Xem xét đóng đèo Khánh Lê để xử lý sạt lở

Gần một tuần sau sự cố sạt lở đèo Khánh Lê, cơ quan chức năng vẫn gặp khó khăn trong xử lý các vị trí nguy hiểm, với hàng chục nghìn tấn đất đá chực chờ đổ xuống.

Chiều 19/12, đoàn công tác Khu quản lý đường bộ 3 (Cục Đường bộ Việt Nam) cùng ngành chức năng hai tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng có mặt tại km43 đèo Khánh Lê, vị trí sạt lở nghiêm trọng nhất của sự cố rạng sáng 15/12. Các cơ quan chức năng đang kiểm tra việc khắc phục sạt lở và lên phương án phân luồng giao thông, đặc biệt trong bối cảnh dự báo sắp có mưa lớn tại khu vực này.

Hiện trường sạt lở góc cua khuỷu tay km43 đèo Khánh Lê, chiều 19/12.

Hiện trường sạt lở góc cua khuỷu tay km43 đèo Khánh Lê, chiều 19/12.

5 ngày qua, đơn vị thi công đã tiến hành dọn dẹp hơn 10 vị trí sạt lở, nhưng có 2 vị trí nghiêm trọng vẫn chưa xử lý xong gồm km43 và km59, đã được thông một làn rạng sáng nay. Hiện các vị trí sạt lở đang được xử lý với hơn 30 phương tiện máy móc và hàng chục công nhân làm việc liên tục ngày đêm, triển khai từ hai hướng Khánh Hòa và Lâm Đồng.

Đại diện đơn vị thi công cho rằng lượng bùn đất trên đèo còn rất lớn, thời tiết xấu, nhiều máy móc thi công. Vì vậy nếu cho lưu thông 1 làn qua khu vực thì sẽ làm chậm tiến độ thi công và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân.

Máy móc dọn dẹp đất đá tại vị trí sạt lở.

Máy móc dọn dẹp đất đá tại vị trí sạt lở.

Sau khi kiểm tra, ông Nguyễn Phương Nam - Phó Giám đốc Khu quản lý đường bộ 3, đồng tình việc dù đèo Khánh Lê có thể cho thông xe một làn nhưng tại km43 vẫn còn nhiều khối đá lớn, bùn đất từ taluy dương có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.

Theo đó, ông đưa ra phương án nếu tổ chức lưu thông một chiều, cần giới hạn chỉ cho ô tô con và xe máy đi vào ban ngày, đồng thời cấm xe tải lớn và xe khách. Còn ban đêm, từ 17h đến 7h sáng hôm sau sẽ cấm xe qua lại để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và đơn vị thi công. Việc quyết định loại phương tiện được phép lưu thông, khung giờ cụ thể cần có sự thống nhất và phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng.

Đèo chính thức thông xe 1 làn vào rạng sáng 19/12, nhưng còn nhiều khối đá lớn ở taluy dương.

Đèo chính thức thông xe 1 làn vào rạng sáng 19/12, nhưng còn nhiều khối đá lớn ở taluy dương.

Ông Nam cũng nhìn nhận, thời tiết khu vực đèo Khánh Lê vẫn phức tạp với mưa và sương mù vào chiều tối, che khuất tầm nhìn. Do đó, đoàn kiểm tra sẽ báo cáo lên cấp trên và địa phương để xin ý kiến về việc đóng đèo thêm 1-2 ngày tới. “Khối lượng bùn đất còn lớn và nhiều công trình, bao gồm cả đường lánh nạn, bị hư hỏng, Khu quản lý đường bộ 3 chưa thể xác định thời gian thông xe hai chiều trên đèo Khánh Lê”, ông Nam nói.

Vụ sạt lở khiến cầu, cống, mương thoát nước, hệ thống an toàn giao thông,... bị hư hỏng.

Vụ sạt lở khiến cầu, cống, mương thoát nước, hệ thống an toàn giao thông,... bị hư hỏng.

Đường cứu nạn tại km43 đèo Khánh Lê bị đất đá vùi lấp.

Đường cứu nạn tại km43 đèo Khánh Lê bị đất đá vùi lấp.

Hàng chục người và phương tiện đang túc trực trên đường đèo để khắc phục sự cố.

Hàng chục người và phương tiện đang túc trực trên đường đèo để khắc phục sự cố.

Đất đá "ngậm nước" nhiều ngày khiến việc thanh thải gặp khó khăn.

Đất đá "ngậm nước" nhiều ngày khiến việc thanh thải gặp khó khăn.

Công nhân dán tấm phản quang lên cọc gỗ để cảnh báo tại nơi hư hỏng hộ lan mềm.

Công nhân dán tấm phản quang lên cọc gỗ để cảnh báo tại nơi hư hỏng hộ lan mềm.

Đèo Khánh Lê dài khoảng 29km, nằm trên tuyến quốc lộ 27C, nối huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa) và huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng). Đây là tuyến đường ngắn nhất giữa Nha Trang và Đà Lạt, đỉnh đèo có độ cao đến 1.700m so với mực nước biển, nhiều khúc cua uốn lượn rất nguy hiểm.

Rạng sáng 15/12, hàng trăm nghìn tấn đất đá đổ ập xuống đèo Khánh Lê tại nhiều vị trí sau nhiều ngày mưa lớn, khiến giao thông qua khu vực tê liệt. Thời điểm này có hơn 350 người bị mắc kẹt giữa các vị trí sạt lở, trong đó có nhiều người già, phụ nữ và trẻ em. Họ tập trung trú tạm tại các miếu thờ, lán nhỏ trên đèo giữa trời mưa tầm tã và sương mù, được ngành chức năng 2 tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng lần lượt giải cứu đến tối cùng ngày.

Tỉnh Khánh Hòa cũng đã phát hiện một vết nứt lớn nằm ngang mặt đường đèo Khánh Lê tại km 61, có dấu hiệu sụt lún sau vụ sạt lở. Đã căng dây cảnh báo nguy hiểm, cũng như khảo sát để đưa ra phương án xử lý./.

Để di chuyển giữa Nha Trang - Đà Lạt, người dân và du khách có thể nghiên cứu chuyển qua cung đường dài 200km. Cụ thể, từ Nha Trang đi theo quốc lộ 1A về phía nam, đến TP. Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) thì rẽ vào quốc lộ 27B để đến Đà Lạt và ngược lại.

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/xem-xet-dong-deo-khanh-le-de-xu-ly-sat-lo-20241219181508159.htm