Xem kéo co bằng xuồng ba lá, cười vỡ bụng!
Dùng tay để chèo, nếu xuồng đối phương qua vạch kẻ ngang ở giữa là chiến thắng, mỗi xuồng 2 nam, 1 nữ. Trò chơi kéo co bằng xuồng ba lá ở Cà Mau khiến du khách ngạc nhiên thú vị.
Trò chơi kéo co trên xuồng ba lá vừa được tổ chức trong khuôn khổ của sự kiện “Cà Mau - Điểm đến 2022” vừa được tổ chức tại xã Đất Mũi, H.Ngọc Hiển.
Tham gia trò chơi, các đội tham gia thi đấu loại trực tiếp. Mỗi đội có 3 vận động viên (2 nam, 1 nữ) ngồi trên một chiếc xuồng ba lá được nối với nhau sợi dây dài khoảng 5 m có điểm tâm bằng vải màu.
Sau khi nghe hiệu lệnh còi của trọng tài, các vận động viên dùng tay không để chèo, kéo xuồng ba lá của đối phương qua vạch kẻ ngang ở giữa.
Tuy nhiên, dù có kéo được đối phương nhưng nếu để xuồng của mình bị chìm thì cũng không được.
Nói về xuồng ba lá, đây là phương tiện di chuyển quen thuộc của người dân sông nước Cà Mau.
Theo người dân nơi đây, xuồng ba lá có đủ các hạng: nhỏ nhất là be bảy, rồi đếm dần lên tới be mười. Nhưng chưa hết, còn có be mười kèm, là kèm lên thêm trên hai bên be xuồng hai miếng ván nữa để tăng sức chở. Loại be mười kèm này ước có thể chở được trên dưới một tấn.
Khi một chiếc xuồng be lớn tới tuổi hư rã, người ta có thể lấy ba tấm ván o bế lại để đóng một chiếc xuồng nhỏ hơn. Cứ vậy cho tới khi nó không còn làm xuồng được nữa, thì trở thành cái bàn học cho trẻ con trong những mái trường làng, hay thậm chí thành... máng cho heo ăn.
Khi những chiếc máy đuôi tôm đầu tiên du nhập vào Cà Mau thì chiếc vỏ lãi còn chưa ra đời. Xuồng ba lá trở thành chiếc xuồng có gắn động cơ đầu tiên. Cũng chẳng phải cải tiến gì nhiều, chỉ cần cưa bớt cái mũi xuồng phía sau cho láp máy đừng vướng, gắn thêm cái bổ máy bằng gỗ, là xong.
Ghe xuồng ở mỗi vùng thường khác nhau, đôi khi khoảng cách cũng không phải xa lắm. Dân Cà Mau đi xuồng ba lá, nhưng dân Cần Thơ thì đi xuồng tam bản, loại xuồng ghép từ nhiều miếng ván, thân ngắn, dày, chắc, nặng.
Lý do là Cà Mau là vùng đất định dạng sau cùng của đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, đất ở đây còn thấp hơn, còn tranh chấp mặn - ngọt. Để giữ nước ngọt làm ruộng, lập vườn, người ta phải đắp đập, xuồng đi tới đập phải kéo qua. Xuồng ba lá nhẹ, dễ kéo. Tam bản nặng, không kéo nổi, đơn giản là vậy.
Như Nguyệt