Xem xét đến đặc thù của một số ngành nghề khi nâng tuổi nghỉ hưu
Trong phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) ngày 23-10, tuổi nghỉ hưu là nội dung nhận được nhiều góp ý của các đại biểu Quốc hội.
Đồng tình với đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu như dự thảo, song một số đại biểu đề nghị phải xem xét đến đặc thù của một số ngành nghề để bảo đảm phù hợp điều kiện sức khỏe của người lao động.
Đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) thống nhất với phương án là kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam, đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ, sau đó cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Theo đại biểu, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo phương án trên là phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 28 ngày 23-5-2018 của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh, mức tăng và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét các yếu tố đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn. Theo đó, cần cân nhắc đến các đối tượng là công nhân lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật... Đồng thời, giao cho Chính phủ quy định chi tiết theo hướng xem xét để không tăng hoặc có lộ trình tăng chậm hơn và có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động.
Nhất trí về sự cần thiết điều chỉnh tăng tuổi về hưu song đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cũng đề nghị cần nghiên cứu việc tăng tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng tất cả đối với công chức, tăng một bộ phận đối với viên chức và công nhân lao động chỉ tăng một bộ phận nhỏ, còn lao động nữ nên được nghỉ hưu ở tuổi 58 là phù hợp.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) nhắc đến kiến nghị của cử tri rằng, cần xem xét việc nâng độ tuổi lao động, nhất là đối với lao động nữ. Đại biểu dẫn chứng, theo báo cáo, độ tuổi sống khỏe mạnh sau tuổi 60 của nam và nữ tại nước ta thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới: Độ tuổi này ở nước ta là 18,8 năm đối với nam và 18,7 năm đối với nữ; trong khi đó, Singapore là trên 22 năm. Do đó, đồng tình với việc nâng cao độ tuổi đối với người lao động, song đại biểu kiến nghị, lao động nữ chỉ nên tăng tuổi nghỉ hưu đến 58 tuổi, nam có thể 62 tuổi. Đồng thời, cần quy định rõ hơn về quyền nghỉ hưu trước tuổi của người lao động, gắn với đó là bảo đảm quyền lợi về bảo hiểm xã hội.
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) cũng tán thành với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Theo đại biểu, cùng với sự phát triển của đất nước, có thể thấy rằng sức khỏe của người dân ngày càng được chăm lo tốt hơn, tuổi thọ cũng được nâng lên dần. Tuy nhiên, theo đại biểu, đối với các lao động trí thức, lao động trong các khu vực văn phòng, lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, tài chính, y tế..., việc kéo dài tuổi nghỉ hưu có thể khả thi vì họ vẫn còn đủ sức khỏe, kinh nghiệm, độ “chín” nghề nghiệp để làm việc. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại một số bộ phận lao động có mức tiền lương thấp, điều kiện sống chưa bảo đảm, nhất là đối với những công nhân lao động trực tiếp trong những ngành nghề như: dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản hoặc môi trường lao động nặng nhọc, độc hại, thường có sự suy giảm sớm về sức khỏe và năng lực lao động. Việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ không bảo đảm an toàn lao động cho họ.
"Do đó, cần cân nhắc việc kéo dài tuổi nghỉ hưu của đối tượng này. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tính chất, loại hình lao động, đặc thù của mỗi ngành nghề, lĩnh vực", nữ đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Đặng Tú Hoa (TP Hà Nội) thì dẫn báo cáo, so với các nước trên thế giới, tuổi nghỉ hưu của Việt Nam có thể xếp vào nhóm thấp nhất, đặc biệt là lao động nữ: Nhật Bản là 65 tuổi, Singapore là 62 tuổi, Philippines là 60 tuổi cho cả 2 nam và nữ. Trong khi đó, ở nước ta hiện nay, tình trạng thể lực và trí tuệ ngày càng tốt hơn, tuổi thọ trung bình ngày càng tăng...
Mặt khác, nếu giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay, rõ ràng đang gây áp lực lớn lên quỹ bảo hiểm xã hội nói riêng và ngân sách nhà nước nói chung; nhiều khả năng ngân sách nhà nước sẽ phải cấp bổ sung cho quỹ bảo hiểm xã hội vì quỹ bảo hiểm xã hội mất cân đối thu-chi. Như vậy là bất hợp lý khi Việt Nam đã xóa bỏ bao cấp về bảo hiểm xã hội và không công bằng với những người không hưởng lương bảo hiểm hưu trí.
Từ những phân tích đó, đại biểu nhấn mạnh, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là chính sách có tính chất chiến lược về nhân lực, có tầm nhìn dài hạn, việc điều chỉnh cần có lộ trình, không gây sốc cho thị trường lao động. Việt Nam đang bước vào thời kỳ già hóa dân số, do đó, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải thực hiện hợp lý, không để đến khi thiếu hụt lao động mới thực hiện.