Xem văn hóa là nguồn lực, động lực để phát triển tỉnh Bình Phước trong tình hình mới
Ngày 11/8, tỉnh Bình Phước đã long trọng tổ chức Hội nghị văn hóa năm 2023. Hội nghị có sự tham dự của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng.
Khơi dậy khát vọng phát triển quê hương Bình Phước
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh cho biết, mục đích của hội nghị hướng đến 3 vấn đề chính gồm: Cụ thể hóa các nội dung cốt lõi, trọng tâm của Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị thế, vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội; chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; rút ra các bài học kinh nghiệm; nhận diện thời cơ, thách thức và những vấn đề đang đặt ra. Từ đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá, tạo chuyển biến mới tích cực trong việc xây dựng văn hóa, con người Bình Phước trong thời kỳ mới.
Bên cạnh đó, đây là bước cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh, nhất là các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí và hành động, đồng lòng dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng cống hiến vì quê hương, đất nước.
Phát biểu tham luận, GS.TS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, để phát triển văn hóa, con người Bình Phước trong những năm tới, tỉnh cần tập trung xây dựng văn hóa Bình Phước tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu có bản sắc địa phương; khơi dậy khát vọng phát triển quê hương Bình Phước ngày càng đổi mới, tiến bộ, giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc. Xây dựng con người Bình Phước phát triển toàn diện, là những chủ thể văn hóa có bản lĩnh, sáng tạo, với những phẩm chất yêu nước, yêu quê hương, đoàn kết, dũng cảm, cần cù, sáng tạo, nghĩa tình, nhân văn.
Nêu các lợi thế “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” được xác định là nguồn lực trong phát triển thì nhân tố “văn thịnh” cũng cần được xem là nguồn lực văn hóa cần được phát huy trong định hướng phát triển ở tỉnh Bình Phước và toàn vùng Đông Nam Bộ. Vấn đề đặt ra, nguồn lực di tích văn hóa lịch sử ở Bình Phước cần được nhận diện như thế nào và phải làm gì để phát huy giá trị trong không gian văn hóa và hệ giá trị văn hóa ở vùng động lực phát triển Đông Nam Bộ. Đồng thời PGS.TS. Huỳnh Văn Tới - Giảng viên Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề ra 8 giải pháp để phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch.
Tiếp tục đổi mới tư duy về quản lý văn hóa
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao tiềm năng, lợi thế về văn hóa và con người Bình Phước. Minh chứng là những kết quả của Bình Phước có được sau 25 năm tái lập tỉnh, đặc biệt là những kết quả của nhiệm kỳ này về đầu tư nguồn lực cho phát triển văn hóa.
“Tại hội nghị hôm nay, qua nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và địa phương là căn cứ để Bình Phước đưa ra giải pháp và xây dựng, phát triển văn hóa, con người Bình Phước; giúp nhân dân trên địa bàn tỉnh nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của văn hóa trong quá trình phát triển của tỉnh. Từ đó xem văn hóa là nguồn lực, động lực để phát triển và đề ra những nhiệm vụ và giải pháp cho lĩnh vực này trong tình hình mới. Đặc biệt xây dựng được tính tự nguyện, tự quản, tự giác trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đối với mỗi người dân trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh phải xác định bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa làm nền tảng phát triển kinh tế - xã hội. Hiện Bình Phước sở hữu 45 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và 41 thành phần dân tộc anh em, đây là một lợi thế rất lớn về di tích, văn hóa vật thể, phi vật thể”, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đề nghị.
Đánh giá cao sự chủ động của tỉnh, sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh với lĩnh vực văn hóa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị tỉnh Bình Phước tiếp tục đổi mới nâng cao nhận thức, chuyển đổi nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa và xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững theo đúng quan điểm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo”, xác định việc xây dựng văn hóa, con người là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Bình Phước.
Tập trung thực hiện xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Bình Phước trong thời kỳ mới theo tinh thần nghị quyết. Tiếp tục đổi mới tư duy về quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, tinh thông, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với đặc thù của lĩnh vực văn hóa và thực tiễn địa phương; phát triển văn hóa - xã hội phải kết hợp hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển kinh tế.
Phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực then chốt cho công tác quản lý văn hóa và cho các ngành văn hóa đặc thù. Đội ngũ làm công tác văn hóa phải luôn phấn đấu nỗ lực, trở thành những sứ giả văn hóa, là lực lượng nòng cốt để tham mưu cho cấp ủy, cho ngành, khơi dậy các giá trị văn hóa, khát vọng vươn lên của tỉnh Bình Phước.