Xe Trung Quốc tại Triển lãm Ô Tô Việt Nam 2024 đẹp, nhưng người Việt chưa mặn mà

Triển lãm Ô tô Việt Nam 2024 ghi nhận sự vắng mặt của nhiều thương hiệu lớn như: Ford, Mazda,... tạo cơ hội cho các hãng xe Trung Quốc như BYD, GAC và MG tỏa sáng. Các thương hiệu này đã thu hút sự chú ý với nhiều mẫu xe mới, thiết kế ấn tượng và có giá thành cạnh tranh. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng Việt Nam vẫn lo ngại về chất lượng và độ tin cậy của xe Trung Quốc.

Gây chú ý với quy mô và nhiều xe mới hiện đại

Tại Triển lãm Ô tô Việt Nam 2024 các thương hiệu như BYD, GAC và MG đã chiếm lĩnh không gian trưng bày với những gian hàng rộng lớn, mang đến cho khách tham quan một trải nghiệm phong phú và đa dạng về các mẫu xe với đủ mọi chủng loại khác nhau. Sự xuất hiện mạnh mẽ của các mẫu xe Trung Quốc không chỉ thu hút ánh nhìn mà còn khơi dậy làn sóng tò mò của khách tham quan. Những sản phẩm này được khen ngợi không chỉ vì thiết kế bắt mắt, công nghệ tiên tiến mà còn nhờ vào mức giá rất cạnh tranh.

Trong đó, một trong những yếu tố đầu tiên thu hút sự chú ý của khách tham quan tại Triển lãm Ô tô Việt Nam 2024 chính là thiết kế ấn tượng của các mẫu xe Trung Quốc. Nhiều thương hiệu đã mạnh dạn đầu tư vào việc phát triển những sản phẩm có ngoại hình bắt mắt và hiện đại, thậm chí một số dòng xe còn sở hữu phong cách thiết kế khá tương đồng với những mẫu xe đến từ châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Sự đầu tư này không chỉ giúp các xe Trung Quốc nổi bật tại triển lãm mà còn tạo ra cảm giác lấn át trước các mẫu xe đến từ các thương hiệu Nhật Bản. Điều này làm tăng khả năng cạnh tranh của xe Trung Quốc trên thị trường Việt Nam, nơi mà người tiêu dùng luôn chú trọng đến yếu tố ngoại hình như một trong những lý do then chốt, để đưa ra quyết định mua sắm.

Bên cạnh thiết kế, hàm lượng công nghệ trong các mẫu xe Trung Quốc cũng là một điểm mạnh đáng chú ý. Nhiều mẫu xe được trang bị hàng loạt tính năng tiện ích, từ giải trí đến công nghệ an toàn hiện đại như: Cửa sổ trời toàn cảnh, sạc không dây, phanh tay điện tử, cùng màn hình lớn tích hợp Apple CarPlay và Android Auto không dây.

Bên cạnh các tiện ích, các công nghệ an toàn cao cấp cũng được trang bị cho xe, ví dụ: Phanh tự động, hành trình thích ứng, đèn thông minh… Rõ ràng, điều này đáp ứng đúng với nhu cầu thực tế của người tiêu dùng Việt Nam.

Honda Civic e:HEV RS mẫu sedan hạng C Hybrid vừa mới được ra mắt.

Honda Civic e:HEV RS mẫu sedan hạng C Hybrid vừa mới được ra mắt.

Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của xe điện Trung Quốc trong những năm gần đây, đã mang đến một làn gió mới không chỉ cho thị trường ô tô Việt Nam, mà còn cho toàn khu vực. Điều này đã tạo ra một sự cạnh tranh mạnh mẽ và giúp thúc đẩy sự phát triển của xe điện trong tương lai. Minh chứng rõ nét nhất, chính là các thương hiệu lớn đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc hiện nay cũng đã bắt đầu giới thiệu các mẫu xe hybrid và xe điện vào thị trường nội địa, nhằm chuẩn bị cho việc chuyển dịch từ xe sử dụng động cơ truyền thống, sang các xe năng lượng mới thân thiện với môi trường.

Tại triển lãm năm nay, hàng loạt mẫu xe điện chủ yếu đến từ Trung Quốc đã gây ấn tượng mạnh mẽ với khách tham quan nhờ vào khả năng tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải. Những sản phẩm này không chỉ thể hiện cam kết của các nhà sản xuất trong việc phát triển công nghệ xanh, mà còn phản ánh xu hướng toàn cầu.

Ngoài ra, một yếu tố không thể bỏ qua chính là giá bán của các mẫu xe Trung Quốc. Với chiến lược giá bán rẻ, các thương hiệu xe Trung Quốc dễ dàng thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đang phải trải qua những giai đoạn khó khăn, kể từ khi bước qua đại dịch. Nhiều mẫu xe được niêm yết với mức giá thấp hơn so với các đối thủ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay châu Âu. Điều này đánh vào tâm lý khách hàng, khiến họ cảm thấy có thể sở hữu một chiếc xe tốt với mức giá thành hợp lý.

Anh Quang, một chủ doanh nghiệp tại quận 7, TP.HCM, chia sẻ: "Xe Trung Quốc công nhận rất rẻ. Chẳng hạn, chiếc GAC M8 thuộc cùng phân khúc với Toyota Alphard phiên bản xăng, bản cao nhất của M8 chỉ có giá 2,2 tỷ đồng, nếu so sánh với đối thủ, xe đều được trang bị tương tự về công nghệ, tiện ích và khả năng vận hành, nhưng giá bán của Alphard lên tới gần 4,44 tỷ đồng, chưa kể đến việc số lượng xe khá hạn chế, có thể phải mua thêm gói phụ kiện mới nhận được xe. Ngược lại, đối với mẫu GAC M8, thậm chí đại lý còn sẵn sàng giảm thêm giá cho khách hàng nếu mua tại sự kiện năm nay".

Anh Quang tiếp tục chia sẻ đầy hào hứng về giá bán: “Ví dụ, chiếc GAC M6 Pro ra mắt hôm nay có giá 699 triệu đồng cho phiên bản 1.5 Turbo GS, thấp hơn bản xăng của Innova Cross tới 110 triệu đồng. Cả hai đều là xe 7 chỗ, dẫn động cầu trước, và đều có gói an toàn ADAS. Các bạn sale còn nói nếu mua xe trong thời điểm cuối năm, dù không phải ngay tại sự kiện hôm nay, mình sẽ vẫn được giảm thêm tiền mặt và tặng các phụ kiện như dán kính, trải sàn, camera hành trình... Nếu là chủ doanh nghiệp, mua xe cho anh em đi thị trường thì tiết kiệm 110 triệu sẽ đỡ gánh nặng tài chính nhiều.”

Tuy nhiên, anh Quang chia sẻ thêm: "Chính sự cạnh tranh về giá cũng làm dấy lên những nghi ngờ về chất lượng sản phẩm. Chúng tôi có thể dễ dàng bị thu hút bởi mức giá thấp của sản phẩm, nhưng trong vẫn cảm thấy e dè khi nghĩ đến việc lựa chọn và đặt niềm tin vào một chiếc xe có xuất xứ từ Trung Quốc".

Giá tốt, thiết kế đẹp và nhiều công nghệ , nhưng người Việt vẫn chưa mặn mà

Mặc dù sự quan tâm và hào hứng dành cho các mẫu xe Trung Quốc tại Triển lãm năm nay là rõ ràng, nhưng người tiêu dùng Việt Nam đa phần vẫn không khỏi lo lắng và nghi ngại. Một trong những lý do chính là vấn đề chất lượng và độ tin cậy của sản phẩm.

