Xem công tác ứng phó với thiên tai, phòng cháy chữa cháy rừng là nhiệm vụ then chốt
Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác ứng phó với biến đổi khí hậu - phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022, vào chiều ngày 4/4.
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh, mặc dù Đồng Tháp không phải là điểm nóng chịu tác động của thiên tai, hạn hán. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu những năm gần đây diễn biến ngày càng phức tạp, Đồng Tháp cũng không nằm ngoài vòng xoáy ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt. Chính vì vậy, các ngành, địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong công tác ứng phó với thiên tai, xem đây là nhiệm vụ hàng đầu. Theo đó, cơ quan chuyên môn cần nắm sát tình hình thực tế để có dự báo kịp thời đến người dân; thay đổi phương thức hoạt động trong công tác ứng phó với niến đổi khí hậu - phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, PCCCR theo từng năm để phù hợp với tình hình mới; nâng cao công tác tuyên truyền trong nhân dân, nội bộ đơn vị; phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng chức năng trong thực hiện công tác này. Cùng với đó là kiểm tra, thống kê trang thiết bị phòng cháy chữa cháy để có những đề xuất, bổ sung phù hợp.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, các ngành, địa phương có kế hoạch, phương án di dời các hộ dân trong vành đai sạt lở đến nơi an toàn theo giai đoạn, lộ trình cụ thể.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, trên biển Đông xuất hiện 9 cơn bão và 3 đợt áp thấp nhiệt đới. Bão và áp thấp nhiệt đới tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh nhưng gây ra những đợt mưa to kèm theo sấm sét, gió mạnh làm chết 2 người, thiệt hại hoàn toàn 11 căn nhà; tốc mái, xiêu vẹo 275 căn, đổ ngã 16 cây lâu năm… Riêng trong 3 tháng đầu năm 2022, xuất hiện những đợt mưa trái mùa kèm theo dông lốc làm thiệt hại 10 căn nhà tại các huyện Hồng Ngự, Tháp Mười, Tân Hồng. Ước thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm tới nay khoảng 200 triệu đồng.
Sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, năm 2021, tổng chiều dài sạt lở khoảng 34,8km, diện tích sạt lở là 6,59ha, ước thiệt hại khoảng 18,52 tỷ đồng. Toàn tỉnh vẫn còn 6.301 hộ đang sinh sống trong vành đai có nguy cơ sạt lở, cần phải di dời đến nơi an toàn.
Đối với công tác PCCCR, năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ cháy rừng với diện tích 0,77ha. Riêng trong quý I/2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ cháy rừng tại rừng phòng hộ môi sinh Bắc Tháp Mười với diện tích 4.505m2
Ông Khương Lê Bình - Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Đồng Tháp nhận định, trong những ngày giữa tháng 4/2022 sẽ có mưa chuyển mùa, mùa mưa năm 2022 có khả năng bắt đầu vào khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5/2022, sớm hơn hàng năm khoảng 10-15 ngày, trong cơn mưa có thể kèm theo dông lốc, sấm sét, gió giật. Chính vì vậy, các địa phương cần chủ động các kế hoạch ứng phó phù hợp, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra…