Xe tăng phương Tây có quá nặng nề?

Đối mặt với nhiều mối đe dọa, khả năng bảo vệ xe tăng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trở nên nghiêm ngặt hơn, thậm chí phải đánh đổi bằng tính cơ động. Điều đó cũng khiến xe tăng trở nên nặng nề.

Lý do khiến xe tăng nặng nề hơn

Kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai, trọng lượng xe tăng đã tăng lên đáng kể. Chiếc M4 Sherman được quân đội Mỹ và các nước đồng minh Tây Âu sử dụng trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai nặng chưa đến 30 tấn, thì nay xe tăng M1A2 Abrams nặng 66 tấn trong phiên bản mới nhất.

Xe tăng là sự cân bằng giữa hỏa lực, khả năng cơ động và khả năng bảo vệ. Các tính năng đã phát triển đáng kể nhờ công nghệ. Về mặt vũ khí, pháo 75mm chậm chạp của xe tăng M4 Sherman không là gì so với pháo 120mm của xe tăng Abrams, loại pháo tiêu chuẩn của NATO hiện nay. Pháo 75mm chỉ đạt được tốc độ 40km/giờ trong khi pháo 120mm đạt được tốc độ gần 70km/giờ. M4 Sherman có thể bị hầu hết các loại pháo của đối phương bắn thủng mặc dù có lớp giáp kim loại dày 50mm ở phía trước. Trong khi đó, một phần xe tăng Abrams được chế tạo bằng các tấm uranium nghèo, khiến việc xuyên thủng trở nên khó khăn hơn, tăng cơ hội sống sót cho kíp lái.

Nhưng trong sự cân bằng tinh tế giữa hỏa lực, tính cơ động và khả năng bảo vệ thì tiêu chí “khả năng bảo vệ” thực sự chiếm nhiều không gian hơn (và trọng lượng hơn), gây bất lợi cho hai tiêu chí đầu tiên. “Xe tăng đã tăng thêm khoảng 15 tấn trọng lượng trong 25 năm qua”, Marc Chassillan, tác giả của cuốn sách về lịch sử xe tăng Leclerc và là một chuyên gia về xe bọc thép, ước tính.

 Xe tăng Leclerc của Quân đội Pháp nặng 56 tấn so với gần 40 tấn của xe tăng tiền nhiệm AMX-30B2 Brenus. Ảnh: SIPA

Xe tăng Leclerc của Quân đội Pháp nặng 56 tấn so với gần 40 tấn của xe tăng tiền nhiệm AMX-30B2 Brenus. Ảnh: SIPA

Theo ông Marc Chassillan, trong một thời gian dài, xe tăng phải chiến đấu với xe tăng khác, do đó lớp giáp được tập trung ở phía trước. Cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan lại dấy lên mối đe dọa từ thiết bị nổ tự chế và hỏa lực từ súng phóng lựu chống tăng. Dù các loại thiết bị này không đủ để phá hủy xe tăng, nhưng đủ sức vô hiệu hóa nó. Do đó, phần thân xe, phía sau và hai bên hông xe tăng cần được bảo vệ tốt hơn và được bao phủ bằng lưới tản nhiệt và thiết bị gây nhiễu vô tuyến.

Xung đột quân sự ở Ukraine hiện nay làm nổi bật điểm yếu của xe tăng khi bị tấn công từ trên không. Máy bay không người lái (UAV) có giá vài trăm USD có thể phóng lựu đạn hoặc tự phát nổ trên những chiếc xe bọc thép trị giá hàng nghìn, thậm chí hàng triệu USD. Do đó, lưới chống UAV đã được dựng lên trên các tháp pháo. “Chúng tôi đã chuyển từ bảo vệ trực diện sang bảo vệ 3D trước các đòn tấn công từ mọi phía”, Marc Chassillan tóm tắt. Lồng bảo vệ, áo giáp dày hơn, tháp pháo điều khiển từ xa... Tất cả những thay đổi và bổ sung này nhằm bảo vệ xe tăng trước các mối đe dọa mới đã khiến chúng trở nên nặng hơn.

Những trở ngại lớn

Đối với những gã khổng lồ thép, một số con đường khiến chúng không thể vượt qua được. Được triển khai tới Romania như một phần của nhiệm vụ Eagle, quân đội Pháp đã phải đi đường vòng trong một thời gian dài từ khu vực dỡ hàng bằng đường sắt dành cho xe bọc thép ở Pháp tới căn cứ quân sự Cincu ở Romania. Nguyên nhân là do một cây cầu trên tuyến đường nhanh nhất không thể chịu được trọng lượng 56 tấn của xe tăng Leclerc. Tại Ba Lan, xe tăng của Mỹ đã đâm vào một cây cầu với nguyên nhân tương tự.

