Xem phim 'Chị dâu' để thấm thía tình cảm gia đình

Bộ phim 'Chị dâu' của đạo diễn Khương Ngọc với các diễn viên Việt Hương, Hồng Đào, Đinh Y Nhung, Lê Khánh và Ngọc Trinh có thể mang lại nhiều tiếng cười cho khán giả khi ra rạp giải trí mùa Noel 2024.

 Dàn nữ diễn viên đóng hợp vai trong “Chị dâu”

Dàn nữ diễn viên đóng hợp vai trong “Chị dâu”

“Đám giỗ bên cồn” thiếu vắng đàn ông

Nói đúng hơn, đó là vai trò của những chàng rể và nhân vật nam trong phim bị làm mờ một cách có chủ đích. Tuyến nhân vật nữ, đặc biệt nhân vật chị dâu cả được lấy làm trọng tâm cho thấy rõ ý đồ của biên kịch và đạo diễn khi thực hiện bộ phim theo hướng “âm thịnh dương suy”. Ngay từ tên phim đã thấy đạo diễn tập trung vào vai trò cân bằng của người chị dâu trong gia đình đậm chất văn hóa Việt. Đạo diễn Khương Ngọc cho biết, anh là người “yêu phái đẹp” nên rất hứng thú khi làm bộ phim về những người phụ nữ trong gia đình. Còn vai diễn của 4 cô em chồng đều do anh “tích góp chất liệu từ các gia đình thực tế”.

“Chị dâu” xoay quanh đám giỗ mẹ chồng được tổ chức rình rang ở một làng quê nghèo, do cô con dâu cả Hai Nhị (Việt Hương đóng) chủ xị. Nhân sự kiện tề tựu gia đình này, trước mặt dòng họ và bà con lối xóm, nàng dâu cả bỗng nhiên bày tỏ ý định tự bỏ tiền ra để sửa lại căn nhà từ đường cũ kỹ của gia tộc, lấy lý do mùa bão sắp đến. Nhiều tình tiết tréo ngoe bắt đầu nảy sinh giữa chị dâu và 4 cô em chồng khiến khán giả cảm thấy thú vị với tính châm biếm nhẹ nhàng, nhưng cũng thật gần gũi mà đạo diễn Khương Ngọc “bày ra”.

 Đạo diễn Khương Ngọc tiến bộ về tay nghề làm phim

Đạo diễn Khương Ngọc tiến bộ về tay nghề làm phim

“Cuộc chiến” chị dâu và em chồng

Nỗ lực vun vén cho gia đình của chị dâu cả dù dưới góc nhìn nào thì cũng khó lọt vào mắt 4 cô em chồng. “Va chạm” nặng nề nhất có lẽ diễn ra giữa Hai Nhị và Ba Kỳ (em chồng, Hồng Đào đóng) do 2 cá tính hoàn toàn trái nghịch. Hai Nhị độc đoán, quyền lực nhất nhà, nhờ thế mạnh tài chính nên luôn làm theo ý mình. Còn Ba Kỳ theo đuổi lối sống hiện đại, không thích những lề lối cũ kỹ, dám thẳng thừng nhận xét “chị dâu làm vậy (tổ chức đám giỗ lớn) chỉ vì muốn chơi nổi”.

Việc quy tụ dàn diễn viên nữ hợp vai, diễn xuất ăn ý là lợi thế không nhỏ giúp “Chị dâu” tạo ấn tượng với khán giả. Tuy câu chuyện là những gam màu mâu thuẫn, ồn ào “bằng mồm” trong hầu hết thời lượng 100 phút của bộ phim, 5 nhân vật nữ chính vẫn luôn hướng về gia đình - yếu tố quan trọng để xây dựng “gia đình hoàn hảo” trong tương lai. Vì vậy, khán giả xem xong bộ phim cảm thấy dễ chịu, đồng cảm.

