Xem đánh nhau, quay clip tung lên mạng có thể phải ngồi tù tới 7 năm
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh nhiều nữ sinh mặc đồng phục thể dục của Trường THCS Lê Quý Đôn (TX.Bến Cát, Bình Dương) vây đánh một học sinh khác khá dã man. Chứng kiến sự việc, nhiều cá nhân khác không những không can ngăn mà còn đứng cổ vũ, quay clip.
Liên quan đến clip nữ sinh đánh nhau ở Bình Dương được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng, nhiều bạn được đặt câu hỏi: "Việc quay clip rồi đưa những hình ảnh đó lên mạng có vi phạm pháp luật? Hành vi này sẽ bị xử lý ra sao"?
Phân tích dươcis góc độ pháp lý, Luật sư Hoàng Huy Được - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Điều 32 BLDS 2015 quy định, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Luật này cũng nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Như vậy, trên thực tế, việc tùy tiện đưa hình ảnh của người khác lên mạng là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
"Nếu trong video clip có hành vi vi phạm pháp luật, như hành hung, đánh đập, lột quần áo, làm nhục người khác và sau khi được đưa lên mạng các cơ quan chức năng tiến hành vào cuộc xác minh thì việc đưa video lên mạng không được coi là hành vi tố cáo" - Luật sư Hoàng Huy Được nhận định.
Bởi, theo Điều 19 Luật Tố cáo năm 2018, việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Trong khi đó, người tán phát clip lên mạng thường giấu mặt. Chỉ khi người quay được clip viết đơn tố cáo và gửi kèm clip quay được đến cơ quan có thẩm quyền thì việc tố cáo đó mới hợp pháp.
Cũng theo Luật sư Hoàng Huy Được, trong những vụ đánh nhau, việc một số cá nhân không những không can ngăn mà còn cổ vũ, kích động rồi quay clip tung lên mạng thể hiện sự vô cảm, thiếu trách nhiệm, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của người khác. Thậm chí, đây có thể coi là hành vi cổ súy, kích động bạo lực.
Do đó, người phát tán hình ảnh, video sử dụng hình ảnh trái phép, xâm phạm bí mật đời tư người khác và không phù hợp với thuần phong mĩ tục có thể bị phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Về xử lý hành chính, Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định, việc đưa thông tin, hình ảnh trái phép lên mạng máy tính, cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.
Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 BLHS 2015 với mức hình phạt cao nhất lên tới 7 năm tù.
Trường hợp cá nhân quay clip rồi đưa lên mạng nếu nhằm mục đích dằn mặt, bêu riếu, lăng mạ nạn nhân trong vụ đánh nhau có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác.
"Để tránh tự đẩy mình vào vòng lao lý, mỗi cá nhân cần thận trọng trước việc đưa hình ảnh, thông tin của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào lên các trang mạng xã hội. Đối với các clip phản ánh tiêu cực, thậm chí tố cáo hành vi sai phạm pháp luật, người dân nên gửi cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trong thời gian sớm nhất để được xem xét, giải quyết kịp thời" - Luật sư Hoàng Huy Được khuyến cáo.