Xe trưởng phòng Nghệ An đâm chết người: Tài xế trốn... chối tội?
Sau khi xảy ra tai nạn chết người, nhiều nhân chứng cho biết đã nhìn thấy người trông giống Trưởng phòng TN&MT huyện Quế Phong rời khỏi hiện trường, một người phụ nữ nhận điều khiển xe tai nạn. Vậy có phải tài xế bỏ trốn để chối tội?
Vụ TNGT xảy ra vào khoảng 15h ngày 4/7 tại xã Tiền Phong, huyện Quế Phong, Nghệ An, giữa xe bán tải biển kiếm soát 37C-100.26 với xe máy khiến một người tử vong. Tài xế xe bán tải đã trốn khỏi hiện trường. Sau đó, một người phụ nữ đứng ra nhận là người điều khiển chiếc xe này.
Đáng nói, theo mô tả của nhiều nhân chứng, người lái xe trước đó bỏ đi là nam giới, có đặc điểm giống ông Lữ Văn Tiến, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường của huyện này. Ông Tiến cũng là chủ xe bán tải gây tai nạn.
Dư luận dấy lên nghi vấn, liệu ai thực sự cầm lái, người đàn ông bỏ trốn để chối tội, thay vào đó là một người khác “thế thân” chịu tội thay?
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho hay, dư luận có quyền đặt ra các câu hỏi về việc ông Lữ Văn Tiến trốn khỏi hiện trường nhằm chối tội đâm chết người và dùng người khác thay mình chịu lỗi.
Dư luận nghi ngờ cũng là điều dễ hiểu bởi vừa qua có nhiều vụ tai nạn xảy ra, tài xế đã bỏ trốn, không đưa người bị nạn đi cấp cứu dẫn đến tử vong, trong đó có nhiều quan chức, lãnh đạo của nhiều tỉnh.
Tuy nhiên, tất cả các yếu tố đó đều là nghi vấn, còn chính xác cần dựa vào kết quả điều tra của cảnh sát giao thông.
Công an điều tra và cảnh sát giao thông sẽ có những nghiệp vụ thông qua hình ảnh, người làm chứng để xác minh rõ ai là người gây ra tai nạn, nguyên nhân tai nạn thế nào, lỗi do ai. Ngoài việc lập biên bản, nếu có dấu hiệu tội phạm như tài xế vi phạm tốc độ, uống rượu bia khi lái xe… sẽ khởi tố vụ án.
“Khoảng 70% các vụ tai nạn giao thông gây ra chết người sẽ khởi tố vụ án, trừ trường hợp lỗi do người bị hại gây nên, và người bị nạn đã tử vong” – Luật sư Trần Minh Cường nhấn mạnh.
Đối với trường hợp tài xế chạy trốn để chối tội, sau đó dùng người khác “thế mạng”, chịu tội thay do lợi ích nào đó như tiền, quan hệ… Nếu cơ quan điều tra xác định chính xác có tình trạng này, người gây tai nạn giao thông ngoài các điều tra, xem xét tội gây tai nạn nghiệm trọng còn bị tăng nặng hình phạt. Người nhận tội thay cũng sẽ bị khởi tố hình sự cùng vụ án vì tội che dấu tội phạm, không tố giác tội phạm hoặc khai gian dối.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Hồng Giang, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc ông Lữ Văn Tiến có bỏ trốn hay không, ai cầm lái gây ra tai nạn,bỏ trốn nhằm chối tội... vấn đề này thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra.
Người dân làm chứng khi sự việc xảy ra khẳng định thấy ông này rời khỏi hiện trường, nhưng họ không khẳng định ông Tiến có cầm lái; có gây ra tai nạn hay không; trên xe có mấy người;... Với nghiệp vụ điều tra, công an có thể dễ dàng phát hiện ra người phụ nữ hay ông Tiến cầm lái. Vậy nên, chúng ta phải dựa vào kết quả điều tra của công an mới xác định được chính xác người gây tai nạn.
Đối với các khung hình phạt theo luật sư Trần Minh Cường có thể áp dụng như sau: Vụ việc gây tai nạn này vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Trong đó, với hậu quả làm chết người sẽ bị phạt tiền từ 30 – 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.
Ngoài ra, có thể xem xét tình tiết tăng nặng là bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn, hoặc nhờ người nhận tội thay. Theo đó, hành vi này có thể bị phạt tù từ 3 - 10 năm theo quy định tại khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017.
Đồng thời, trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng còn xác định xem khi lái xe gây tai nạn, người cầm lái có GPLX không, có sử dụng rượu, bia, chất ma túy hoặc chất kích thích khác không…
Đối với hành vi nhận tội thay người khác là vi phạm pháp luật hình sự, được quy định tại Bộ luật Hình sự hiện hành. Đó là tội che giấu tội phạm (Điều 18) hoặc tội không tố giác tội phạm (Điều 19) hoặc tội khai báo gian dối (Điều 382) của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Khung hình phạt tương ứng đối với hành vi nhận tội thay là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
Hiện vụ nghi Trưởng phòng Nghệ An đâm chết người bỏ trốn đang được điều tra, làm rõ.