Xe tự hành của NASA đặt mẫu vật đầu tiên lên bề mặt Sao Hỏa

Ống mẫu vật đầu tiên được xe tự hành Perseverance đặt trên bề mặt Sao Hỏa. Nguồn: NASA

Xe tự hành Perseverance của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) mới đây đã đặt một mẫu đá lên trên bề mặt Sao Hỏa, đánh dấu một bước đi lịch sử trong chương trình của NASA đưa mẫu vật từ hành tinh này trở về Trái Đất.

Mẫu đá được cất trong một ống titan và đặt lên bề mặt Sao Hỏa ngày 21/12. Dự kiến trong 2 tháng tới, xe tự hành sẽ đặt tổng cộng 10 ống chứa mẫu vật lên trên bề mặt Sao Hỏa, từ đó xây dựng kho mẫu vật đầu tiên của loài người trên hành tinh khác.

Theo chương trình đưa mẫu vật từ Sao Hỏa về Trái Đất, xe tự hành sẽ đem mẫu vật đến một tàu đổ bộ.

Tàu đổ bộ này sẽ sử dụng một cánh tay robot để đặt mẫu vật vào khoang chứa trên một tên lửa nhỏ và tên lửa này sau đó được phóng vào quỹ đạo Sao Hỏa, nơi một tàu vũ trụ khác sẽ thu lấy hộp chứa mẫu vật và mang về Trái Đất an toàn.

Kho mẫu vật này sẽ đóng vai trò hỗ trợ khi xe tự hành không vận chuyển được các mẫu vật. Trong trường hợp đó, một cặp trực thăng sẽ được huy động để hoàn tất công việc.

Xe tự hành Perseverance được phóng từ bang Florida (Mỹ) vào ngày 30/7/2020 và đáp an toàn xuống Sao Hỏa vào tháng 2/2021. Mục tiêu chính trong sứ mệnh trên Sao Hỏa của xe tự hành Perseverance là lĩnh vực sinh vật học vũ trụ, bao gồm tìm kiếm các dấu hiệu sự sống của vi khuẩn cổ đại.

Perseverance là xe tự hành đầu tiên mang hệ thống lưu mẫu vật lên Sao Hỏa. Trong sứ mệnh tương lai, hệ thống này sẽ chịu trách nhiệm đóng gói các mẫu vật tiềm năng để đưa về Trái Đất.

* Cũng liên quan đến hoạt động khám phá Sao Hỏa của NASA, mới đây cơ quan này đã nói lời tạm biệt với tàu đổ bộ InSight - tàu robot thăm dò đầu tiên được thiết kế đặc biệt để nghiên cứu phần sâu bên trong Sao Hỏa, qua đó kết thúc sứ mệnh kéo dài 4 năm của tàu này trên "Hành tinh Đỏ"

Trong một tuyên bố, NASA cho biết bộ phận phụ trách sứ mệnh của tàu InSight đã 2 lần liên tiếp không thể liên lạc với tàu này, dẫn đến kết luận rằng pin năng lượng Mặt Trời của tàu đã cạn kiệt.

NASA khẳng định InSight có thể ngừng hoạt động, nhưng di sản mà con tàu để lại, cùng với những khám phá quan trọng từ sâu bên trong Sao Hỏa, sẽ mãi tồn tại.

Theo NASA, các chuyên gia sẽ tiếp tục theo dõi các tín hiệu từ tàu đổ bộ, dù biết điều này khó xảy ra do bụi Sao Hỏa tích tụ ngày càng nhiều trên 2 tấm pin mặt trời của tàu làm cạn kiệt năng lượng. InSight là 1 trong 4 tàu đang thực hiện sứ mệnh khám phá Sao Hỏa, cùng với các tàu tự hành Perseverance và Curiosity của Mỹ và tàu Zhurong của Trung Quốc.

Tàu InSight đổ bộ lên Sao Hỏa vào tháng 11/2018 với các thiết bị được thiết kế để phát hiện âm thanh địa chấn của hành tinh này.

Các nhà nghiên cứu cho biết dữ liệu của InSight đã hé lộ độ dày của lớp vỏ bên ngoài, kích thước, mật độ của lõi bên trong và cấu trúc của lớp phủ nằm ở giữa của Sao Hỏa.

Một trong những thành tựu chính của InSight là chứng minh rằng “Hành tinh Đỏ” thực sự đang có các hoạt động địa chấn, ghi lại hơn 1.300 trận động đất.

Đầu năm nay, NASA đã cố gắng mở rộng sứ mệnh của InSight bằng cách sử dụng cánh tay robot và một công cụ nhỏ để nhẹ nhàng lau sạch bụi bám trên các tấm pin năng lượng Mặt Trời. Lần gần nhất InSight liên lạc với Trái Đất là cách đây 1 tuần.

Sao Hỏa là một sa mạc lạnh giá, nơi thời tiết bị chi phối bởi những đám bụi xoáy. Trong suốt thời gian InSight hoạt động trên Sao Hỏa, con tàu đã phải đương đầu với những cơn bão bụi.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/291640/xe-tu-hanh-cua-nasa-dat-mau-vat-dau-tien-len-be-mat-sao-hoa.html