Xem mô hình nuôi cua đồng sinh sản đầu tiên tại Hà Tĩnh

Mô hình nuôi cua đồng sinh sản tại xã Thạch Bình (TP Hà Tĩnh) cho thấy nhiều triển vọng phát triển, góp phần tạo ra nguồn con giống chủ động, chất lượng phục vụ thị trường.

Cua đồng là một trong những loài giáp xác có giá trị kinh tế và phân bố rộng rãi trong môi trường nước ngọt như: ruộng, ao, hồ, sông, suối… Những năm gần đây, mô hình nuôi cua đồng thương phẩm đã được nhiều hộ dân triển khai thực hiện tại các địa phương như: Đức Thọ, Nghi Xuân, Can Lộc, Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh. Tuy nhiên, nguồn cua giống đưa vào thả nuôi chủ yếu dựa vào khai thác từ tự nhiên nên không chủ động và tỷ lệ sống đạt thấp, ảnh hưởng lớn đến sự thành công và hiệu quả của mô hình nuôi cua thương phẩm.

 Mô hình nuôi cua đồng sinh sản tại hộ anh Ngô Hà Phương, thôn Đông Nam, xã Thạch Bình (TP Hà Tĩnh).

Mô hình nuôi cua đồng sinh sản tại hộ anh Ngô Hà Phương, thôn Đông Nam, xã Thạch Bình (TP Hà Tĩnh).

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn sản xuất, để góp phần tạo nguồn con giống chủ động, chất lượng phục vụ cho việc xây dựng và nhân rộng mô hình nuôi cua đồng thương phẩm, tháng 4/2024, TP Hà Tĩnh triển khai xây dựng mô hình nuôi cua đồng sinh sản tại hộ anh Ngô Hà Phương, thôn Đông Nam, xã Thạch Bình. Mô hình thực hiện trên diện tích 300m2 gồm 18 bể được làm bằng khung thép, lót bạt, mỗi bể có thể tích 6m3 (chiều dài 3m x chiều rộng 2m x chiều cao 1m).

 Cua giống bố mẹ đưa vào nuôi có cỡ 50-60 con/kg, mật độ thả trong bể 200-250 con/bể.

Cua giống bố mẹ đưa vào nuôi có cỡ 50-60 con/kg, mật độ thả trong bể 200-250 con/bể.

Bể được xây dựng trong nhà có mái che. Trên bể nuôi được lắp đặt hệ thống ống nhựa để cấp nước bằng hình thức phun mưa, giúp giảm nhiệt vào mùa nắng nóng. Khi mở hệ thống cấp nước bằng đường ống nhựa phía trên thì đồng thời tháo hệ thống cống, ống xả phía dưới, giúp thải thức ăn dư thừa, chất cặn bẩn đảm bảo nước trong bể luôn sạch sẽ, không bị ô nhiễm.

Cua giống bố mẹ đưa vào nuôi có cỡ 50 - 60 con/kg, mật độ thả 200 - 250 con/bể, tỉ lệ ghép đôi đực/cái là 3/7. Nguồn cua đồng được thu gom tự nhiên và ương dưỡng tại trại giống ở xã Đức Long (Đức Thọ). Con giống đảm bảo chất lượng, yêu cầu kỹ thuật đề ra. Cua đồng bố mẹ khi thả vào bể phân bố đều, không bị dồn cục và khả năng đeo bám giá thể tốt.

 Mô hình tại hộ anh Ngô Hà Phương là mô hình thử nghiệm nuôi cua đồng sinh sản và ương giống cua con đầu tiên trên địa bàn toàn tỉnh.

Mô hình tại hộ anh Ngô Hà Phương là mô hình thử nghiệm nuôi cua đồng sinh sản và ương giống cua con đầu tiên trên địa bàn toàn tỉnh.

Anh Ngô Hà Phương - chủ mô hình cho biết: “Trước khi thả nuôi, tôi đã được tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật từ khâu thả giống bố mẹ, nuôi vỗ thành thục, kích thích sinh sản, ghép đôi, chăm sóc cua mẹ ôm trứng, ôm con, nhả con, tái thành thục và ương dưỡng cua con cho đến thu hoạch cua giống.

Đặc biệt, qua theo dõi quá trình sinh sản, khi cua ghép đôi, giao phối, ôm trứng, ấp nở, ôm con, tôi nhận thấy, môi trường phải thuận lợi, yên tĩnh thì tỷ lệ sống và chất lượng cua con mới đạt cao. Đây là mô hình thử nghiệm nuôi cua đồng sinh sản và ương giống cua con đầu tiên trên địa bàn toàn tỉnh nên tôi phải theo dõi, điều chỉnh thường xuyên để phù hợp với sự sinh trưởng của đối tượng nuôi”.

