Xem xét điều chỉnh mức đóng để tăng kinh phí cho Quỹ Bảo hiểm y tế

Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu đề xuất điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế, để tăng nguồn kinh phí cho Quỹ Bảo hiểm y tế, từ đó có thể tăng phạm vi chi trả hỗ trợ cho người mắc bệnh hiểm nghèo...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bộ Y tế cho biết thông tin này khi phản hồi kiến nghị của cử tri về việc sớm có chính sách hỗ trợ, trợ cấp những người mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, chạy thận, các bệnh mãn tính...

DANH MỤC THUỐC BẢO HIỂM Y TẾ TƯƠNG ĐỐI ĐẦY ĐỦ

Về vấn đề này, Bộ Y tế cho biết theo quy định của pháp luật bảo hiểm y tế, người bệnh được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo phạm vi quyền lợi, mức hưởng đối với các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư, hóa chất thực tế sử dụng cho người bệnh, áp dụng chung cho tất cả các đối tượng, không phân biệt mức độ nặng của bệnh.

Hiện nay, nhiều bệnh hiểm nghèo có chi phí điều trị lớn cũng đã được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán với tỷ lệ chi trả cao, nhiều trường hợp được thanh toán đến 100%.

Theo Bộ Y tế, hiện mức đóng bảo hiểm y tế tại Việt Nam còn thấp, nhưng phạm vi, quyền lợi đã được mở rộng hơn rất nhiều quốc gia có mức đóng, và điều kiện kinh tế cao hơn.

Tuy nhiên, việc mở rộng phạm vi quyền lợi phải bảo đảm khả năng cân đối quỹ và tiếp cận công bằng, bình đẳng của người tham gia bảo hiểm y tế.

Với điều kiện hiện nay, việc thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo, mà đa phần là các thuốc, kỹ thuật có chi phí lớn sẽ ảnh hướng lớn đến việc cân đối quỹ. Đồng thời, ảnh hưởng đến việc chi trả bảo hiểm hiểm y tế cho nhiều người bệnh khác.

Thực tế, đa phần những người mắc bệnh hiểm nghèo, chạy thận nhân tạo đều trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Bên cạnh chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho rằng cần huy động sự hỗ trợ từ ngân sách, các nhà hảo tâm để hỗ trợ phần đồng chi trả của người bệnh.

Hiện nay, đã có một số cơ chế, chính sách để hỗ trợ người bệnh nghèo như: Tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trong việc quyết định đối tượng được hỗ trợ, và mức hỗ trợ đồng chi trả cho người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh.

Như vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh có thể căn cứ vào điều kiện của địa phương, để quy định mức hỗ trợ phần đồng chi trả còn lại cho người mắc bệnh hiểm nghèo.

Bộ Y tế đã phê duyệt một số chương trình hỗ trợ thuốc miễn phí cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, có chi phí lớn mà Quỹ Bảo hiểm y tế có quy định tỷ lệ thanh toán. Qua đó, nhằm giảm gánh nặng tài chính cho người bệnh.

Bộ Y tế cho biết với mục tiêu hướng tới thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, Bộ luôn chú trọng đến việc xây dựng và hoàn thiện chính sách bảo hiểm y tế, đặc biệt là gói quyền lợi về thuốc để đáp ứng tốt nhất nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh.

Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các quốc gia có danh mục thuốc bảo hiểm y tế tương đối đầy đủ và toàn diện, phù hợp với mức phí đóng bảo hiểm y tế.

TĂNG PHẠM VI CHI TRẢ ĐỐI VỚI CÁC THUỐC, VẬT TƯ CÓ CHI PHÍ LỚN

Theo Thông tư số 20/2022/TT-BYT, Bộ Y tế đã ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ, và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.

Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người dân. Ảnh: Duy Nguyễn.

Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người dân. Ảnh: Duy Nguyễn.

Danh mục này bao gồm 1.037 hoạt chất/thuốc hóa dược và sinh phẩm, được chia thành 27 nhóm lớn, và 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu; trong đó có 76 hoạt chất/thuốc hóa dược, sinh phẩm thuộc nhóm thuốc điều trị ung thư và điều hòa miễn dịch; 10 hoạt chất/thuốc hóa dược, sinh phẩm thuộc nhóm thuốc điều trị bệnh đường tiết niệu và dung dịch lọc màng bụng, lọc máu.

Thông tư số 05/2015/TT-BYT ban hành và hướng dẫn danh mục thuốc đông y, thuốc từ được liệu và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế gồm 229 thuốc đông y, thuốc từ dược liệu chia thành 11 nhóm tác dụng, và 349 vị thuốc cổ truyền chia thành 30 nhóm tác dụng theo y lý y học cổ truyền, không phân theo hạng bệnh viện sử dụng.

Bên cạnh đó, danh mục thuốc bảo hiểm y tế tại Việt Nam được ghi đưới dạng tên hoạt chất/thành phần, không ghi hàm lượng và dạng bào chế và tên thương mại.

Như vậy, việc lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bị giới hạn bởi chỉ định điều trị, chuyên khoa điều trị, các bệnh cấp tính hay mãn tính.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật danh mục thuốc hợp lý, tăng cường quản lý sử dụng hiệu quả, phòng chống lạm dụng, trục lợi, lãng phí Quỹ Bảo hiểm y tế. Từ đó, có điều kiện tăng phạm vi chi trả đối với các thuốc, vật tư, dịch vụ kỹ thuật có chi phí lớn, nhằm giảm bớt khó khăn cho người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo.

Đồng thời, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu đề xuất điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế, để tăng nguồn kinh phí cho Quỹ Bảo hiểm y tế.

Hiện Bộ Y tế cũng đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Thông tư quy định về việc thanh toán trực tiếp chi phí thuốc và thiết bị y tế cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc do những nguyên nhân khách quan, đảm bảo quyền lợi và nhu cầu điều trị của người tham gia bảo hiểm y tế.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/xem-xet-dieu-chinh-muc-dong-de-tang-kinh-phi-cho-quy-bao-hiem-y-te.htm