Một trong những tính năng chính của xe tăng đó là hỏa lực, Sprut-SDM1 được trang bị pháo nòng trơn 125 mm, sử dụng chung loại đạn với xe tăng T-90. Ngoài ra, nòng còn dùng để phóng tên lửa chống tăng có điều khiển, điều mà không phải loại xe tăng nào kể trên cũng có được.
Việc trang bị cho một chiếc xe tăng hạng nhẹ, chỉ có trọng lượng 18 tấn, một pháo của xe tăng chiến đấu chủ lực T-90, đòi hỏi phải có những giải pháp kỹ thuật cao, và người Nga đã làm hoàn hảo việc này. Ảnh: Pháo tăng 2A46M5 trang bị trên xe tăng T-90. Nguồn: Topwar
Các nhà thiết kế Nga đã bỏ loa giảm giật đầu nòng, để khi bắn tên lửa dẫn đường chống tăng, việc khí thuốc đập vào loa giảm giật, có thể dẫn đến việc tên lửa bị mất điều khiển bằng tia laser; thứ hai là là khi khí thuốc qua loa giảm giật, hướng sang hai bên và ra phía sau, gây nguy hiểm cho lực lượng bộ binh ngồi trên thành xe.
Các kỹ sư Nga đã áp dụng phương pháp lùi ngắn, độ lùi của pháo tối đa là 760 mm và nhờ sử dụng hệ thống treo khí nén, được đưa vào thiết kế của khung, để hấp thụ xung lực khi giật của pháo.
Sprut-SDM1 là một loại xe tăng có cấu hình rộng, trái với không gian chật hẹp trong các loại xe tăng của Nga; được thiết kế theo đơn đặt hàng của Lực lượng Dù, do đó nó có thể vận chuyển bằng máy bay vận tải quân sự, hoặc bằng cách thả dù; nên xe vừa tiếp đất, có thể chiến đấu được ngay.
Một ưu điểm nữa của xe tăng Sprut-SDM1 là nó có thể bơi với sóng biển đến cấp 3, tốc độ bơi tối đa là 9 km/h nhờ sử dụng hai vòi phun nước ở phía sau; nên rất phù hợp sử dụng làm hỏa lực cho các phân đội lính thủy đánh bộ.
Một đặc tính cực kỳ hữu ích khác của chiếc xe tăng này đã được phát hiện gần đây là nó có khả năng hoạt động với hiệu suất cao trên khu vực có địa hình cao; hiện nay trên thế giới chỉ có xe tăng hạng nhẹ Type-15 của Trung Quốc và Tulpar của Thổ Nhĩ Kỳ, hiện đang được sản xuất. Ảnh: Xe tăng hạng nhẹ Type-15. Nguồn: Sina
Khi cuộc đụng độ Trung - Ấn xảy ra gần đây, loại xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S của Ấn Độ hoàn toàn không phù hợp, khi cơ động ở những con đường ở độ cao 5.000 mét, giữa các rặng núi và hẻm núi. Và loại xe tăng sử dụng ở đây phải bắn được ở góc tầm rất cao và rất thấp. Ảnh: Xe tăng T-90 của Ấn Độ - Nguồn: Wikipedia.
Do đó một phái đoàn quân sự Ấn Độ đã khẩn trương đến thăm Moscow để đàm phán mua xe tăng hạng nhẹ Sprut-SDM1. Hơn nữa, người Ấn Độ không hề "lăn tăn" trước thực tế là các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước của loại xe tăng này vẫn chưa hoàn thành và nó vẫn chưa được quân đội Nga chấp nhận đưa vào biên chế.
Tuy nhiên danh tiếng của chiếc xe này đã được khẳng định; năm 2005 Sprut-SD được đưa vào trang bị, nên loại xe này được nhiều người biết đến, SDM1 là bản nâng cấp của Sprut-SD, trong đó nhiều thiết bị được tăng cường và hiện đại hóa đáng kể.
Sprut-SDM1 có thể là phương tiện hỗ trợ hỏa lực tốt ở địa hình núi cao; với tốc độ cao, khả năng cơ động tuyệt vời do sử dụng động cơ mạnh mẽ; hệ thống treo hiệu quả và trọng lượng rất nhẹ.
Về hỏa lực, xe được trang bị pháo có góc nâng lớn, cơ số đạn 40 viên, dùng hệ thống nạp đạn tự động, có thể phóng tên lửa có điều khiển qua nòng pháo. Thiết bị ngắm bắn cho phép tiêu diệt mục tiêu vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày và trong bất kỳ thời tiết nào, kể cả sương mù dày đặc, điều này không hiếm gặp ở vùng núi.
Về vũ khí phụ, Sprut-SDM1 được trang bị một súng máy hạng nặng 12,7 mm, được điều khiển từ xa; dùng để bắn máy bay bay thấp, nhất là máy bay không người lái và yểm trợ hỏa lực, tiêu diệt các mục tiêu mặt đất; kíp xe gồm ba người (trưởng xe, lái xe và pháo thủ).
Điểm yếu của Sprut-SDM1 là lớp giáp bảo vệ mỏng, chỉ có thể chống lại được đạn đến cỡ 12,7 mm và mảnh bom, pháo; đây là do yêu cầu của lực lượng đổ bộ đường không để xe có thể "nhảy dù"; để tăng cường khả năng bảo vệ, xe được trang bị các ống lựu đạn khói ngụy trang, ngoài tạo màn khói thông thường, còn có khả năng ngụy trang bằng radar và hồng ngoại.
Hiện nay Việt Nam còn trang bị xe tăng hạng nhẹ PT-76, đây là loại xe tăng được phát triển từ sau thế chiến 2, hỏa lực chính là pháo 76,2 mm. Hiện loại PT-76 đã hết hết tiềm năng hiện đại hóa, khó đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại. Ảnh: Xe tăng PT-76 của Hải quân nhân dân Việt Nam - Nguồn: QPVN
Do vậy mẫu xe tăng Sprut-SDM1 là phương tiện lý tưởng để thay thế PT-76, rất phù hợp với địa hình của Việt Nam, nhất là trang bị cho các phân đội hải quân đánh bộ và phòng thủ đảo cũng như chiến đấu ở vùng núi cao, địa hình hiểm trở khu vực phía bắc và Tây Nguyên.
Video Xem xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 của Nga "lặn" như tàu ngầm - Nguồn: QPVN
Tiến Minh