Xe tuk-tuk thành 'nhà máy điện ảo' ở Bangladesh

Một start-up ở Bangladesh đang phát triển loại xe điện sử dụng pin thông minh, có khả năng hỗ trợ giải quyết nhu cầu năng lượng ngày càng tăng tại nước này.

Đường phố Dhaka, thủ đô Bangladesh, luôn tràn ngập tiếng ồn. Giữa những tiếng còi xe, tiếng ôtô gầm rú và xe kéo chạy rầm rầm, du khách có thể nghe thấy tiếng kêu của những chiếc “taxi ba bánh”, được gọi là tuk-tuk.

Trong bối cảnh hỗn loạn, công ty SOLshare phát hiện ra cơ hội mới. Start-up này có kế hoạch khai thác khoảng 2,5 triệu xe tuk-tuk điện và biến chúng thành “nhà máy điện ảo”, theo CNN.

“Khi trở lại gara vào cuối đêm, (xe tuk-tuk) thường còn khoảng 30% pin. Nếu phương tiện này có thể cung cấp điện trở lại hệ thống khi nhu cầu thực sự cao, điều đó thật tuyệt vời”, bà Salma Islam, người đứng đầu các dự án tại SOLshare, cho biết.

Ý tưởng sáng

SOLshare có thể tính toán chính xác lượng điện còn lại trong những chiếc xe tuk-tuk nhờ làm việc với các gara địa phương nhằm nâng cấp ắc quy axit-chì thông thường thành ắc quy lithium-ion thông minh. Thiết bị này được trang bị chip kỹ thuật số, giúp thu thập dữ liệu về hiệu suất, vị trí và mức sạc pin.

Theo SOLshare, lượng điện còn lại trong xe tuk-tuk có thể cung cấp tới 20% năng lượng cho Bangladesh khi nhu cầu ở mức cao nhất. Sau đó, chúng sẽ nạp điện vào ban đêm khi nhu cầu lưới điện thấp nhất.

Công ty hy vọng rằng nguồn cung năng lượng di động này có thể giúp ổn định mạng lưới năng lượng của Bangladesh và thúc đẩy phát triển kinh tế.

“Nhu cầu không ngừng tăng lên vì dân số đang gia tăng, và khi sinh kế của người dân tốt hơn, nhu cầu năng lượng của họ cũng tăng lên”, bà Islam nói.

 Muhammad Delwar Hossain - lái xe tuk-tuk - đang trải nghiệm sản phẩm của SOLshare. Ảnh: CNN.

Muhammad Delwar Hossain - lái xe tuk-tuk - đang trải nghiệm sản phẩm của SOLshare. Ảnh: CNN.

SOLshare đã ra mắt chương trình thí điểm SOLmobility vào năm 2021. Trong đó, công ty hợp tác với 15 gara xe tuk-tuk để nâng cấp pin của khoảng 40 chiếc xe và bắt đầu thu thập dữ liệu về quãng đường và hoạt động của chúng.

Bà Islam cho biết pin thông minh sử dụng năng lượng ít hơn 40% so với pin axit-chì. Việc sạc đầy pin lithium-ion chỉ mất 6 giờ, tương đương khoảng một nửa thời gian của pin axit-chì. Pin lithium-ion cũng nhẹ và hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, dù loại ắc quy mới đắt gấp đôi so với ắc quy axit-chì, chúng có tuổi thọ cao hơn gấp 5 lần.

Muhammad Delwar Hossain, lái xe tuk-tuk ở vùng ngoại ô Dhaka, bắt đầu sử dụng pin thông minh của SOLshare vào năm 2022. Anh nói rằng loại pin này giúp tăng thu nhập hàng tháng của mình lên 50% nhờ thực hiện nhiều chuyến đi hơn trong một lần sạc. Anh cũng cảm thấy sức khỏe được cải thiện vì không còn hít phải khói độc phát ra từ pin axit-chì.

Tia sáng trong bóng tối

Tham vọng của SOLshare không chỉ nằm ở những chiếc xe tuk-tuk. Công ty này muốn chuyển đổi toàn bộ ngành năng lượng của Bangladesh.

