Xem xét kỹ để có định hướng mới
Vừa qua, Hà Nội tổ chức hội nghị công bố 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Báo Lao động Thủ đô đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, kiến trúc sư Tô Thị Toàn - nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban quản lý phố cổ Hà Nội, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban khoa học công nghệ môi trường của Quốc hội khóa X, XI về vấn đề này.
PV: Hà Nội vừa tổ chức hội nghị công bố 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử. Đây là quy hoạch đã được rục rịch triển khai từ năm 2011, nhưng đến nay mới chính thức được thông qua. Với góc nhìn của chuyên gia, bà nhận định thế nào về vấn đề này?
Bà Tô Thị Toàn: Về chủ trương, quy hoạch, bảo tồn, phát triển và phát huy các giá trị di tích, di sản của thành phố Hà Nội mới đây tôi đánh giá là hợp lý và khả thi hơn những quy hoạch lần trước. Tôi cho rằng, nếu Thành phố làm được theo đúng quy hoạch như vậy thì quá tốt.
Đó là về mặt quy hoạch, còn trong thực tế triển khai được đến đâu còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề khác. Lấy ví dụ như quản lý của ngành về pháp luật, về quản lý hành chính có theo đúng quy hoạch được không, có đảm bảo được không…
Cá nhân tôi có theo dõi qua thông tin đại chúng thì thấy quy hoạch lần này đã đưa ra được những định hướng cụ thể, rõ ràng. Mặc dù trước đây, chúng ta cũng đã có những quy định về các khu vực cần bảo tồn nhưng quá trình thực hiện thì chưa đúng và chưa đầy đủ. Bởi, quy hoạch đã đưa ra nhưng trong vấn đề quản lý cũng còn nhiều vấn đề và chưa có quy hoạch chi tiết…
Trước đây, chúng ta cũng đã có những quy hoạch nhất định tại phố cổ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp nhiều vấn đề về quản lý nhà nước, vừa ý thức của người dân và nhiều vấn đề khác.
Thành ra các di tích cũng bị tổn thương, phố cổ cũng không được bảo tồn đúng mức. Trên thực tế, việc bảo tồn phải đi đôi với phát triển và phát triển phải đi cùng với phát huy. Tức là, phát triển thì phải phát huy được những di tích đó và mục tiêu của chúng ta là tôn tạo phát triển, nâng cao điều kiện sống của người dân.
Do vậy, nếu làm tốt thì người dân là người được hưởng lợi và khi được hưởng lợi thì người ta càng ủng hộ mình. Như vậy, nếu hài hòa được cả Nhà nước, chính quyền, đoàn thể và cộng đồng xã hội (cụ thể ở đây là người dân) thì tôi nghĩ rằng làm được như thế thì việc thực hiện các quy hoạch sẽ rất dễ dàng.
PV: Vậy cuối cùng, trong quy hoạch lần này chúng ta cần lưu ý điều gì trong quá trình triển khai?
Bà Tô Thị Toàn: Việc đầu tiên chúng ta phải tuân thủ theo đúng quy hoạch, thực hiện phải đúng quy hoạch của mình; thứ hai, về phương diện quản lý, để thực hiện quy hoạch đấy để thực hiện cho đúng; thứ ba phải vận động người dân tham gia ủng hộ.
Người dân càng tích cực bao nhiêu thì càng có lợi cho chính quyền bấy nhiêu. Mà muốn được người dân ủng hộ thì trước hết phải rõ ràng ngay từ đầu và phải làm theo pháp luật. Phải cho người ta thấy việc thực hiện quy hoạch người ta sẽ được hưởng cái gì, không được hưởng cái gì.
Lấy ví dụ, tại khu phố cổ, Thành phố và quận Hoàn Kiếm cần có chính sách cụ thể, thiết thực đối với nhân dân ở đây, tạo điều kiện để người dân tự nguyện tham gia công tác bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống khu phố cổ Hà Nội. Các cơ quan chức năng cũng tuyên truyền, thuyết phục người dân khu phố cổ Hà Nội nhận thức giá trị văn hóa truyền thống khu phố cổ là di sản quý của chính họ, từ đó họ cần phải giữ gìn, bảo tồn và phát huy.
PV: Bà đánh giá như thế nào về quyết tâm của Hà Nội trong công tác quy hoạch lần này?
Bà Tô Thị Toàn: Tôi nghĩ là trước đây chúng ta cũng đã có quy hoạch định hướng, bảo tồn, như thế nào rồi. Nhưng lần này, quy hoạch đưa ra kĩ hơn, cụ thể hơn, để thấy được giá trị. Đặc biệt, có những quy định pháp luật để cho người dân và những người quản lý dựa vào đó để bảo tồn và vận dụng được sức dân, sự ủng hộ của người dân. Từ những bài học kinh nghiệm trước đó, tôi đánh giá quy hoạch lần này khả thi hơn những quy hoạch trước đó.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/xem-xet-ky-de-co-dinh-huong-moi-120639.html