“Việc di chuyển quân nhân và thiết bị quân sự trong Liên minh châu Âu (EU) hiện đang bị cản trở về vật chất, pháp lý và quy định, bao gồm cơ sở hạ tầng không thể chịu được trọng lượng của một chiếc xe quân sự hoặc gánh nặng về thủ tục hải quan và các thủ tục khác”, một báo cáo của EU hồi năm 2017 từng cảnh báo.

Đầu năm 2025, một báo cáo từ Tòa án Kiểm toán châu Âu cho biết, ngân sách 1,69 tỷ euro cho giai đoạn 2021-2027 là quá ít ỏi khiến EU không đủ kinh phí để cải tạo các cơ sở cảng, đường sá và công trình kỹ thuật - một bước thiết yếu để nhanh chóng chuyển lực lượng thiết giáp từ Tây sang Đông. Do đó, “Khu vực phòng thủ Schengen” dường như vẫn còn rất xa vời và những rắc rối về mặt hành chính tại biên giới vẫn còn rất nhiều. Ví dụ như xe tăng Leclerc có đầy đủ giấy tờ nhưng vẫn bị đình chỉ tại Đức do các xe vận chuyển xe tăng có số trục không tuân thủ theo luật pháp của quốc gia đi qua,…

Bên cạnh đó, việc tăng trọng lượng của xe tăng cũng dẫn đến một vấn đề đau đầu về mặt hậu cần. Với những xe tăng nặng hơn cần có xe tải, xe kéo và xe chở hàng nặng hơn để vận chuyển chúng. Chưa hết, mức tiêu thụ nhiên liệu cũng tăng vọt, đặc biệt khi quân đội Pháp phải di chuyển quãng đường gần 2.000km đến Estonia cùng với người, thiết bị và đạn dược.

Xe tăng nhỏ hơn được hỗ trợ công nghệ đang chiếm ưu thế

Khi Tập đoàn quốc phòng, hàng không và vũ trụ của Mỹ General Dynamics giới thiệu phiên bản mới nhất của xe tăng M1A2 SEPv4 Abrams với trọng lượng hơn 70 tấn khi tham chiến, Quân đội Mỹ đã bác bỏ hoàn toàn dự án trên. Sau đó, nhà sản xuất đã thay đổi phiên bản trên và giới thiệu xe tăng Abrams-X có trọng lượng dưới 50 tấn. Ngoài ra, General Dynamics cũng giới thiệu thêm một nguyên mẫu khác là M10 Booker. Được giới thiệu là “xe chiến đấu” nặng 38 tấn, M10 Booker được trang bị pháo 105mm.

Trong khi đó, Ấn Độ cũng phát triển Zorawar, một xe tăng hạng nhẹ 25 tấn với kíp lái gồm ba người.

“Với lớp giáp ít hơn, xe tăng sẽ sống sót nhờ lớp phủ tàng hình, các biện pháp đối phó như tia laser làm mù tầm nhìn của kẻ thù và khả năng chủ động bảo vệ. Hệ thống này có khả năng phát hiện ra phát bắn đạn pháo nhắm vào xe tăng, từ đó tự dẫn một lượng thuốc nổ vào đầu đạn để phá hủy đạn pháo trên đường bay. Một hệ thống được lắp đặt trên xe tăng Merkava của Israel đã chứng minh được hiệu quả trên”, ông Marc Chassillan giải thích.

Một ưu điểm khác giúp giảm trọng lượng là tháp pháo có thể được điều khiển hoàn toàn từ xa trong tương lai gần, giống như trường hợp trên các nguyên mẫu xe tăng T-14 Armata của Nga. Nhờ đó, kíp lái sẽ an toàn hơn. Ngoài ra, bánh xích composite cũng có thể thay thế bánh xích kim loại, “giảm 50% trọng lượng và giảm 30% mức tiêu thụ nhiên liệu”.

Cuối cùng, khi phải đối mặt với nhiều mối đe dọa khác nhau, xe tăng sẽ không phải chiến đấu một mình. Nó sẽ được hộ tống bởi một hoặc nhiều xe bọc thép và xe xích cùng với các loại vũ khí khác, như: Tên lửa đất đối không, tên lửa đất đối đất, pháo laser, UAV...

Một số xe tăng còn có thể được hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ robot, tùy thuộc vào nhiệm vụ. Đây cũng chính là tham vọng trong dự án hợp tác chung của Pháp và Đức nhằm chế tạo ra xe tăng chiến đấu tương lai (MGCS). MGCS là dự án được Đức và Pháp khởi động vào năm 2017 để thay thế xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 và Leclerc hiện tại của họ. Theo đó, MGCS không chỉ có một xe tăng chiến đấu, mà bao gồm tổ hợp những phương tiện hỗ trợ có và không có người lái. Công nghệ laser và trí tuệ nhân tạo (AI) cũng sẽ được phát triển trên MGCS.

PHƯƠNG LINH (theo Le Point)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/xe-tang-phuong-tay-co-qua-nang-ne-821883