Một cặp “nghịch rơ” khác làm tăng thêm gia vị cho phim là khi Tư Ánh (Đinh Y Nhung đóng) và Năm Thu (Lê Khánh đóng) xuất hiện. Nếu như Tư Ánh ít nói và trầm lặng, đôi lúc cọc cằn do quá khứ từng tự tử vì tình, thì Năm Thu tiêu biểu cho “cái loa” lúc nào cũng ồn ào, mạnh miệng trong đời sống bộn bề nhằm lấp đầy cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Ngoài ra, vai em gái Út Như (Ngọc Trinh đóng) với tính cách bất cần có thể xem là bất ngờ lớn nhất phim. Bên cạnh các diễn viên đàn chị đã tạo dựng tên tuổi, “nhân vật Út Như thật như con người của Ngọc Trinh ngoài đời” - Việt Hương tếu táo nhận xét về cô em chồng trong phim.

Bi kịch chị dâu - em chồng cuối cùng cũng được người trong cuộc dàn xếp một cách “rất Việt Nam”. Khi chị dâu Hai Nhị đau khổ nói với cô em chồng Ba Kỳ rằng, “từ ngày tôi bước vào làm dâu trong nhà, cô chưa bao giờ gọi tôi một tiếng chị dâu”, có lẽ không chỉ Ba Kỳ mà tất cả 3 cô em còn lại đều biết mình đã sai ở đâu và nên làm gì. Cơn bão lớn đổ về, một cách tự nhiên nhất có thể, nó đã trở thành khoảnh khắc vỡ òa trong phim, xua tan những khúc mắc “bằng mặt mà không bằng lòng” giữa các chị em.

Đoàn phim “Chị dâu” ra mắt nhân mùa Noel 2024

Đoàn phim “Chị dâu” ra mắt nhân mùa Noel 2024

Truyền thống tình thân gia đình

Cô em gái Út Như tự hỏi, “tại sao đám giỗ mà ai (trong làng) chị cũng mời” khiến mấy chị em vất vả chuẩn bị, tuy chỉ là một câu nói hờn trách vu vơ nhưng vô tình phô bày sự hài hước của đám giỗ linh đình trong phim. Nói cách khác, chỉ bằng một chi tiết nhỏ, phim châm biếm sâu sắc vào những thói quen tổ chức tiệc tùng rình rang theo kiểu “giàu xổi” và tạo sự chú ý của láng giềng, hơn là tận dụng cơ hội để anh chị em trong gia đình có dịp đoàn tụ bên nhau.

Khán giả không thấy được một “chị dâu hoàn hảo” theo khuôn mẫu trong “Chị dâu”. Ngược lại, chị dâu Hai Nhị vốn có nhiều nhược điểm, đặc biệt thích phô trương và luôn muốn chứng tỏ quyền lực của “chị Hai” khi đứng trước những cô em chồng. Những va chạm không thể tránh khỏi được đạo diễn Khương Ngọc chỉ ra đầy những nút thắt, theo tuần tự chị dâu cả ngang tàng gặp 4 nàng em chồng “mỏ hỗn”, lần lượt xỏ xiên chị dâu mình. Thoạt nhìn, mối quan hệ với 4 cô em chồng như “4 cuộc chiến” mà chị dâu cả phải đương đầu. Thực ra điểm khúc mắc chỉ có một, đó là mỗi người chỉ cần bỏ đi tính cách cố chấp của mình, khi đó cánh cửa tình chị em thân hữu sẽ hiển lộ.

Phim “Chị dâu” mang tính châm biếm về những bữa tiệc gia đình “hình thức” nhưng thiếu tình thân gia đình. Bản thân mối quan hệ chị dâu và em chồng không có lỗi, chính những cố chấp về sự khác biệt vô tình trở thành sợi dây ngăn cách tình cảm, không chỉ giữa chị dâu và các cô em chồng mà giữa bất kỳ ai trong chúng ta.

TRUNG KIÊN

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/xem-phim-chi-dau-de-tham-thia-tinh-cam-gia-dinh-post599038.antd