Trong quá khứ, đã có nhiều bài học nhãn tiền của Trung Quốc, bao gồm từ việc xe bị lỗi kỹ thuật, đến dịch vụ sau bán hàng kém chất lượng, khiến nhiều khách hàng có cảm giác bị "lừa dối’’ bởi kiểu kinh doanh "mua đứt bán đoạn’’. Điều này, vô hình chung đã để lại ấn tượng không tốt trong lòng đa số người tiêu dùng Việt Nam. Chính vì vậy, nhiều khách hàng vẫn cảm thấy e dè khi nghĩ đến việc xuống tiền cho một chiếc xe Trung Quốc, nhất là khi phương tiện ô tô cho đến nay vẫn là một tài sản rất lớn đối với đa phần người dân.

Anh Phong, một cư dân sống tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, cho biết: “Bấy lâu nay tôi chỉ thấy các video về xe Trung Quốc trên mạng, nhân tiện sự kiện lần này diễn ra nên ghé qua xem thực tế ra sao. Là người trẻ, tôi chú trọng phần giá bán, thiết kế đẹp và tiện ích công nghệ. Xe Trung Quốc thực sự đáp ứng tốt các yếu tố đó. Những trang bị như cửa sổ trời, sạc không dây, màn hình lớn, ghế chỉnh điện, cần số và phanh tay điện tử, hệ thống loa cao cấp... trong tầm giá trên 700 triệu đồng, với xe Trung Quốc, gần như là trang tiêu chuẩn”.

Anh Phong cũng chia sẻ thêm: "Thực tế, ô tô Trung Quốc đã có mặt ở Việt Nam từ lâu. Giờ đây, nhiều dòng xe tải, xe đầu kéo, và xe van tải đều là xe Trung Quốc. Tuy nhiên, xe du lịch thì trước đây cũng quảng bá rầm rộ lắm nhưng rồi mất hút. Trước đây, các doanh nghiệp tư nhân nhập xe từ Trung Quốc về rồi bán cho người Việt, mua bán xong là hết trách nhiệm. Khi xe hỏng, phụ tùng thay thế cũng khó kiếm, còn bảo hành thì không được đảm bảo, thông tin này tôi đọc thấy trên các hội nhóm và diễn đàn. Giờ thì mẫy hãng xe Trung Quốc có showroom đàng hoàng, rõ ràng và minh bạch hơn, nhưng không biết sau này có như vậy không? Chỉ có thời gian với trả lời được!".

Anh Phong tiếp tục: "Ví dụ như hãng Chery đó! Trước đây đã vào Việt Nam rồi, cũng nhiều người mua rồi, nhưng rồi một thời gian ngắn cũng biến mất. Bây giờ quay lại phân phối Omoda và Jaecoo, ai không biết thì tưởng hãng xe mới, nhưng hóa ra đều là từ một chủ. Giờ mất niềm tin rồi, ai giám mua?…”.

Hệ thống dịch vụ sau bán hàng của các thương hiệu Trung Quốc, hiện cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề. Mặc dù đã có những cải tiến đáng kể, nhưng vẫn còn không ít thách thức trong việc cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo trì và thay thế phụ tùng cho xe. Tình trạng này một lần nữa, khiến tâm lý khách hàng cảm thấy không yên tâm khi lựa chọn xe Trung Quốc.

Liên quan đến xe điện, hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam của các đơn vị này, hiện nay vẫn đang nằm trong giai đoạn lên kế hoạch hoặc thậm chí là thăm dò thị trường, chưa có những chính sách đầu tư cụ thể, quyết liệt và nhanh chóng. Đây lại là một yếu tố quan trọng nữa, ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng.

Dẫn chứng là sau khi mắt các dòng xe BYD vào hồi tháng 7/2024, lãnh đạo của BYD cũng trả lời giới truyền thông rằng ''Hãng xe điện BYD, sẽ không tập trung xây dựng hạng tầng trạm sạc tại Việt Nam. Mà thay vào đó, khách hàng sẽ sạc xe tại nhà, đại lý hoặc sử dụng của bên thứ ba.'' Bài viết trên VOV đã phản ánh trước đó, độc giả có thể tìm kiếm thêm thông tin tại đây.