Vào năm 2015, SOLshare bắt đầu xây dựng các lưới điện siêu nhỏ chạy bằng năng lượng mặt trời giúp các hộ gia đình thiếu tấm quang năng có thể mua năng lượng dư thừa từ gia đình khác, bằng cách sử dụng hệ thống nạp di động, dùng đến đâu trả tiền đến đó.

Tính đến nay, công ty này đã lắp đặt 118 lưới điện siêu nhỏ trên toàn quốc và huy động được 6 triệu USD. SOLshare cũng lắp đặt hệ thống bảng điều khiển năng lượng mặt trời cho các hộ gia đình và tòa nhà thương mại.

Theo bà Islam, việc tăng cường sử dụng năng lượng mặt trời có thể giúp Bangladesh giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Những lưới điện siêu nhỏ này thậm chí có thể cung cấp năng lượng dư thừa trở lại lưới điện quốc gia.

 Dự án của SOLshare được kỳ vọng hỗ trợ cuộc khủng hoảng năng lượng tại Bangladesh và lan rộng ra nhiều quốc gia. Ảnh: CNN.

Dự án của SOLshare được kỳ vọng hỗ trợ cuộc khủng hoảng năng lượng tại Bangladesh và lan rộng ra nhiều quốc gia. Ảnh: CNN.

Ý tưởng đổi mới của SOLshare xuất hiện vào thời điểm then chốt với ngành năng lượng của Bangladesh.

“Mùa hè năm 2022, chúng tôi gặp sự cố lưới điện nghiêm trọng, khiến mọi người mở rộng tầm nhìn”, đại diện công ty cho biết.

Trên khắp Bangladesh, các hộ gia đình thường xuyên phải trải qua tình trạng mất điện luân phiên để giảm áp lực hệ thống. Vào tháng 10/2022, quốc gia này trải qua đợt mất điện lớn nhất trong 8 năm, khi lưới điện quốc gia bị hỏng khiến 96 triệu người chìm trong bóng tối, theo Financial Post.

Năng lượng tái tạo chỉ chiếm 3,5% nguồn năng lượng của Bangladesh. Quốc gia này nằm ở vùng trũng thấp và là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước tình trạng biến đổi khí hậu, với các hệ lụy như lũ lụt, hạn hán và bão. Do đó, việc tìm ra một giải pháp bền vững hỗ trợ nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của nước này rất quan trọng.

Sonia Bashir Kabir, người sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm SBK Tech Ventures của Bangladesh và là nhà đầu tư của SOLshare, cho rằng start-up này “đã đi trước thời đại” và sẽ đón nhận nhiều cơ hội hơn trong 5 năm tới.

“Chính phủ đang nghiêm túc xem xét vấn đề khí hậu. Điều đó có nghĩa các chính sách sẽ thuận lợi hơn”, bà nhận định.

Bangladesh không phải quốc gia duy nhất gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng. Sự gián đoạn nguồn cung dầu và khí đốt trong suốt năm 2022 đã gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, thúc đẩy một cuộc cách mạng tái tạo, với năng lượng mặt trời và gió tăng nhanh hơn 30% so với dự kiến.

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, năng lượng tái tạo sẽ chiếm hơn 90% lượng điện gia tăng trên toàn cầu trong 5 năm tới, vượt qua than đá và trở thành nguồn điện lớn nhất vào đầu năm 2025.

SOLshare đang tiếp tục nâng cấp nhiều xe tuk-tuk hơn, cũng như làm việc với các nhà sản xuất pin để cài đặt trực tiếp chip kỹ thuật số của họ vào pin.

Thông qua các dự án khác nhau, bà Islam hy vọng công ty có thể lan rộng mô hình đến các quốc gia có phương tiện tương tự, chẳng hạn Thái Lan và Ấn Độ.

“Chúng tôi đang khai thác càng nhiều nguồn năng lượng tái tạo phi tập trung càng tốt và không chỉ dựa vào một lưới điện trung tâm”, bà Islam nói. “Nếu chúng tôi có thể làm điều này ngay tại Bangladesh, bạn thực sự có thể áp dụng ở bất cứ đâu”.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/xe-tuk-tuk-thanh-nha-may-dien-ao-o-bangladesh-post1421243.html