Xem xét kỹ lưỡng trong dài hạn, thiết kế chính sách mới, vượt trội hơn

Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 và Nghị quyết số 115/2020/QH14 về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội không chỉ có ý nghĩa quan trọng với hai thành phố này mà còn tạo cơ sở thực tiễn, pháp lý để hoàn thiện chính sách đối với các địa phương khác. Do đó, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, phải xem xét kỹ lưỡng các vấn đặt ra trong dài hạn nhằm thiết kế chính sách mới, vượt trội hơn trong thời gian tới.

Chưa hiệu quả như kỳ vọng

Sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh (Nghị quyết số 54) và gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội (Nghị quyết số 115), hai thành phố lớn nhất cả nước đã quyết tâm, tích cực, nỗ lực triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù được Quốc hội cho phép thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định.

Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh Covid-19 rất nặng nề, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, nên việc thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù được đánh giá là chưa phát huy hết tác dụng, chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, nhiều chính sách còn triển khai chậm.

Đơn cử, về quản lý đất đai, theo Báo cáo của Chính phủ, TP. Hồ Chí Minh đã thông qua 32 dự án chuyển mục đích sử dụng từ 10ha đất trồng lúa trở lên với tổng diện tích 1.843,79ha. Tuy nhiên, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, dù TP. Hồ Chí Minh đã chuyển đổi được 1.843,79ha đất lúa nhưng trên thực tế, nhiều dự án chậm triển khai do phải thực hiện theo các quy định khác liên quan, bao gồm cả nguyên nhân khách quan như: khó khăn trong việc xác định nguồn gốc sử dụng đất, thông tin của người sử dụng đất để ra thông báo, quyết định thu hồi đất; vướng mắc về thủ tục pháp lý do thay đổi chủ trương của thành phố... Đặc biệt, còn nhiều nguyên nhân chủ quan như: tiến độ thực hiện các công trình, dự án phụ thuộc vào việc thẩm định và ban hành quyết định của các bộ, ngành; phụ thuộc trực tiếp vào cân đối vốn; chủ đầu tư lúng túng trong hoàn thiện các thủ tục để được giao, thuê đất...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, Báo cáo của Chính phủ cần đánh giá thêm để làm rõ nếu có "nghẽn" thì "nghẽn" ở đâu, ở phân cấp thẩm quyền hay ở các quy trình, thủ tục để kiến nghị các bộ, ngành xử lý kịp thời, giúp TP. Hồ Chí Minh giải quyết các thủ tục hành chính, "đánh trúng, giải quyết đúng" các điểm nghẽn về đất đai để thành phố khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực này trong thời gian tới. Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị, TP. Hồ Chí Minh cần chỉ đạo và thực hiện quyết liệt hơn, thực hiện tốt quy định liên quan, các bộ, ngành tăng cường trách nhiệm để bảo đảm đồng bộ trong tổ chức thực hiện.

Đối với TP. Hà Nội, Nghị quyết số 115 cho phép thành phố ban hành mới loại phí chưa quy định trong Danh mục, điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu, nhưng qua gần 3 năm thực hiện, đến nay thành phố mới ban hành 1 Nghị quyết về sửa đổi mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản có hiệu lực từ ngày 1.1.2023. Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đối với một số lĩnh vực như giao thông, đề nghị nghiên cứu, ban hành các chính sách về phí, lệ phí nhằm góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông như mục tiêu 3 năm trước Chính phủ đã đề ra khi trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhận định, đối với cả hai Nghị quyết trên, quá trình thực hiện và báo cáo của Chính phủ cho thấy có một số chính sách đến nay triển khai chậm; một số chính sách chưa thực hiện vì nhiều lý do khác nhau. Bên cạnh đó, một số chính sách hiện đã được pháp luật quy định áp dụng chung, không còn là đặc thù đối với TP. Hồ Chí Minh nữa như: quy định cho phép thành phố được hưởng số thu từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND thành phố làm đại diện chủ sở hữu.

Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, Báo cáo của Chính phủ cần đánh giá đầy đủ, sâu sắc hơn đối với những cơ chế, chính sách chậm triển khai, nguyên nhân do đâu; đối với chính sách đến nay chưa triển khai được thì lý do là gì? Trong báo cáo có nêu vì những lý do khách quan, như chưa thu được một phần tiền từ bán tài sản công của các cơ quan Trung ương trên địa bàn, hay do các cơ quan chưa bán cho nên chưa có phương án xử lý các tài sản này nên không có nguồn thu… “Đúng là khách quan như vậy, nhưng phải đánh giá việc nghiên cứu, chuẩn bị những cơ chế, chính sách đặc thù này như thế nào?” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đặt câu hỏi. Ông cũng thẳng thắn cho rằng, việc Chính phủ nghiên cứu, chuẩn bị những cơ chế, chính sách đặc thù và trình Quốc hội thông qua nhưng chưa đánh giá khả năng áp dụng chính sách này trong thực tế sau khi được Quốc hội quyết định, dẫn tới tình trạng chính sách đã được quyết định nhưng thực tiễn không thi hành được cũng là bất cập trong công tác xây dựng các chính sách này.

Phải quyết tâm hơn nữa

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, kỳ vọng của Quốc hội khi thông qua hai Nghị quyết này là muốn tạo ra cú hích, mở thêm dư địa để huy động các nguồn lực, tạo động lực phát triển cho hai "đầu tàu kinh tế" của đất nước. Tuy nhiên đến nay, đánh giá việc thực hiện hai Nghị quyết cho thấy hiệu quả chưa cao. Do đó, cần tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 54 và đề xuất được cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm để hoàn thiện hệ thống pháp luật. “Cái gì kéo dài, cái gì mới cần bổ sung? - Đó mới là mong muốn của Quốc hội”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói, đồng thời cũng lấy làm tiếc khi đến bây giờ, Chính phủ chưa đưa ra đề xuất gì để hoàn thiện hệ thống pháp luật về cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm.

Qua báo cáo tổng kết, đánh giá, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế thấy rằng vẫn còn những chính sách cần thiết để TP. Hồ Chí Minh tiếp tục khai thác, phát triển trong thời gian tới, tuy nhiên thành phố phải quyết tâm hơn nữa. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị, trong thời gian sắp tới, cần có nghiên cứu đưa ra các cơ chế, chính sách mới đột phá hơn. "Với những cơ chế, chính sách đã được áp dụng chung cho các địa phương khác trên cả nước rồi thì nên thôi; những gì qua tổng kết, đánh giá lại mà thấy không phát huy được hiệu quả cũng nên thôi…".

Đề cập một trong những mục tiêu của Quốc hội khi cho phép thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với hai thành phố lớn là để nếu thấy phù hợp với thực tiễn thì đưa vào luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi các luật trong năm 2023, nếu thấy việc gì có thể đề xuất được thì Chính phủ cần đề xuất luôn. “Bây giờ đang sửa Luật Đất đai, đến cuối năm 2023 Quốc hội chuẩn bị thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) mà lúc ấy mới đề xuất thì không hợp lý, cho nên trong quá trình thực hiện và tổng kết việc thực hiện các nghị quyết này cũng phải nghiên cứu và tổng kết thực tiễn ngay trong quá trình thực hiện, có vấn đề gì thì đề nghị sửa luôn vào các luật", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, phải đánh giá kỹ hơn các cơ chế, chính sách thí điểm, kết quả và tác động cụ thể của từng chính sách đã được thực hiện vừa qua như thế nào; nêu rõ chính sách nào thực hiện hiệu quả, hết thời gian thí điểm có thể nhân rộng, áp dụng cho toàn quốc; những khó khăn, vướng mắc và giải pháp để triển khai các chính sách chưa thực hiện hoặc thực hiện hiệu quả chưa cao. Cụ thể, đối với các chính sách không nên triển khai tiếp thì cần đánh giá kỹ hơn khâu tổ chức thực hiện, chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm dẫn đến nhiều cơ chế, chính sách trong Nghị quyết số 54 chưa thực hiện được hoặc đã thực hiện nhưng hiệu quả thấp.

Nhật An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/xem-xet-ky-luong-trong-dai-han-thiet-ke-chinh-sach-moi-vuot-troi-hon-i303554/