Những khách hàng mong muốn sở hữu xe điện Trung Quốc, sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng về khả năng tiếp cận các trạm sạc cũng như việc duy trì xe trong tình trạng tốt nhất. Sự thiếu hụt về hạ tầng sạc không chỉ làm giảm sự hấp dẫn của xe điện Trung Quốc, mà còn tăng thêm sự nghi ngại về tính khả thi về việc sử dụng những mẫu xe này trong đời sống hàng ngày.

Tính thanh khoản kém

Một vấn đề lớn khác chính là tính thanh khoản của xe Trung Quốc trên thị trường. Việc tiêu thụ lại xe cũ từ các thương hiệu này đang gặp phải vô vàn khó khăn, đặc biệt là khi giá trị thương hiệu chưa được khẳng định.

Một ví dụ điển hình có thể kể đến là chiếc Zotye Z8L 7 chỗ, từng gây chú ý khi ra mắt với giá lăn bánh tại Hà Nội vào năm 2020 khoảng 750 triệu đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các mẫu xe này có số lượng đăng tin bán xe khá hiếm trên các sàn giao dịch ô tô cũ. Có chăng, cũng chỉ xuất hiện vài thông tin và mức giá dao động từ 390-400 triệu đồng, chưa qua quá trình thỏa thuận giữa người mua và người bán.

Điều này phản ánh rõ ràng sự mất giá nhanh chóng của các dòng xe Trung Quốc trên thị trường Việt Nam, cũng như sự e dè của người tiêu dùng khi mua lại các mẫu xe đã qua sử dụng. Chính yếu tố này, càng làm dấy lên những lo ngại về tính thanh khoản của xe Trung Quốc, khiến nhiều người phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định xuống tiền mua xe mới. Đặc biệt là đối với các mẫu xe điện, giá trị khấu hao có thể cao hơn do công nghệ nhanh chóng thay đổi.

Quay trở lại với câu chuyện lựa chọn xe của anh Quang tại Triển lãm Ô tô Việt Nam, anh chia sẻ thêm: "Giá cả của xe Trung Quốc thật sự rất hấp dẫn, nhưng tôi vẫn còn nhiều lo ngại. Đặc biệt, việc vay vốn ngân hàng để mua các dòng xe Trung Quốc như GAC hay BYD hiện tại không phải là điều dễ dàng. Tôi không chắc ngân hàng nào sẵn lòng cho vay với các thương hiệu này. Nếu có vay được thì thường là qua các tổ chức tín dụng nhỏ, hoặc nếu vay từ ngân hàng thì lãi suất cũng khá cao. Ngoài ra, ngân hàng thường yêu cầu mua thêm bảo hiểm khoản vay cho các xe Trung Quốc, khiến tổng chi phí tăng lên đáng kể".

Những lo lắng của anh Quang, cũng phản ánh những khó khăn khi cần tới sự hỗ trợ tài chính để mua xe Trung Quốc. Yếu tố này, một lần nữa kìm hãm quyết định lựa chọn xe của anh.

Tổng kết

Triển lãm Ô tô Việt Nam 2024 đã mở ra một trang mới đầy hứa hẹn cho các mẫu xe Trung Quốc. Sự tò mò của khách tham quan là không thể phủ nhận, tuy nhiên những nghi ngờ và lo lắng về chất lượng sản phẩm, dịch vụ sau bán hàng và tính thanh khoản vẫn đang là rào cản lớn kìm chặt sự phát triển của các thương hiệu này tại Việt Nam.

Để có thể chiếm lĩnh được thị trường, các thương hiệu Trung Quốc cũng cần phải thực sự "nghiêm túc’’ với thị trường Việt Nam. Không ngừng cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ hậu mãi, đồng thời xây dựng lòng tin với người tiêu dùng. Chỉ khi nào những nghi ngại, được xóa mờ, sự tò mò với có thể biến thành quyết định mua sắm thực tế và nâng cao vị thế của xe Trung Quốc trên thị trường ô tô Việt Nam.

Hà Minh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/o-to-xe-may/o-to/xe-trung-quoc-tai-trien-lam-o-to-viet-nam-2024-dep-nhung-nguoi-viet-chua-man-ma-post1130760.vov