Xe tăng Leopard 2PL có giúp Ba Lan cự nổi Armata Nga?
Leopard 2PL được coi là mẫu xe tăng chủ lực hiện đại nhất của Quân đội Ba Lan hiện nay với sức mạnh vượt trội các mẫu nâng cấp T-72.
Trong kho xe tăng của Quân đội Ba Lan hiện nay, ngoài 4 tiểu đoàn xe tăng PT-91 Twardy (gói nâng cấp T-72M1 của Ba Lan) và 3 tiểu đoàn trang bị xe tăng T-72M1 thế hệ cũ, thì chiếm đa số trang bị tăng của nước này là 11 tiểu đoàn xe tăng Leopard 2A5 và Leopard 2PL. Trong đó, mẫu Leopard 2PL được xem là loại hiện đại nhất với giáp AMAP và pháo chính 120mm L44.
Năm 2002, nhằm giúp đỡ Quân đội Ba Lan tăng cường sức mạnh quân sự cân xứng dần với khối NATO, Đức đã tặng cho nước này 128 chiếc Leopard 2A4 nằm trong các kho lưu trữ. Sau đó, năm 2013, Đức ký hợp đồng bán cho Ba Lan thêm 14 chiếc Leopard 2A4 và 105 chiếc Leopard 2A5 sản xuất mới cùng xe cứu kéo bọc thép Bergepanzer 2.
Năm 2015, Bộ Quốc phòng Ba Lan đã chọn nhà thầu Rheinmetall, Cộng hòa Liên bang Đức nâng cấp toàn bộ các xe tăng Leopard 2A4 lên chuẩn Leopard 2PL hiện đại hơn. Nguyên mẫu xe tăng Leopard 2PL chính thức ra mắt đầu năm nay.
Việc nâng cấp các xe tăng Leopard 2A4 lên chuẩn Leopard 2PL được thực hiện gần như đồng thời với việc Nga ra mắt xe tăng thế hệ mới T-14 Armata. Với đường biên giới chung với Nga, và nay lại là nước trong liên minh NATO, có lẽ giới chức Ba Lan lo xa tìm kiếm mẫu xe tăng mới đủ sức đối chọi với T-90 và T-14 Armata.
Xe tăng Leopard 2PL gần như tương tự gói nâng cấp Revolution MBT dành cho dòng xe tăng Leopard 2 của Rheinmetall. Gói này cải tiến mạnh giáp bảo vệ, pháo chính, hệ thống điều khiển hỏa lực.
Về giáp bảo vệ, xe tăng Leopard 2PL được trang bị module giáp composite AMAP được phát triển bởi công ty IBD Deusebroth. AMAP được làm từ vật liệu gốm nano và hợp kim nhôm thép đem lại sự bảo vệ cao cho tháp pháo Leopard 2PL so với Leopard 2A5, dù vậy nó vẫn kém cấp độ bảo vệ của Leopard 2A7. Các module giáp này có thể thay thế trong điều kiện dã chiến khi bị hư hại.
Tuy nhiên, phần thân xe dường như không được nâng cấp, vẫn là vỏ giáp công nghệ xe tăng Leopard 2A4 ra đời từ những năm 1980. Các chuyên gia bình luận rằng, giáp của Leopard 2A4 không thể đấu lại với đạn xuyên giáp APFSDS thế hệ mới, mà các xe tăng của Nga như T-90A, T-14 Armata được trang bị. Điều đó có nghĩa là, ngoài phần tháp pháo thì thân xe tăng Leopard 2PL không thể chống lại được đạn 125mm APFSDS của tăng Nga.
Gói nâng cấp này khiến cho trọng lượng của Leopard 2PL lên tới 60 tấn, nặng hơn một chút so với 56,6 tấn của Leopard 2A4. Khoảng 3 tấn đó là của module giáp AMAP bổ sung vào tháp pháo và giáp tăng cường bổ sung và hai bên hông xe.
Về khả năng cơ động, Leopard 2PL được trang bị động cơ diesel tuabin tăng áp MTU MB-837 Ka501 công suất 1.500 mã lực và động cơ phụ APU cung cấp điện cho hệ thống trên xe khi động cơ chính ngừng hoạt động. Tuy dùng động cơ mới nhưng tốc độ của Leopard 2PL vẫn tương đương Leopard 2A4 do trọng lượng lớn hơn, tốc độ cao nhất 72km/h, tầm hoạt động 500km, lội nước (có chuẩn bị) sâu 4m.
Về mặt hỏa lực, Leopard 2PL trang bị pháo nòng trơn 120mm L44 của Leopard 2A4 nhưng sử dụng đạn áp lực cao thế hệ mới của Rheinmetall, như đạn thuốc nổ mạnh định giờ nổ trên không DM11 có thể dùng để chống bộ binh, chống xe bọc thép và trực thăng. Ngoài ra, còn có đạn xuyên giáp năng lượng cao DM53 và DM63. Tuy nhiên, không rõ sức xuyên của loại đạn này liệu có đủ sức hạ gục T-90 hay Armata.
Đáng tiếc là Leopard 2PL không sử dụng máy nạp đạn tự động, nhưng cơ số đạn lên tới 57 viên với 42 viên trong xe và 15 viên nằm ở đuôi tháp pháo trong ngăn an toàn. Đạn trong xe cũng được bố trí tách rời với kíp lại đem lại khả năng sống sót cao hơn cho binh sĩ khi bị trúng đạn.
Hệ thống điều khiển hỏa lực của xe khá hiện đại với chế độ Hunter-Killer có thể tác chiến với nhiều mục tiêu một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, Leopard 2PL thiếu hệ thống quản lý chiến trường.