Xem xét, cho ý kiến 11 dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8

Tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Công an cũng sẽ trình bày tờ trình về dự án Luật Dữ liệu để Quốc hội cho ý kiến trước khi hoàn thiện, thông qua.

Sáng 12/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 37, cho ý kiến về các nội dung chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 và xem xét một số nội dung thuộc thẩm quyền.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên họp diễn ra trong 5,5 ngày, chia thành 02 đợt (đợt 1: ngày 12/9 và sáng 13/9; đợt 2: từ ngày 23 đến 26/9) với 23 nội dung khó, phức tạp.

Theo đó, về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về 11 dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, trong đó: có 02 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp là Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp lần thứ 37

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp lần thứ 37

Chủ tịch Quốc hội cho hay hiện nay, Chính phủ đã có tờ trình đề nghị bổ sung 03 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, gồm: Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật khẩn trương kiểm tra, nghiên cứu thật kỹ lưỡng, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung vào chương trình phiên họp trên tinh thần là phải đảm bảo chất lượng, đủ điều kiện để thông qua.

Về công tác giám sát, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến đối với các nội dung liên quan đến 02 chuyên đề giám sát: Chuyên đề giám sát của Quốc hội về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến năm 2023”; Chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến năm 2023” và các báo cáo về công tác tư pháp, kiểm toán thường niên, một số báo cáo quan trọng khác.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp

Đồng thời, cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2024 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.

Tại phiên họp này, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang sẽ trình bày tờ trình về dự án Luật Dữ liệu để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi hoàn thiện, thông qua.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ tiến hành tổng kết Kỳ họp bất thường thứ 8 và cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Xem xét 02 dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 8/2024 theo thông lệ.

“Tôi đề nghị các cơ quan liên quan quán triệt tinh thần của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là tập trung cao độ, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, giải quyết, khắc phục các điểm nghẽn, tất cả vì sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vì đảm bảo, nâng cao đời sống của Nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Lưu ý khối lượng công việc của Kỳ họp thứ 8 là rất lớn, có nhiều nội dung quan trọng Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, gốc là từ sự chuẩn bị một cách tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Đã đến lúc cao điểm, có thể làm việc ngày đêm để thẩm tra đúng, trúng, bảo đảm chất lượng các báo cáo và các dự án luật.

Văn phòng Quốc hội tổ chức quyên góp, ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả cơn bão số 3.

Văn phòng Quốc hội tổ chức quyên góp, ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả cơn bão số 3.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan liên quan bảo đảm thành phần dự phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp xếp công việc, tập trung, dành thời gian tối đa cho phiên họp để bảo đảm chất lượng cao nhất.

Trước đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát huy truyền thống đoàn kết, “tương thân tương ái”, “lá lành, đùm lá rách” của dân tộc, ngay khi khai mạc Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức quyên góp, ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả cơn bão số 3.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ và chia buồn sâu sắc với gia đình các nạn nhân bị thiệt mạng và tri ân công sức, sự hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang khi làm nhiệm vụ cứu hộ và khắc phục hậu quả cơn bão số 3.

Thanh Hòa

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/xem-xet-cho-y-kien-11-du-an-luat-trinh-quoc-hoi-tai-ky-hop-thu-8_167147.html