPG-7 ở cự ly gần cùng một quả tên lửa chống tăng MILAN gây hư hỏng hệ thống trinh sát; kíp lái an toàn sau vụ tấn công, còn chiếc tăng chỉ mất 6 giờ để sửa chữa hệ thống ngắm trước khi trở lại phục vụ. Một Challenger 2 khác cũng bị bắn đến 70 phát RPG-7 gần Basra nhưng vô sự. Đây là một kỳ tích mà chưa có bất cứ chiếc xe tăng nào khác làm được.
Việt Hùng