XEM XÉT CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN ĐƯỜNG GIAO THÔNG TỪ QUỐC LỘ 27C ĐẾN ĐƯỜNG TỈNH ĐT.656 KHÁNH HÒA KẾT NỐI VỚI LÂM ĐỒNG VÀ NINH THUẬN
Tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 13/6, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã báo cáo xin rút ngắn thời gian thực hiện Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận xuống còn 5 năm, từ năm 2023 hết năm 2027.
Sáng 13/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết về quyết định chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh: Tại Kỳ họp thứ 5, đã có 82 lượt đại biểu Quốc hội góp ý tại Tổ và 13 lượt ý kiến góp ý tại Hội trường về nội dung này. Nhìn chung, đa số ý kiến thống nhất cao về sự cần thiết đầu tư Dự án; về tên gọi của Dự án; về căn cứ pháp lý và hồ sơ Dự án, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư Dự án; về chuyển mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế; về phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; về hướng tuyến, thời gian và tiến độ thực hiện Dự án; về cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đối với Dự án. Bên cạnh đó, có một số ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị quyết, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường xin báo cáo giải trình, tiếp thu như sau:
Về thời gian thực hiện Dự án: Có ý kiến cho rằng, thời gian thực hiện Dự án từ năm 2022 đến năm 2027 là khá dài so với quy mô, tính chất, khối lượng đền bù, hỗ trợ tái định cư của Dự án. Nên điều chỉnh thời gian bắt đầu năm 2023 ngay khi Nghị quyết được thông qua, rút ngắn thời gian thực hiện Dự án, cố gắng hoàn thành trong năm 2025 cho phù hợp với tiến độ giải ngân vốn.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, nếu được áp dụng cơ chế đặc thù thực hiện theo trình tự, thủ tục nhóm A, được bảo đảm thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A không quá 06 năm theo quy định pháp luật về đầu tư công thì việc rút ngắn thời gian thực hiện Dự án xuống còn 5 năm là phù hợp. Do đó, xin Quốc hội cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án từ năm 2023 hết năm 2027 như tại khoản 5 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết cho phù hợp với trình tự, thủ tục thực hiện dự án nhóm A theo pháp luật về đầu tư công.
Về nguồn vốn thực hiện Dự án: Có ý kiến đại biểu Quốc hội còn băn khoăn với tính khả thi về khả năng cân đối nguồn ngân sách địa phương và đề nghị Chính phủ xác định rõ trách nhiệm của địa phương trong việc bố trí đủ nguồn lực để thực hiện Dự án. Cũng có ý kiến đề nghị bố trí toàn bộ ngân sách trung ương cho Dự án với lý do đây là Dự án quan trọng quốc gia, có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội, phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng và tổng nguồn vốn để thực hiện Dự án không lớn.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban thấy rằng, là tuyến đường nội tỉnh, có ý nghĩa lịch sử, cách mạng, có vị trí quan trọng về quân sự, quốc phòng, và chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, Quốc hội đã ưu tiên dành 1.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 để triển khai Dự án. Đồng thời, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết thí điểm áp dụng một số cơ chế đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa, trong đó có cơ chế về tài chính ngân sách để tạo điều kiện cho địa phương huy động vốn phục vụ đầu tư phát triển. Việc bố trí như vậy vừa đảm bảo được khả năng huy động và bố trí ngân sách của địa phương cho Dự án, vừa đảm bảo hài hòa và công bằng đối với các địa phương khác. Đồng thời, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, khoản 3 Điều 3 dự thảo Nghị quyết đã bổ sung nội dung trách nhiệm của Chính phủ trong đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện cam kết bố trí vốn của địa phương.
Về các cơ chế đặc thù cho Dự án: Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định vấn đề phát sinh của Dự án trong thời gian Quốc hội không họp vì chưa được quy định trong Luật Đầu tư công. Nếu có ủy quyền thì chỉ nên ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh đối với tiêu chí để dự án trở thành dự án quan trọng quốc gia.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, Dự án này có quy mô nhỏ, công trình cấp III, tổng mức đầu tư không lớn nhưng lại thi công qua khu vực địa hình khó khăn, hiểm trở, độ dốc cao, điều kiện thời tiết không thuận lợi nên trong quá trình triển khai có thể phát sinh một số vấn đề cần điều chỉnh. Vì vậy, nếu được áp dụng cơ chế đặc thù, Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư trong thời gian Quốc hội không họp sẽ tạo thuận lợi cho việc đẩy nhanh tiến độ Dự án. Hơn nữa, việc áp dụng cơ chế đặc thù cũng đã được Quốc hội cho phép triển khai đối với một số dự án quan trọng quốc gia. Đồng thời, do pháp luật về đầu tư công chưa quy định cụ thể về việc ủy quyền nên cần thiết phải được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội để đảm bảo chặt chẽ về tính pháp lý khi triển khai thực hiện. Nội dung quy định về cơ chế đặc thù được thể hiện tại Điều 4 dự thảo Nghị quyết.
Sau phần báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về quyết định chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận.
Phát biểu kết luận Phiên họp về nội dung trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự thảo Nghị quyết tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời lưu ý các cơ quan soạn thảo dự thảo Nghị quyết đảm bảo tính khả thi./.
Một số hình ảnh tại Phiên họp:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=76968