 Sau 2 tháng thả nuôi thử nghiệm thì cua đồng mẹ bắt đầu ôm trứng và sau 4 tháng đã cho thu hoạch cua giống với kích cỡ từ 800 - 1.000 con/kg.

Sau 2 tháng thả nuôi thử nghiệm thì cua đồng mẹ bắt đầu ôm trứng và sau 4 tháng đã cho thu hoạch cua giống với kích cỡ từ 800 - 1.000 con/kg.

Sau 2 tháng thả nuôi thử nghiệm, cua đồng mẹ bắt đầu ôm trứng và sau 4 tháng đã cho thu hoạch 2 lứa cua giống, chất lượng và số lượng cua giống đảm bảo yêu cầu. Sản lượng mỗi bể đạt từ 8 - 10 kg, kích cỡ con giống từ 800 - 1.000 con/kg. Hộ nuôi đã xuất bán giống cho một số hộ dân với giá bán từ 300 - 700.000 đồng/kg. Đồng thời, lựa chọn thêm con cua đồng bố, mẹ để tiếp tục bổ sung thêm theo tỉ lệ đực - cái và thực hiện nuôi vỗ, cho đẻ lứa tiếp vào dịp cuối năm. Đây cũng là thời điểm thị trường rất khan hiếm nguồn cua giống tự nhiên, giá bán cua giống ở mức cao.

Qua theo dõi của anh Phương, việc lựa chọn giống cua bố, mẹ vào nuôi dưỡng và cho sinh sản trong hệ thống bể, người nuôi có thể kiểm soát được các yếu tố môi trường và mùa vụ sinh sản... Chi phí đầu tư thấp, không tốn kém nhiều nguồn thức ăn, nguồn cua bố mẹ sẵn có trên thị trường và có thể nuôi dưỡng cua con giống thành cua bố mẹ. Con cua giống sau khi được ương dưỡng đạt kích cỡ tốt, thả ra ngoài môi trường tự nhiên có tỷ lệ sống rất cao, đạt trên 90%, cao hơn nhiều so với nguồn cua giống lấy từ môi trường tự nhiên (khoảng 50- 60%).

 Cua đồng bố mẹ đã sinh sản thành công theo lứa, có thể khống chế môi trường và thời vụ ương giống để cung cấp nguồn giống tại chỗ cho thị trường.

Cua đồng bố mẹ đã sinh sản thành công theo lứa, có thể khống chế môi trường và thời vụ ương giống để cung cấp nguồn giống tại chỗ cho thị trường.

Theo bà Hồ Thị Diệu Hồng - cán bộ Trung tâm Ứng dụng và Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi TP Hà Tĩnh, mô hình nuôi cua đồng sinh sản là mô hình thử nghiệm đầu tiên tại tỉnh Hà Tĩnh.

Kết quả bước đầu cho thấy, sau khi áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật, cua đồng bố mẹ đã sinh sản thành công theo lứa, có thể khống chế môi trường và thời vụ ương giống để cung cấp nguồn giống tại chỗ cho thị trường trong tỉnh, giảm thiểu phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên. Cùng với đó, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho bà con nuôi cua; hạn chế việc khai thác quá mức nguồn lợi cua đồng ngoài tự nhiên.

 Cua con được ương dưỡng đến kích cỡ từ 500 - 1.000 con/kg, có thể xuất bán để thả nuôi ngoài môi trường tự nhiên.

Cua con được ương dưỡng đến kích cỡ từ 500 - 1.000 con/kg, có thể xuất bán để thả nuôi ngoài môi trường tự nhiên.

Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục đồng hành, hướng dẫn chủ mô hình mở rộng quy mô sản xuất giống; hoàn thiện dần quy trình kỹ thuật nuôi cua đồng sinh sản phù hợp với điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu của Hà Tĩnh; chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ dân trong và ngoài địa bàn đến học tập để nhân rộng mô hình sản xuất giống; sản xuất nguồn giống cua đồng chủ động, chất lượng phục vụ nhu cầu cho người nuôi cua thương phẩm trên địa bàn tỉnh.
Để mô hình phát triển bền vững, chủ mô hình cũng cần đầu tư thêm để xây dựng, nâng cấp cơ sở sản xuất giống cua đồng để cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Thái Oanh - Ngọc Loan

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/xem-mo-hinh-nuoi-cua-dong-sinh-san-dau-tien-tai-ha-tinh-post275792.html