Dù giáp mỏng hơn nhưng xe tăng M4 Sherman của Mỹ vẫn chiếm ưu thế trên chiến trường trước lực lượng thiết giáp của Đức Quốc xã nhờ áp đảo về số lượng và tính cơ động cao.
M4 Sherman là dòng xe tăng hạng trung nổi tiếng của Mỹ trong chiến tranh thế giới II, xuất hiện lần đầu tiên trong chiến dịch Miền Tây 1942.
Chúng góp mặt trong mọi chiến trường như Bắc Phi, Thái Bình Dương và châu Âu. Sở hữu hỏa lực khá tốt, tốc độ nhanh và bền bỉ, M4 Sherman xếp ngang hàng với xe tăng Panzer IV của phát xít Đức.
Chúng rất dễ dàng điều khiển và sửa chữa trong điều kiện chiến tranh, không gian bên trong cũng khá rộng rãi.
Có thể nói xe tăng hạng trung M4 Sherman là một trong những phương tiện chiến đấu mang tính biểu tượng nhất của Thế chiến thứ 2, đồng thời đánh dấu di sản quân sự của Mỹ tại chiến trường châu Âu. Nó không chỉ là chiếc xe tăng xuất sắc trên chiến trường, mà còn cả chuỗi cung cấp tài chính, sản xuất và hậu cần.
Thước đo để xác định một chiếc xe tăng tốt không chỉ ở khả năng tác chiến, nó còn đến từ quá trình chế tạo.
Với nhiều yếu tố, M4 Sherrman đã chứng tỏ xứng đáng với danh hiệu cỗ máy chiến tranh tốt nhất Thế chiến thứ 2.
M4 Sherman có quy mô sản xuất lớn, với gần 53.500 xe được xuất xưởng trong giai đoạn Thế chiến thứ 2. Đây cũng chính là mẫu xe tăng được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử quân đội Mỹ.
Để so sánh, mẫu xe tăng Tiger I của Đức chỉ được sản xuất dưới 1.500 chiếc và Tiger II có ít hơn 500 chiếc ở cùng thời điểm đó. Các nhà máy của Mỹ đã tiêu chuẩn hóa xe tăng, phối hợp làm việc và chỉ sản xuất với đơn hàng số lượng lớn.
M4 Sherman được trang bị pháo chính 75 mm (hoặc 76 mm) với cơ số đạn tương ứng là 90 và 71 viên; súng máy hạng nặng M2HB 12,7 mm với cơ số đạn 500 viên, 2 súng máy M1919A4 7,8 mm với cơ số đạn 4.750 viên.
Xe sử dụng động cơ Wright R-975 Whirlwind 9 xylanh bố trí hình tròn làm mát bằng không khí với công suất 400 mã lực, đây là loại động cơ chạy bằng xăng. Xe tăng nặng 30 tấn, tốc độ tối đa là 38,5 km/giờ với tổ lái gồm 5 người cùng bán kính hoạt động chỉ hơn 190km.
Ban đầu, M4 Sherman không phải là mẫu xe tăng dùng để hỗ trợ bộ binh. Nhưng khi vào cuộc chiến, nó đã làm rất tốt việc đó.
Có thể nói, đây là mẫu xe tăng có khả năng tham gia mọi hình thức chiến đấu. Thiết kế của xe tập trung vào sự cơ động và hỏa lực mạnh, đặc biệt là khả năng tấn công nhanh vào hậu phương của quân địch.
Chi phí luôn là yếu tố quan trọng đáng xem xét trong bất kỳ cuộc chiến nào. Mỗi quốc gia đều có nguồn tài nguyên hữu hạn, Mỹ cũng không ngoại lệ. Một thế mạnh của M4 Sherman là nó khá rẻ so với những mẫu xe tăng cùng hạng khác, giá bán chưa đến 1 triệu USD.
Điều này trái ngược với những chiếc Tiger I hay Tiger II của Đức, vốn đắt đỏ và tiêu tốn nhiều vật liệu. Với giá bán rẻ, quân Đồng minh có thể dễ dàng đầu tư một số lượng lớn M4 Sherman.
M4 Sherman nổi tiếng có độ bền cao. Điều này giúp tăng niềm tin của kíp lái vào phương tiện, duy trì tinh thần sẵn sàng chiến đấu.
M4 Sherman cũng dễ sửa chữa và phục hồi. Trong trận chiến, xe tăng bị vô hiệu hóa không có nghĩa là bị phá hủy hoàn toàn. Chúng vẫn có thể được đưa về hậu phương và sửa chữa. Khả năng phục hồi và trở lại chiến đấu là một trong những yếu tố đã được xem xét khi thiết kế. M4 Sherman được xem là xuất sắc trong việc này.
Trong khi sai lầm của người Đức là cố gắng tạo ra nhiều thiết kế mới và đắt tiền, M4 Sherman lại được xây dựng trên một nền tảng dễ nâng cấp, có thể cải tiến thành nhiều biến thể. Cùng nền tảng của M4 Sherman có thể tạo ra những mẫu xe bọc thép, xe chống tăng và pháo tự hành.
Có tổng cộng 7 biến thể của mẫu xe tăng hạng trung này, gồm M4, M4 A1, M4 A2, M4 A3, M4 A4, M4 A5 và M4 A6. Điều này rút ngắn thời gian và chi phí sản xuất. Chiếc xe có thể dễ dàng thay đổi bánh răng, dễ nâng cấp họng súng, tăng giáp và nhiều trang bị khác.
Dù tồn tại nhiều điểm yếu nhưng xe tăng Sherman vẫn là lực lượng chủ chốt cho quân đội Mỹ trên chiến trường. Cũng giống như dòng T-34 của Liên Xô, điều tạo nên sức mạnh của chúng không đến từ pháo chính hay giáp bảo vệ mà chính là số lượng.
Trên chiến trường khốc liệt, dù yếu thế hơn xe tăng Đức nhưng M4 Sherman vô cùng hiệu quả khi hoạt động theo nhóm nhờ sự cơ động và tính linh hoạt cao.
Ở Mặt trận phía Tây trong Thế chiến thứ 2 khi Mỹ sử dụng số lượng và sự cơ động của những chiếc M4 đã đè bẹp chất lượng của tăng-thiết giáp Đức, vốn được trang bị hỏa lực mạnh hơn nhưng số lượng ít, tốc độ chậm và khó sửa chữa hay bảo dưỡng.
Trong thế chiến thứ 2, M4 Sherman cũng được trang bị cho quân đội các nước Đồng Minh khác như Anh với 17.000 chiếc, Pháp hơn 600 chiếc và ngay cả Liên Xô cũng nhận được hơn 4.000 chiếc do Mỹ viện trợ. Hình ảnh lính Hồng quân Liên Xô đang điều khiển xe tăng M4.
Về sau, M4 cũng góp mặt trong nhiều cuộc xung đột như Chiến tranh Triều Tiên, Chiến tranh 6 Ngày năm 1967 và Chiến tranh Yom Kippur năm 1973.
Việt Hùng